Tiếng Tagalog cùng một số ngôn ngữ Đông Nam Á khác được đưa vào giảng dạy tại Đại học Harvard

Lam Linh
10:24 - 11/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Năm học 2023-2024, Khoa Nghiên cứu Nam Á, Đại học Harvard sẽ tuyển giảng viên dạy một số ngôn ngữ Đông Nam Á. Đó là tiếng Tagalog, tiếng Bahasa Indonesia và tiếng Thái.

Tiếng Tagalog cùng một số ngôn ngữ Đông Nam Á khác được đưa vào giảng dạy tại Đại học Harvard - Ảnh 1.

Tiếng Tagalog là một trong số 3 ngôn ngữ Đông Nam Á được đưa vào giảng dạy tại Đại học Harvard. Ảnh: Harvard University

Đại học Harvard sẽ dạy tiếng Tagalog, tiếng Bahasa Indonesia và tiếng Thái

Theo The Harvard Crimson, bắt đầu từ năm học 2023-2024, Khoa Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Harvard sẽ tuyển 3 giảng viên dạy ngôn ngữ Đông Nam Á. Đó là tiếng Tagalog, tiếng Bahasa Indonesia và tiếng Thái.

Theo Giám đốc điều hành Trung tâm Châu Á – Đại học Harvard Elizabeth K. Liao, Trung tâm Châu Á đã nỗ lực gây quỹ, bảo đảm nguồn tài chính để tuyển các giảng viên về dạy ngôn ngữ Đông Nam Á. Các giảng viên sẽ dạy theo nhiệm kỳ 3 năm và có thể gia hạn thêm tối đa 5 năm nữa.

"Chúng tôi hy vọng việc đưa ngôn ngữ Đông Nam Á vào giảng dạy tại Đại học Harvard sẽ thay đổi sứ mệnh dài hạn của Trung tâm Châu Á. Đó là nhằm xây dựng các nghiên cứu về Đông Nam Á tại Đại học Harvard. Đồng thời, dạy một số ngôn ngữ Đông Nam Á cũng giúp gắn kết trường đại học với các nước trong khu vực này", bà Elizabeth K. Liao chia sẻ.

Giáo sư Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á kiêm Giám đốc Trung tâm Châu Á – Đại học Harvard James Robson cho biết, ngân sách thuê giảng viên dạy ngôn ngữ Đông Nam Á rơi vào khoảng 1 triệu USD (tương đương 23,5 tỉ đồng).

Giáo sư James Robson chia sẻ, Trung tâm Châu Á đã dành hơn 2 năm làm việc để tăng cường giáo dục về Đông Nam Á tại Đại học Harvard.

"Nếu chứng minh được mọi người có nhu cầu với ngôn ngữ Đông Nam Á và sinh viên cũng hào hứng với việc học ngôn ngữ này thì tôi hy vọng chính quyền sẽ hỗ trợ thêm cho việc nghiên cứu Đông Nam Á nói chung và giảng dạy ngôn ngữ Đông Nam Á nói riêng", Giáo sư James Robson bày tỏ.

Jorge Espada, Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Châu Á, cho biết trong một cuộc khảo sát về tất cả các nguồn tài nguyên, nhóm nghiên cứu của ông đã nhận thấy sự thiếu hụt các nghiên cứu về Đông Nam Á và các khóa học ngôn ngữ Đông Nam Á tại Đại học Harvard.

Ông Jorge Espada nói, một số ngôn ngữ Đông Nam Á được dạy như một phần của định dạng hướng dẫn trong Khoa Nghiên cứu Nam Á. Trung tâm Châu Á muốn khảo sát xem giảng viên được tuyển có dạy được những ngôn ngữ này hay không, sau đó sẽ chuyên nghiệp hóa việc giảng dạy ngôn ngữ Đông Nam Á tại Đại học Harvard.

Lần đầu tiên Đại học Harvard dạy tiếng Tagalog cho sinh viên

Trong khi tiếng Thái và tiếng Bahasa Indonesia hiện đang được giảng dạy tại Đại học Harvard. Tuy nhiên, không có khóa học nào được cung cấp bằng tiếng Tagalog – ngôn ngữ được nói nhiều thứ tư ở Hoa Kỳ.

Hiện Đại học Harvard chưa có Khoa Đông Nam Á học. Trong các năm học 2022-2023, Khoa Nghệ thuật và Khoa học cung cấp một khóa học về Philippines. Đây chỉ là một phần của khóa học khảo sát về lịch sử Đông Nam Á.

Bà Eleanor V. Wikstrom, đồng chủ tịch Diễn đàn Harvard Philippine (HPF), Tổng Biên tập Crimson, cho biết mục tiêu của HPF là đưa tiếng Tagalog vào trường đại học.

HPF là một diễn đàn chia sẻ về văn hóa cũng như truyền thống Philippines tại Đại học Harvard. HPF đã kiến nghị các nhà quản lý của Đại học Harvard cung cấp các khóa học bằng tiếng Tagalo.

Vào năm 2021, Bà Eleanor V. Wikstrom đã viết một bài xã luận trên tờ The Crimson về giá trị của việc học tiếng Tagalog. Đồng thời, bà chỉ trích việc thiếu các khóa học bằng tiếng Tagalog tại Đại học Harvard.

Đồng Chủ tịch HPF Marcky C. Antonio cho biết, việc cung cấp các khóa học tiếng Tagalog tại Đại học Harvard có ý nghĩa lớn đối với cộng đồng người Philippines. Ông cũng hy vọng, điều này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động trao đổi học thuật giữa Đại học Harvard và du học sinh đến từ Philippines.

Đây là khóa học tiếng Tagalog đầu tiên được cung cấp trong lịch sử của Đại học Harvard. Ông Marcky Antonio mong muốn Đại học Harvard cần bảo đảm chất lượng cũng như phương pháp dạy tiếng Tagalog và văn hóa Philippines được đúng hướng.

Nguồn: The Harvard Crimson
Bình luận của bạn

Bình luận