Thuốc Tamiflu có chữa được cúm A không?

PV (tổng hợp)
16:23 - 27/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Một số tỉnh, thành phố phía Bắc đang ghi nhận nhiều ca mắc bệnh cúm, trong đó nhiều ca bệnh cúm A xuất hiện ở Hà Nội, Quảng Ninh. Hiện tượng này có bất thường không và thuốc Tamiflu có chữa được cúm A không?

Theo Bác sĩ Vũ Quốc Đạt, giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm, Đại học Y Hà Nội, thành viên Mạng lưới đánh giá và ứng phó về lâm sàng các bệnh mới nổi của Tổ chức Y tế thế giới, dịch cúm hiện nay ở miền Bắc không bất thường. 

Thuốc Tamiflu có chữa được cúm A không? - Ảnh 1.

Bác sĩ Vũ Quốc Đạt khuyến cáo người dân không nên tự ý mua thuốc Tamiflu để điều trị bệnh cúm tại nhà.

Miền Bắc đang ở giai đoạn đỉnh dịch

Thực tế từ nhiều năm trước, do điều kiện khí hậu, thời tiết, khu vực phía Bắc thường ghi nhận đỉnh dịch của bệnh cúm vào khoảng tháng 7 và tháng 1 hằng năm. Vì vậy, dịch cúm hiện nay ở miền Bắc đang ở giai đoạn đỉnh dịch của bệnh cúm và việc ghi nhận nhiều ca bệnh là điều hoàn toàn bình thường.

Ở những khu vực khác của nước ta, virus cúm có thể lưu hành vào mùa Đông Xuân và đã được dự báo.

Virus cúm có 3 tuýp khác nhau là A, B, C. Trong đó, virus có độc tính cao nhất là virus cúm A. Tuy nhiên, virus cúm A lại có nhiều chủng khác nhau và được gọi tên từ 2 kháng nguyên H và N, trong đó, có tới 11 kháng nguyên H, 19 kháng nguyên N. Như vậy, có tới hàng trăm chủng virus cúm A khác nhau.

Virus cúm A hiện nay đang lưu hành ở nước ta là virus cúm mùa, khác với cúm A độc lực cao như cúm gia cầm. Virus cúm mùa có độc lực thấp hơn, chủ yếu lây từ người sang người, trong khi đó virus gia cầm lây từ gia cầm sang người.

Cúm mùa có các biểu hiện như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho.

Hiện nay, không ít người dân tự mua thuốc Tamiflu để điều trị cúm tại nhà. Về việc này, Bác sĩ Vũ Quốc Đạt khuyến cáo người dân không nên tự ý mua Tamiflu để điều trị bệnh cúm. 

Vì thuốc Tamiflu hiện nay chủ yếu sử dụng đối với bệnh nhân mắc cúm nặng, hoặc đối tượng có nguy cơ bệnh tiến triển nặng. Với những người không có bệnh lý nền, khỏe mạnh, khi mắc cúm triệu chứng nhẹ, việc dùng Tamiflu không cần thiết.

Nếu sử dụng Tamiflu không đúng cách, sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Giống như vi khuẩn, virus cũng có khả năng kháng thuốc điều trị, nên việc sử dụng Tamiflu quá mức có thể gia tăng sự xuất hiện virus kháng thuốc. Điều đó làm mất khả năng điều trị cúm khi bệnh nhân tiến triển nặng.

Hiện nay, ở Việt Nam cũng như trên thế giới có rất ít thuốc có khả năng điều trị cúm. Vì vậy, nếu người dân tự ý dùng thuốc không theo đơn của bác sĩ, chắc chắn sẽ làm gia tăng nguy cơ kháng thuốc.

Hiện nay, ở Việt Nam cũng như trên thế giới có rất ít thuốc có khả năng điều trị cúm. Vì vậy, nếu người dân tự ý dùng thuốc không theo đơn của bác sĩ, chắc chắn sẽ làm gia tăng nguy cơ kháng thuốc.

Nếu người dân điều trị bằng thuốc kháng sinh cũng không có tác dụng với virus cúm. Vì vậy việc sử dụng kháng sinh trong trường hợp bệnh nhân cúm thường, hoặc cúm không triệu chứng cũng không cần thiết.

Cần đến cơ sở y tế khi bệnh tiến triển nặng

Bệnh cúm cũng giống như bệnh COVID-19, hay các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp khác. Người bệnh cần được đưa đến các cơ sở y tế khi thấy bệnh tiến triển nặng, hoặc người có nguy cơ cao, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, người cao tuổi (trên 65 tuổi), người có bệnh nền về phổi, tim mạch, gan, tiểu đường… phụ nữ mang thai, đặc biệt là mang thai 3 tháng cuối.

Đối với những người mắc cúm tự theo dõi bệnh tại nhà không nên sử dụng kháng sinh nếu không có chỉ định của thầy thuốc. Người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc kháng virus nếu thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao, hoặc có nguy cơ tiến triển nặng và có chỉ định của bác sĩ. Người bệnh cách ly, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hàng ngày, tránh lây bệnh cho người thân trong gia đình.

Nguồn: Thông tin Chính phủ