Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam hiện giờ như thế nào?

Quỳnh Giang
12:15 - 26/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 25/8 Việt Nam có 3.342 ca mắc mới COVID-19, 2 bệnh nhân tử vong nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.110 ca. Trên cả nước hiện có 975 xã, phường là vùng vàng và cam.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam

Ngày 25/8, Việt Nam có 3.342 ca COVID-19 mới, 2 bệnh nhân tử vong

Theo bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 25/8 của Bộ Y tế, trong ngày 25/8 Việt Nam có 3.342 ca mắc COVID-19 mới. Như vậy, đây là ngày thứ 3 liên tiếp cả nước có số ca mắc mới COVID-19 vượt mốc hơn 3.000 ca/ngày (ngày 24/8 là 3.591 ca, ngày 23/8 là 3.195 ca mắc mới COVID-19).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.396.205 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.865 ca nhiễm).

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam hiện giờ như thế nào? - Ảnh 1.

Bảng theo dõi ca nhiễm mới COVID-19 trong tháng 8/2022. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế

Tình hình điều trị COVID-19

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 25/8 là 12.747 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi COVID-19 tại Việt Nam là 10.116.927 ca.

Ngày 25/8, số bệnh nhân đang thở ô xy là 139 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 123 ca;Thở ô xy dòng cao HFNC: 6 ca; Thở máy không xâm lấn: 4 ca; Thở máy xâm lấn: 6 ca; ECMO: 0 ca.

Từ 17h30 ngày 24/8 đến 17h30 ngày 25/8, cả nước ghi nhận 2 ca tử vong tại: 1 ca tại Bà Rịa - Vũng Tàu và 1 ca tại Tây Ninh.

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua tại Việt Nam là 1 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.110 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Tình hình tiêm vaccine COVID-19

Ngày 24/8, tỉnh Đồng Nai điều chỉnh số mũi tiêm vaccine phòng COVID-19. Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 254.635.420 liều, trong đó:

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 217.759.014 liều: Mũi 1 là 71.086.612 liều; Mũi 2 là 68.632.096 liều; Mũi bổ sung là 14.929.213 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 49.680.889 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 13.430.204 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 22.092.319 liều: Mũi 1 là 9.083.161 liều; Mũi 2 là 8.782.054 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 4.227.104 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 14.784.087 liều: Mũi 1 là 9.065.551 liều; Mũi 2 là 5.718.536 liều.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam hiện giờ như thế nào? - Ảnh 2.

Tổng hợp đánh giá cấp độ dịch tại địa phương. Ảnh: capdodich.yte.gov.vn

Hơn 90% xã, phường trên cả nước hiện là vùng xanh

Theo thống kê cấp độ dịch mới nhất của Bộ Y tế (12:00 ngày 23/08/2022), dù số ca mắc COVID-19 mới có tăng trong tuần qua nhưng gần như cả nước hiện đã là vùng xanh.

Cụ thể, trong số 10.604 xã, phường toàn quốc đánh giá cấp độ dịch thì đã có 9.622 xã phường là vùng xanh, chiếm 90,7%. 831 xã, phường là vùng vàng, chiếm 7,8%. 144 xã, phường là vùng cam, chiếm 1,4%. Chỉ có 7 xã, phường hiện là vùng đỏ, chiếm 0,1%.

Đặc biệt, 63 tỉnh thành trên cả nước đều có các xã, phường là vùng xanh.

Công điện số 755/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 25/8/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Công điện số 755/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gửi Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Nội dung công điện nêu rõ: Việt Nam đã tăng nhanh tỷ lệ bao phủ vaccine, song tại một số nơi, việc tiêm vaccine chưa bảo đảm yêu cầu, tiến độ tiêm chủng còn chậm.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với sự xuất hiện của nhiều biến thể mới. Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục khẳng định đến thời điểm hiện tại, tiêm vaccine vẫn là giải pháp chiến lược nhằm kiểm soát dịch bệnh COVID-19.

Trong nước, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn cơ bản được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có chiều hướng gia tăng; nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của virus với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc; xuất hiện nhiều bệnh dịch như sốt xuất huyết, cúm mùa, tay chân miệng... Việt Nam đã tăng nhanh tỷ lệ bao phủ vaccine, song tại một số nơi, việc tiêm vaccine chưa bảo đảm yêu cầu, tiến độ tiêm chủng còn chậm, nhất là tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ người 18 tuổi trở lên còn thấp.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam hiện giờ như thế nào? - Ảnh 3.

Xe tiêm lưu động của Bệnh viện Quận 11 tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại trường Tiểu học Trưng Trắc, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/8/2022. Ảnh: Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh

Để tiếp tục bảo vệ và duy trì bền vững thành quả phòng chống dịch COVID-19, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang có nguy cơ gia tăng, tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Thực hiện nghiêm, có hiệu quả việc tiêm vaccine phòng COVID-19

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả việc tiêm vaccine theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hoàn thành sớm nhất việc tiêm vaccine cho các lứa tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc tiêm vaccine trên địa bàn, đảm bảo tiến độ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia và sử dụng kịp thời, hiệu quả số vaccine phòng COVID-19 được phân bổ, tránh lãng phí. Chỉ đạo các cấp chính quyền trên địa bàn đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người; tiếp tục khẩn trương tổ chức tiêm chủng lưu động, tại vùng có tỷ lệ tiêm thấp mũi 2 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ người 18 tuổi trở lên để bảo đảm mục tiêu đề ra.

Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện tiêm vaccine, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đối với các địa phương không bảo đảm tiến độ.

Tăng cường ứng phó với các biến thể mới của dịch bệnh COVID-19

Bộ Y tế bám sát diễn biến dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, tăng cường trao đổi, thông tin, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và ý kiến các chuyên gia để có đánh giá, dự báo diễn biến dịch bệnh do biến thể mới gây ra, triển khai đánh giá miễn dịch cộng đồng, chủ động tham mưu các giải pháp ứng phó phù hợp và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả. Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát, cập nhật kịch bản, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, bảo đảm người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay tại cơ sở; kiên quyết ứng phó kịp thời, hiệu quả trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại. Cơ quan, địa phương nào không kịp thời kiểm soát, để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về phòng chống COVID-19

Bộ Y tế chủ động, kịp thời cung cấp thông tin cập nhật về tình hình dịch bệnh, nhất là nguy cơ do các biến thể mới gây ra, các biện pháp phòng, chống dịch.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan báo chí, chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch, tích cực tiêm vaccine phòng COVID-19 để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam hiện giờ như thế nào? - Ảnh 4.

Thế giới hiện có hơn 604 triệu ca mắc COVID-19. Ảnh: AFP

Thế giới có hơn 604 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang thống kê COVID-19 trực tuyến worldometers.info lúc 10h55 ngày 26/8 (giờ Hà Nội), tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hiện nay là 604.351.556 trường hợp. Tổng số ca đã tử vong bởi COVID-19 là 6.483.148 trường hợp. Tổng số ca đã phục hồi sau khi mắc COVID-19 là 579.209.299 ca.

Tổng số bệnh nhân đang được điều trị là 18.659.109 ca, trong đó, 99,8% (18.615.417) số bệnh nhân mắc COVID-19 trong tình trạng nhẹ và chỉ có 0,2% ca mắc COVID-19 ở trong tình trạng nặng hoặc nguy kịch (43.692 ca).

Về tình hình điều trị, đã có 579.209.299 ca mắc COVID-19 hồi phục và xuất viện, chiếm 99% trong tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới.

Tính đến thời điểm hiện tại (10h55 ngày 26/8 (giờ Hà Nội) Nhật Bản tiếp tục là nước ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất trên thế giới với 227.139 trường hợp, theo sau đó là Hàn Quốc với 101.064 trường hợp và Australia với 11.209 trường hợp.

Với số ca mắc mới liên tục tăng cao trong những ngày gần đây, Nhật Bản hiện cũng là nước ghi nhận số ca tử vong mới cao nhất trên thế giới với 310 ca. Đứng thứ 2 về số ca tử vong mới do COVID-19 là Hàn Quốc với 81 ca, theo sau đó là Mexico với 64 ca tử vong mới do COVID-19.

Cũng theo trang thống kê COVID-19 trực tuyến worldometers.info, Mỹ hiện vẫn là nước đứng đầu trên thế giới về tổng số ca mắc COVID-19 kể từ đầu mùa dịch, với 95.844.677 ca, đứng thứ 2 là Ấn Độ với 44.389.176 ca mắc COVID-19, xếp thứ 3 là Pháp với 34.428.738 ca mắc COVID-19 và Brazil xếp thứ 4 với 34.350.639 ca mắc COVID-19.