Hiểu thêm về 5 điểm tâm đắc của dự thảo Luật Nhà giáo
Đội ngũ giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết rất tâm đắc với 5 nội dung mới trong dự thảo Luật Nhà giáo.
5 điểm tâm đắc trong dự thảo Luật Nhà giáo
1. Quy định về vị trí, vai trò của nhà giáo trong Luật Nhà giáo. Điều này được thể hiện qua nội dung: Nhà giáo là nguồn nhân lực chất lượng cao, là bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức của đất nước, là lực lượng nòng cốt của ngành Giáo dục (Điều 4).
Tuy vậy, các giáo viên góp ý thêm, dự thảo Luật Nhà giáo nên đưa thêm nội dung: "Nhà giáo có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh" vào Điều 4 vì khoản 2 Điều 66 Luật Giáo dục có quy định này.
2. Chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo được cụ thể hoá rõ ràng qua một số nội dung như: Chính sách thu hút, trọng dụng và ưu đãi với người có tài năng làm nhà giáo;
Chính sách ưu đãi đối với nhà giáo dạy ở trường chuyên biệt, nhà giáo là người dân tộc thiểu số; chính sách thu hút nhà giáo về công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn... (Điều 7)
Chẳng hạn, hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh đang trong quá trình xây dựng, xin ý kiến và hoàn thiện để trình Uỷ ban Nhân dân Thành phố chính sách thu hút giáo viên.
Khi Luật Nhà giáo được thông qua thì chính sách thu hút giáo viên sẽ được Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện dễ dàng vì đã có cơ sở về hành lang pháp lí.
3. Dự thảo cụ thể hoá hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo bằng những quy định tường minh theo từng bậc học.
Ví dụ, hoạt động nghề nghiệp của giáo viên trung học phổ thông là giáo dục, giảng dạy một hoặc một số môn học trong cơ sở giáo dục trung học phổ thông... (Điều 8)
Quy định này phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bởi vì, giáo viên có thể dạy một hoặc một số môn học tuỳ theo chuẩn trình độ được đào tạo. Ví dụ, giáo viên có thể dạy cả môn Toán và Tin học nếu họ có văn bằng phù hợp với chuyên ngành được đào tạo.
4. Nhà giáo có nhiều quyền, trong đó đáng chú ý, nhà giáo được chủ động phân phối thời lượng và sắp xếp nội dung giáo dục, lựa chọn hình thức tổ chức và phương pháp giáo dục đảm bảo mục tiêu giáo dục và kế hoạch của cơ sở giáo dục. (Điều 9)
Ví dụ, đối với môn Ngữ văn 10, một bài học giáo viên có thể dạy 2, 3 hoặc 4 tiết tuỳ theo trình độ, năng lực học sinh. Giáo viên hoàn toàn có thể sắp xếp lại chương trình, chẳng hạn đảo thứ tự các bài học, chủ đề sao cho logic.
Hay, nhà giáo được tham gia các chương trình trao đổi nhà giáo; hợp đồng thỉnh giảng, nghiên cứu khoa học... Nhà giáo được nghỉ hè và các ngày nghỉ khác theo quy định. (Điều 9)
Theo quy định này, nhà giáo nếu còn dư thời gian thì có thể tham gia thỉnh giảng ở các cơ sở giáo dục khác để học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp và tăng thêm thu nhập.
5. Nghĩa vụ nhà giáo cũng có nội dung đáng chú ý như: Tôn trọng, đối xử công bằng với người học; bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người học; phát huy phẩm chất và năng lực của từng người học. (Điều 10)
Ví dụ, giáo viên bộ môn thiên vị về điểm số đối với những học sinh tham gia học thêm là phạm luật vì có dấu hiệu không tôn trọng, đối xử công bằng với người học.
Hoặc giáo viên có hành vi "ép" học sinh lớp 9 không thi tuyển sinh vào 10 là không bảo vệ được các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người học thì sẽ bị xử lí theo quy định.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google