Tiếp tục luận bàn về một số điểm tâm đắc của dự thảo Luật Nhà giáo
Đội ngũ giáo viên tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đưa ra các điểm tâm đắc về dự thảo Luật Nhà giáo.
Bài viết "Hiểu thêm về 5 điểm tâm đắc của dự thảo Luật Nhà giáo" đăng tải trên Tạp chí Công dân và Khuyến học ngày 22/5/2024 nhận được nhiều sự quan tâm của giáo viên các cấp.
Nội dung bài viết cho biết, đội ngũ giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh rất tâm đắc với 5 nội dung mới trong dự thảo Luật Nhà giáo.
Đội ngũ giáo viên ở địa phương này tiếp tục đưa ra bàn thêm về một số điểm tâm đắc về dự thảo Luật Nhà giáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo sau đây:
1. Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân có các hành vi như: Phân công nhà giáo không đúng với thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng nhà giáo; phân công vượt quá thời giờ làm việc theo quy định của pháp luật về lao động.
Hay không được công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo. (Điều 11)
Quy định này là rất đúng đắn, góp phần giúp hạn chế tối đa sự lạm quyền của hiệu trưởng. Không ít trường hợp giáo viên bị hiệu trưởng công khai thông tin về sai phạm, trong khi cơ quan quản lí giáo dục là Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo chưa có kết luận chính thức về vụ việc.
2. Mỗi chức danh nhà giáo được phân loại: Giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp. (Điều 12)
Quy định này phù hợp với Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Có thể hiểu, chức danh nhà giáo là giáo viên - giáo viên hạng III; giáo viên chính - giáo viên hạng II; giáo viên cao cấp - giáo viên hạng I.
Như vậy, trong quá trình dạy học, giáo viên cần nỗ lực về chuyên môn, nghiệp vụ để được bổ nhiệm giáo viên chính, giáo viên cao cấp, nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học ở cơ sở giáo dục.
3. Mỗi nhà giáo được cấp một hoặc hơn một chứng chỉ hành nghề. Cùng với đó, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo bị thu hồi trong các trường hợp:
Nhà giáo có kết quả đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 02 (hai) năm liên tục; Nhà giáo vi phạm kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc sa thải. (Điều 16, Điều 17).
Quy định nhà giáo được cấp chứng chỉ hành nghề là đúng đắn. Ví dụ, nhà giáo bị tinh giảm biên chế do năng lực yếu kém, vi phạm pháp luật... thì không thể tham gia giảng dạy ở cơ sở giáo dục khác vì không có chứng chỉ hành nghề.
4. Quy định thẩm quyền và phương thức tuyển dụng có nội dung: Đối với các cơ sở giáo dục công lập khác: Do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm tuyển dụng nhà giáo. (Điều 21)
Quy định này giúp các cơ quan quản lí giáo dục, cụ thể Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo được chủ động về mặt nhân sự.
Hiện tại, ngành giáo dục không được chủ động trong việc tuyển dụng giáo viên vì phụ thuộc vào Phòng/Sở Nội vụ địa phương.
Hay quy định tuyển dụng nhà giáo được thực hiện thông qua phương thức xét hồ sơ và thực hành sư phạm để đánh giá phẩm chất, năng lực theo chuẩn nhà giáo là rất đúng đắn.
Điều này phù hợp với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo. Hiện tại, ứng viên tham gia thi tuyển viên chức giáo viên phải làm bài thi về kiến thức chung là chưa gắn liền với yêu cầu hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo.
Hay nói cách khác, việc sát hạch năng lực giáo viên sẽ không còn nặng về luật mà thiên về kiểm tra phẩm chất, năng lực nhà giáo.
5. Chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo là giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi và được hưởng các chế độ nghỉ hưu theo quy định. (Điều 46)
Quy định này nhận được nhiều sự đồng tình, hưởng ứng của hầu hết giáo viên mầm non. Hiện nay, quy định về tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non là 60 tuổi, được cho là không phù hợp với đặc thù lao động của nhà giáo cấp học này.
Bởi vì, khoảng 55 tuổi, nhiều viên mầm non đã lên chức bà. Ở độ tuổi này họ khó có thể múa, ca hát như lúc trẻ.
Từ 55 tuổi, khả năng thích nghi với cái mới, linh hoạt với những thay đổi của giáo viên mầm non đã giảm nhiều. Thực tế, nhiều phụ huynh thấy giáo viên mầm non lớn tuổi cũng ngại ngần, họ thích cho con học các giáo viên mầm non trẻ hơn.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google