Xu hướng ứng dụng AI trong tuyển dụng: Nhiều lợi ích nhưng vẫn cần giám sát để bảo đảm công bằng, minh bạch

Hồng Ngọc
11:13 - 21/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép các nhà tuyển dụng tận dụng tối đa sức mạnh của dữ liệu để sàng lọc ứng viên, dự đoán tiềm năng và mức độ phù hợp của ứng viên với văn hóa doanh nghiệp,... Từ đó giúp nhà tuyển dụng đưa ra quyết định chính xác, thông minh hơn.

trí tuệ nhân tạo

Công nghệ AI giúp cho việc tìm kiếm, thu hút nhân tài trở nên hiệu quả và công bằng hơn. Ảnh: Crestresearch

Trí tuệ nhân tạo giúp tối đa hóa hiệu quả tuyển dụng, tăng cường trải nghiệm ứng viên

Tuyển dụng vốn dĩ là một quy trình tương đối dài, tại đây doanh nghiệp cần sử dụng rất nhiều thao tác thủ công. Các nhà tuyển dụng phải dành nhiều thời gian cho những công việc mang tính chất hành chính như: phân loại ứng viên, sàng lọc hồ sơ, lên lịch phỏng vấn, hoặc phối hợp với thành viên khác trong/ngoài bộ phận để thực hiện tuyển chọn ứng viên phù hợp. Tuy nhiên, các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể sàng lọc, phân loại hàng nghìn hồ sơ ứng tuyển nhanh chống, đồng thời nhận diện được ứng viên triển vọng. Điều này giúp cho đội ngũ tuyển dụng tiết kiệm đáng kể thời gian, tối ưu hiệu suất làm việc, từ đó lựa chọn được nguồn nhân lực chất lượng hơn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo giúp ngăn chặn tình trạng thiên vị cá nhân trong tuyển dụng. Theo một nghiên cứu, khoảng 50% nhà quản lý nhân sự thừa nhận rằng họ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố thiên vị “vô hình” khi lựa chọn ứng viên. Điều này không chỉ dẫn đến chất lượng tuyển dụng kém mà còn ngăn cho doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn nhân lực. Khi trí tuệ nhân tạo được sử dụng đúng cách, nó có thể đối phó với tình trạng này và loại bỏ yếu tố chủ quan trong quy trình tuyển dụng, bao gồm tuổi tác, giới tính, chủng tộc, quê quán,...

Các công cụ tuyển dụng tích hợp AI cũng giúp tăng cường trải nghiệm ứng viên bằng cách tối ưu hóa toàn bộ quy trình từ vòng hồ sơ cho đến khi bắt đầu làm việc. Theo đó, quy trình tuyển dụng sẽ được cá nhân hóa với từng giai đoạn ứng viên tiếp xúc với doanh nghiệp như: gửi mail tự động, lên lịch hẹn phỏng vấn, tự động trả lời câu hỏi thường gặp với AI chatbot,...khiến cho quá trình tuyển dụng trở nên thú vị, mới mẻ, hiệu quả. Từ đó, ứng viên sẽ cảm thấy hài lòng, dễ chịu và có cảm giác được tôn trọng khi ứng tuyển vào bất kỳ vị trí nào trong doanh nghiệp, đồng thời doanh nghiệp mở ra cho mình cơ hội thu hút được nhiều nhân tài hơn.

Các công cụ tích hợp AI sẽ hỗ trợ phương thức tuyển dụng truyền thống trong việc đánh giá ứng viên dựa trên phân tích dữ liệu, thông tin được cung cấp. Từ đó nhà quản lý có cái nhìn khách quan để đưa ra quyết định chính xác hơn, cải thiện chất lượng tuyển dụng.

Bằng cách tận dụng trí tuệ nhân tạo, nhà tuyển dụng có thể tiết kiệm thời gian, công sức, tăng mức độ phù hợp với ứng viên, giảm thiểu định kiến và ra quyết định sáng suốt dựa trên dữ liệu.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình cách mạng hóa lĩnh vực tuyển dụng; tăng cường hiệu suất, độ chính xác cũng như hiệu quả tổng thể khi xác định và thu hút nhân tài cho tổ chức.

Ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong quy trình tuyển dụng  

Như vậy, không thể phủ nhận trí tuệ nhân tạo đang tác động đáng kể đến quá trình tuyển dụng lao động trong nhiều khía cạnh. Dưới đây là một số ứng dụng cụ thể của AI trong quá trình tuyển dụng.

Tạo nguồn ứng viên: Các giải pháp tạo nguồn ứng viên dựa trên trí tuệ nhân tạo giúp nhà tuyển dụng dễ dàng tìm kiếm, kết nối ứng viên phù hợp một cách nhanh chóng. Những công cụ này sử dụng thuật toán và công nghệ học máy để tự động hóa nhiều tác vụ khác nhau, bao gồm tìm kiếm trên website tuyển dụng, cơ sở dữ liệu nội bộ, mạng xã hội, từ đó xác định nguồn ứng viên chất lượng cho từng vị trí cụ thể.

Một số công cụ tìm kiếm dựa trên trí tuệ nhân tạo cũng cung cấp thông tin cho nhà tuyển dụng thông qua dữ liệu, đưa ra đề xuất để doanh nghiệp có quyết định tuyển dụng sáng suốt hơn.

Đánh giá, sàng lọc ứng viên: Công cụ sàng lọc ứng viên dựa trên trí tuệ nhân tạo có khả năng phân tích hàng nghìn hồ sơ ứng viên nhanh chóng, xác định ứng viên phù hợp dựa trên tiêu chí như kỹ năng, kinh nghiệm, và trình độ học vấn. Điều này giúp giảm thiểu thời gian và công sức mà nhân viên tuyển dụng phải tiêu khi chấm điểm ứng viên ban đầu.

Công cụ đánh giá ứng viên thông minh được nhiều công ty sử dụng để đánh giá năng lực và đặc điểm cá nhân ứng viên một cách tổng thể thông qua trò chơi, bài trắc nghiệm đánh giá hành vi, kiểm tra kỹ năng. Sau đó, thuật toán trí tuệ nhân tạo sẽ phân tích dữ liệu, tạo ra báo cáo chi tiết về điểm mạnh, điểm yếu,... Việc này không chỉ tiết kiệm thời gian, tài nguyên cho doanh nghiệp mà còn tạo ra sự tương tác hai chiều, giúp ứng viên thể hiện khả năng của mình, đồng thời mang lại trải nghiệm tốt hơn cho họ.

Xu hướng ứng dụng AI trong tuyển dụng: Nhiều lợi ích nhưng vẫn cần giám sát để bảo đảm công bằng, minh bạch- Ảnh 3.

Với sự hỗ trợ của AI, các nhà tuyển dụng dễ dàng trích xuất thông tin cốt lõi từ hàng loạt hồ sơ ứng tuyển, lọc ra ứng viên phù hợp nhất mà không tốn quá nhiều thời gian, công sức. Ảnh: Diversityq

Phỏng vấn ứng viên: Chatbot và các hệ thống AI khác có thể tự động thực hiện cuộc phỏng vấn ban đầu với ứng viên thông qua trao đổi văn bản hoặc giọng nói. Các hệ thống này có thể đặt câu hỏi chuẩn mực và đánh giá phản ứng của ứng viên dựa trên cách họ trả lời. Điều này có thể giúp xác định ứng viên tiềm năng mà không cần sự can thiệp của con người.

Xác minh thông tin: AI có thể giúp kiểm tra thông tin về kinh nghiệm và quá trình làm việc của ứng viên bằng cách tìm kiếm trên mạng và kiểm tra cơ sở dữ liệu. Điều này giúp đảm bảo tính trung thực của hồ sơ và thông tin mà ứng viên cung cấp.

Dự đoán hiệu suất: AI có thể dùng để dự đoán hiệu suất công việc của ứng viên dựa trên dữ liệu lịch sử từ các nhân viên tương tự hoặc trên dữ liệu mô phỏng. Điều này có thể giúp tuyển dụng những người có khả năng thành công cao hơn.

Tạo kế hoạch và phát triển: Các hệ thống AI có thể theo dõi hiệu suất của nhân viên và đề xuất kế hoạch phát triển dựa trên kết quả. Điều này giúp cải thiện quá trình quản lý nhân sự và giúp nhân viên phát triển kỹ năng. Bên cạnh đó, với công nghệ AI, hoạt động hội nhập nhân viên mới được cá nhân hóa từ khâu hướng dẫn, giới thiệu về tổ chức, văn hóa doanh nghiệp để họ có định hướng cơ bản về công việc của mình trong ngày đầu làm việc. Từ đó, nhân viên mới có thể nhanh chóng làm quen, hòa nhập với môi trường mới và làm việc hiệu quả.

Giám sát việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong tuyển dụng để bảo đảm công bằng, minh bạch

Tuy trí tuệ nhân tạo có thể cải thiện hiệu suất và hiệu quả của quá trình tuyển dụng, nhưng cũng cần cân nhắc để đảm bảo tính công bằng, đạo đức và tuân thủ các quy định về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu của ứng viên. AI chỉ là một công cụ, và quá trình tuyển dụng vẫn cần sự giám sát và can thiệp của con người để đảm bảo quyết định tuyển dụng cuối cùng là công bằng và phù hợp.

Công nghệ tiên tiến nào cũng thường đi kèm với những nguy cơ tiềm ẩn. Các chuyên gia cảnh báo rằng, dù ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quá trình tuyển dụng có thể giải quyết nhiều vấn đề nhất định, nhưng các doanh nghiệp cũng không nên phụ thuộc quá nhiều vào AI.

Trí tuệ nhân tạo có thể phân tích dữ liệu và sao chép, thao tác các nhiệm vụ lặp đi lặp lại để giúp các nhà tuyển dụng nhưng không thể thay thế hoàn toàn sự can thiệp của con người. Trên thực tế, AI chỉ giúp đỡ, hỗ trợ để nhà tuyển dụng có nhiều thời gian hơn trong giải quyết các nhiệm vụ cần có sự tham gia của con người - những vấn đề cần có sự cá nhân hóa trong tuyển dụng. 

Nói về hạn chế của AI, công nghệ này nhanh và chính xác nhưng vẫn sẽ có lỗi. Một lỗi trong quá trình học máy có thể rất khó sửa nếu không được xử lý nhanh chóng. AI tạo kết nối từ dữ liệu nhưng không thể chủ động xác định nguyên nhân dẫn đến các dữ liệu đó. AI cũng phù hợp để phát hiện các mẫu nhưng vẫn phải phụ thuộc vào con người để giải mã ý nghĩa đằng sau mối tương quan. Trí tuệ nhân tạo tuân theo các lập trình được xác định từ trước. Nói cách khác, trí tuệ nhân tạo hoạt động tốt nhất khi được thiết kế để hoàn thành các nhiệm vụ trong phạm vi hẹp. Ví dụ, AI là một công cụ tuyệt vời để khai thác một lượng lớn dữ liệu nhưng nó sẽ không thể nhìn thấy toàn cảnh những yếu tố ảnh hưởng đến dữ liệu.

Tóm lại, dù sự phát triển của hoạt động tuyển dụng dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo là một cơ hội lớn để cải thiện trải nghiệm cho cả các nhà tuyển dụng và người tìm việc, nhưng điều quan trọng là các tiêu chuẩn về đạo đức và pháp lý phải được duy trì trong suốt quá trình này để đảm bảo tính công bằng và minh bạch. Các doanh nghiệp sử dụng trí tuệ nhân tạo trong tuyển dụng cần hiểu rõ nguồn dữ liệu và chất lượng của hệ thống đó. Họ cũng phải đảm bảo thực hiện các quy tắc bảo mật dữ liệu để tạo và lưu trữ dữ liệu cá nhân quan trọng.

Nguồn: Jobylon, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia
Bình luận của bạn

Bình luận