Bằng đại học vô giá trị tạo ra thế hệ thanh niên thất nghiệp ở Ấn Độ

Lam Linh
09:45 - 10/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trong lúc ngành kinh doanh giáo dục tại Ấn Độ đang bùng nổ, những tấm bằng đại học vô giá trị đã khiến thế hệ thanh niên ở quốc gia này vỡ mộng vì đối diện với nguy cơ thất nghiệp.

Bằng đại học “vô giá trị” tạo ra thế hệ thanh niên thất nghiệp ở Ấn Độ - Ảnh 1.

Bằng đại học vô giá trị vì không đi kèm với chất lượng đào tạo đang tạo ra một thế hệ thanh niên thất nghiệp ở Ấn Độ. Ảnh: New York Times

Chất lượng giáo dục đã tạo ra những tấm bằng đại học vô giá trị ở Ấn Độ

Ấn Độ đang rơi vào nghịch lý kỳ lạ. Các trường đại học hàng đầu của Ấn Độ đã đào tạo cho xã hội những nhà lãnh đạo toàn cầu. Ví dụ nổi bật nhất là ông Sundar Pichai - Giám đốc điều hành của công ty mẹ Alphabet và công ty con Google. Hoặc ông Satya Nadella - Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Microsoft. Nhưng quốc gia này cũng tạo ra những tấm bằng đại học vô giá trị dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp tăng cao. 

Đằng sau "ánh hào quang" của nền giáo dục Ấn Độ là hàng nghìn trường đại học tư nhân nhỏ và không chính quy ngày càng xuất hiện với tốc độ chóng mặt. 

Theo The Japan Times, tại Ấn Độ, kinh doanh đang bùng nổ trong ngành giáo dục trị giá 117 tỉ USD. Đồng thời, vô số trường đại học mới đang "mọc lên như nấm".

Chất lượng giáo dục đã tạo ra những tấm bằng đại học vô giá trị. Bởi các trường đại học này thuê những giảng viên có trình độ chuyên môn còn hạn chế. Đồng thời, chương trình giảng dạy ở các trường đại học là lỗi thời và thiếu tính thực hành. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp đại học, hàng nghìn thanh niên Ấn Độ vẫn đối mặt với nguy cơ thất nghiệp.

Giáo dục đại học luôn là vấn đề "nóng", gây nhiều tranh luận trên toàn cầu, kể cả ở Mỹ. Sinh viên trên khắp thế giới đang ngày càng cân nhắc lợi ích mà bằng đại học mang lại so với chi phí bỏ ra để học đại học. Nhưng sự phức tạp trong hệ thống giáo dục ở Ấn Độ thể hiện sâu sắc hơn cả.

Ấn Độ là một quốc gia có dân số trẻ. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của công ty đánh giá tài năng Wheebox, một nửa số sinh viên tốt nghiệp ở Ấn Độ đều thất nghiệp do các vấn đề về chất lượng giáo dục.

Các vấn đề đối với các trường đại học lan rộng khắp Ấn Độ. Ở một số vùng của Ấn Độ, sinh viên đã tuyệt thực để phản đối việc thiếu giáo viên và cơ sở vật chất tại trường của họ.

Bằng đại học “vô giá trị” tạo ra thế hệ thanh niên thất nghiệp ở Ấn Độ - Ảnh 3.

Theo các nhà tuyển dụng ở Ấn Độ, sinh viên có bằng đại học không đồng nghĩa họ sẽ có các kỹ năng làm việc thực tế. Ảnh: SCMP

Chất lượng giáo dục thấp ở Ấn Độ khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng. Bởi theo các nhà tuyển dụng, việc sinh viên có bằng đại học không đồng nghĩa họ sẽ có các kỹ năng làm việc thực tế. Điều này dẫn đến mặc dù là đất nước có nền kinh tế lớn, phát triển nhanh nhất thế giới, song tỉ lệ thất nghiệp của Ấn Độ ở mức cao hơn 7%.

Yeshwinder Patial – giám đốc nhân sự tại MG Motor Ấn Độ cho biết: "Chúng tôi gặp thách thức trong việc tuyển dụng vì các ứng viên ứng tuyển vị trí việc làm đều không có các kỹ năng cần thiết cho ngành công nghiệp ô tô".

Ông Yeshwinder Patial cho biết thêm, các công ty đang tìm cách tuyển dụng trong các lĩnh vực như sản xuất xe điện, trí tuệ nhân tạo,... Nhưng các trường đại học tư thục của Ấn Độ vẫn dạy những tài liệu lỗi thời.

Những lời quảng cáo hấp dẫn về bằng đại học

Bằng đại học “vô giá trị” tạo ra thế hệ thanh niên thất nghiệp ở Ấn Độ - Ảnh 4.

Những tấm biển quảng cáo đưa ra những lời hứa hẹn hấp dẫn về bằng đại học và việc làm đã thu hút hàng triệu thanh niên Ấn Độ đang mơ về cuộc sống tốt đẹp hơn trong bối cảnh việc làm ảm đạm của Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg

Sự bùng nổ giáo dục ở Ấn Độ diễn ra khá phức tạp. Chẳng hạn, ở thành phố Bhopal – một đô thị nhộn nhịp với khoảng 2,6 triệu dân ở miền trung Ấn Độ, các biển quảng cáo rầm rộ về các trường đại học tư thục được treo mọi ngóc ngách trên đường phố. 

Những tấm biển quảng cáo đưa ra những lời hứa hẹn hấp dẫn về bằng đại học và việc làm cho người trẻ sau khi tốt nghiệp tại trường đại học đó. Những lời hứa như thế thật khó cưỡng đối với hàng triệu thanh niên đang mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn trong bối cảnh việc làm ảm đạm của Ấn Độ.

Mong muốn kiếm được việc làm và thăng tiến trong nghề nghiệp, một số thanh niên Ấn Độ đã trả tiền để học 2-3 tấm bằng cùng một lúc. Họ thường bị thu hút bởi các trường đại học nằm bên trong vài tòa chung cư nhỏ hoặc gần sát các cửa hàng ở chợ.

Những bảng quảng cáo bắt mắt cũng được treo khắp trên tuyến đường cao tốc với lời hứa hẹn sẽ tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học.

Các sinh viên khi được phỏng vấn đã nêu ra một loạt lý do để đầu tư vào giáo dục nhiều hơn. Với họ, có bằng đại học sẽ nâng cao được địa vị xã hội, cải thiện triển vọng hôn nhân hoặc để nộp đơn xin việc vào cơ quan chính phủ.

Bằng đại học “vô giá trị” tạo ra thế hệ thanh niên thất nghiệp ở Ấn Độ - Ảnh 5.

Tanmay Mandal (25 tuổi) có tấm bằng cử nhân kỹ thuật xây dựng dân dụng nhưng vẫn thất nghiệp do không trả lời được các câu hỏi liên quan đến kỹ thuật xây dựng khi phỏng vấn xin việc. Ảnh: Bloomberg

Một cư dân Bhopal, Tanmay Mandal (25 tuổi) đã trả học phí là 4.000 USD để lấy bằng cử nhân kỹ thuật dân dụng. Anh ấy tin bằng đại học sẽ giúp mình tìm được việc làm và thành công trong cuộc sống. 

Tuy nhiên, sau khi cầm tấm bằng đại học trên tay, anh Tanmay Mandal vẫn thất nghiệp vì không vượt qua các câu hỏi kỹ thuật xây dựng trong các cuộc phỏng vấn xin việc.

Dù nhận thấy bằng đại học không hữu ích nhưng Tanmay Mandal xấu hổ vì bị thất nghiệp hơn. Anh tiếp tục đăng ký học thạc sĩ tại một trường đại học tư thục vì tin rằng việc có nhiều bằng cấp sẽ giúp anh nâng cao địa vị xã hội.

Nguồn: The Japan Times
Bình luận của bạn

Bình luận