Áp trần giá dầu của Nga: G7 nói "được", giới phân tích nói "không"

Li Lê
15:26 - 04/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

G7 đang xem xét áp trần giá dầu xuất khẩu của Nga. Tuy nhiên, các nhà phân tích năng lượng cho rằng việc này là không khả thi.

Bảy nền kinh tế công nghiệp hóa lớn nhất thế giới - G7 (bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Anh và Nhật Bản) đã đưa ra ý tưởng về việc áp trần giá dầu của Nga. Mục đích nhằm trừng phạt Nga trước cuộc tấn công ở Ukraine và cố gắng bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao.

Tuy nhiên, các nhà phân tích rất nghi ngờ về tính toàn vẹn của đề xuất này.

Áp trần giá dầu của Nga: G7 nói "được", giới phân tích nói "không" - Ảnh 1.

G7 đã đưa ra ý tưởng về áp trần giá dầu Nga, nhưng các chuyên gia nghi ngờ về mức độ hiệu quả của việc này. Ảnh: Getty Images

Ý tưởng đến từ... Mỹ

Mỹ dường như là nước ủng hộ nhất việc áp trần giá dầu của Nga.

Trở lại tháng 5, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã giải thích ý tưởng này với những người đồng cấp châu Âu. Ông nói rằng nó sẽ hoạt động như một mức thuế, hoặc giới hạn đối với dầu của Nga và giúp đỡ châu Âu trong giai đoạn tạm thời cho đến khi áp đặt lệnh cấm hoàn toàn.

Vào cuối tháng 5, sau nhiều tuần đàm phán khó khăn giữa 27 quốc gia, EU đã đồng ý áp đặt dần dần lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga cho đến cuối năm nay.

Ngày 25,26/6, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã trình bày ý tưởng về áp trần giá dầu với các nhà lãnh đạo còn lại của G7 và những người đồng cấp của ông đã đồng ý xem xét cách thực hiện.

EU từng nhập khoảng 25% lượng dầu từ Nga và là một trong những khách hàng quan trọng nhất của nước này. Vì vậy việc ngừng mua dầu từ Nga của EU nhằm giáng đòn trừng phạt lên nền kinh tế Nga rất khó thực hiện trong một sớm, một chiều. Đặc biệt là trong bối cảnh một số nước EU phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ý tưởng này rất tham vọng và cần "nhiều công việc" trước khi trở thành hiện thực.

Một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu thông tin: "Trong bối cảnh này, theo nhiệm vụ của các Nhà lãnh đạo châu Âu, Ủy ban sẽ tiếp tục công việc về các cách để kiềm chế giá năng lượng tăng cao, bao gồm đánh giá tính khả thi của việc đưa ra giới hạn giá nhập khẩu dầu". 

Áp trần giá dầu của Nga: G7 nói "được", giới phân tích nói "không" - Ảnh 3.

Bà Amrita Sen, đồng sáng lập và Giám đốc nghiên cứu tại Energy Aspects đặt câu hỏi: "EU thực sự nghĩ Ấn Độ và Trung Quốc sẽ đồng ý với việc áp trần giá dầu xuất khẩu của Nga?". Trong ảnh là một tàu chở dầu neo đậu tại một bến dầu khí tại Cảng Constanta ở Romania. Ảnh: Getty Images

Trở ngại đến từ Trung Quốc, Ấn Độ

Các nhà phân tích năng lượng đã đặt câu hỏi: Liệu G7 sẽ làm thế nào để có thể áp trần giá cho dầu của Nga? 

Giới chuyên gia cảnh báo kế hoạch này không chỉ bất khả thi mà còn có thể phản tác dụng nếu những người tiêu dùng quan trọng không tham gia và có thể thời gian để làm cho nó khả thi cũng sắp hết. 

Chia sẻ với CNBC, nhà phân tích Neil Atkinson cho biết: "Những phương thức như thế này chỉ có thể hoạt động nếu thu hút được tất cả các nhà sản xuất chủ chốt. Quan trọng là tất cả những "bạn hàng" quan trọng của Nga đều phải ngồi lại với nhau để tìm ra cách thực hiện kế hoạch.

Nhưng thực tế thì những nước tiêu thụ dầu lớn nhất của Nga, hoặc nằm trong số những nước tiêu thụ dầu lớn nhất của Nga, lại có Trung Quốc và Ấn Độ". 

Trung Quốc và Ấn Độ đã "hưởng lợi rất nhiều" từ việc giảm giá dầu thô của Nga. Bên cạnh đó, trong cuộc chiến tại Ukraine, hai quốc gia này cũng không lên án rõ ràng Điện Kremlin.

"Trong bất kỳ trường hợp nào, người Nga cũng sẽ không chỉ ngồi đó và không làm gì cả. Họ có thể chơi trò chơi với nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt", chuyên gia Atkinson nói.

Thẳng thắn hơn, bà Amrita Sen, đồng sáng lập và Giám đốc nghiên cứu tại Energy Aspects, chia sẻ trên CNBC: "Đối với tôi, thành thật mà nói, cơ chế này không thể hoạt động. Họ (G7 - phóng viên) chưa nghĩ kỹ và chưa nói chuyện với Ấn Độ, Trung Quốc… EU thực sự nghĩ hai quốc gia này sẽ đồng ý với việc này? EU thực sự nghĩ rằng Nga sẽ chấp nhận điều này và không trả đũa? Tôi nghĩ điều này nghe có vẻ là một khái niệm lý thuyết rất, rất hay, nhưng nó sẽ không hoạt động trong thực tế".

Nga sẽ phản ứng như thế nào?

Về phần mình, Điện Kremlin cảnh báo bất kỳ nỗ lực nào nhằm áp đặt giới hạn giá đối với dầu của Nga đều sẽ "lợi bất cập hại".

Hành động đó của G7 thậm chí có thể tàn phá thị trường năng lượng và đẩy giá hàng hóa lên cao hơn nữa.

Theo Reuters, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak còn mô tả động thái áp đặt trần giá của các nhà lãnh đạo phương Tây là "một nỗ lực khác nhằm can thiệp vào cơ chế thị trường có thể dẫn đến sự mất cân bằng của thị trường… khiến giá tiêu dùng tăng".

Ông Novak cho biết ông tin tưởng Nga sẽ khôi phục sản lượng dầu về mức trước khi bị trừng phạt trong những tháng tới. Phần lớn là do một lượng đáng kể dầu thô của Nga đã được tái chuyển đến các thị trường châu Á.

Nguồn: Lược dịch từ CNBC