Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị thượng đỉnh G7 và làm việc tại Nhật Bản

N.Cường
16:48 - 19/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Chiều 19/5 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Hiroshima, bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng và làm việc tại Nhật Bản.

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng (gọi tắt là Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng) và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 19-21/5/2023.

Theo VGP, đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự tại sân bay có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Yamada Kenji; Thống đốc tỉnh Hiroshima Hidehiko Yuzaki; Liên lạc viên của Thủ tướng Nhật Bản Maeda Shunsuke; Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu; Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka; cán bộ Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị thượng đỉnh G7 và làm việc tại Nhật Bản - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Yamada Kenji chào đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại sân bay Hiroshima, Nhật Bản. Ảnh: VGP


Ngày 20/3/2023, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã mời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng 2023. Đây là lần thứ 3 Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và là lần thứ hai theo lời mời của Nhật Bản. Việt Nam cũng là một trong hai nước Đông Nam Á được Nhật Bản mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay.

Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam

Trong chương trình công tác tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dự 3 phiên thảo luận về các chủ đề "Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng", "Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững", "Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng"; tham gia hoạt động về Sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu của G7; gặp gỡ, tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7.

Tại các phiên thảo luận, hoạt động tiếp xúc đa phương, song phương, Thủ tướng Chính phủ sẽ tham gia, đóng góp với cộng đồng quốc tế, gắn với các lợi ích của Việt Nam về nhiều vấn đề, nhất là các vấn đề liên quan trực tiếp đến an ninh - phát triển, phát triển bền vững, hợp tác y tế, ứng phó biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng... Thông qua đó, truyền tải thông điệp về Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; đóng góp tích cực, chủ động, có trách nhiệm vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế, đồng thời bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích chính đáng của đất nước.

Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản

Cũng trong chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio để thảo luận về hợp tác song phương cũng như các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm; dự và phát biểu tại Tọa đàm với lãnh đạo các doanh nghiệp lớn Nhật Bản; tiếp các tổ chức kinh tế, tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản và gặp gỡ đại diện tiêu biểu cộng đồng và trí thức Việt Nam tại Nhật Bản.

Theo TTXVN, trong những năm gần đây, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng. Nhật Bản là nước G7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Việt Nam đi thăm (năm 1995), nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009), nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011), nước G7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng (tháng 5/2016). Đồng thời, Nhật Bản cũng là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.

Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ tới Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai nước Việt Nam - Nhật Bản kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao (1973 - 2023); thể hiện sự coi trọng của cả hai bên đối với quan hệ song phương; khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ với Nhật Bản, mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển hơn nữa, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có tiềm năng và thế mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị thượng đỉnh G7 và làm việc tại Nhật Bản - Ảnh 3.

Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam và Nhật Bản. Ảnh: TTXVN

Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh G7

Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (Nhóm G7, Group of Seven), được thành lập vào năm 1976, là một liên minh gồm 7 nước có nền công nghiệp tiên tiến: Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada, và Italy. Cùng với Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), G7 đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và củng cố cấu trúc và quản trị toàn cầu.

G7 còn là tập hợp tiếng nói, phản ánh quan điểm tương đồng và lợi ích của các quốc gia phát triển trong giải quyết các vấn đề chung về an ninh quốc tế và thúc đẩy các cuộc thảo luận giải quyết thách thức toàn cầu. Các thành viên nhóm G7 sở hữu tổng cộng hơn một nửa giá trị tài sản thế giới, thường xuyên chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu, với thị trường khoảng 10% tổng dân số thế giới.

Hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức hằng năm, tập trung trao đổi, thúc đẩy, giải quyết các vấn đề toàn cầu từ kinh tế, chính trị, xã hội gồm tài chính, tăng trưởng, công nghệ, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, dịch bệnh, bình đẳng giới, các điểm nóng, xung đột trên toàn cầu…

Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7, với sự tham dự của các nước và tổ chức quốc tế khách mời, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự tham dự và đóng góp của các nước đang phát triển, đẩy mạnh quan hệ đối tác của G7 với các nước đang phát triển trong giải quyết các thách thức toàn cầu.

Hội nghị thượng đỉnh G7 lần thứ 49 diễn ra từ ngày 19-22/5 tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản, trong đó Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng từ ngày 20-21/5.

Khách mời của Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay gồm lãnh đạo cấp cao của 8 quốc gia và 6 tổ chức quốc tế (Liên Hợp Quốc, Liên minh châu u, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á).

Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay gồm 3 phiên, với các chủ đề: "Hợp tác xử lý đa khủng hoảng" (tập trung vào các chủ đề lương thực, y tế, phát triển, bình đẳng giới); "Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững" (tập trung vào các chủ đề khí hậu, môi trường và năng lượng) và "Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng" (tập trung vào các chủ đề hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, hợp tác đa phương).

Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng dự kiến thông qua "Chương trình hành động Hiroshima về An ninh lương thực toàn cầu tự cường". Đây là lần đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng thông qua một văn kiện chung.

Đây là hội nghị đa phương quan trọng, diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế, an ninh thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động nhiều mặt đến môi trường an ninh và phát triển của các nước. Hội nghị được Nhật Bản đăng cai tổ chức trong vai trò Chủ tịch Nhóm G7 năm 2023, đồng thời Nhật Bản cũng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2024.

Bình luận của bạn

Bình luận