"Thư từ Roma" - Tám chuyện - Bài 4: Khám phá sinh hoạt đời thường của gia đình Roma truyền thống

Tô Phương Thủy
19:00 - 29/11/2024
Công dân & Khuyến học trên

Bài viết "Khám phá sinh hoạt đời thường của gia đình Roma truyền thống" của tác giả Tô Phương Thủy, Phóng viên Tạp chí Công dân & Khuyến học, thường trú tại Italia cho mục "Thư từ Roma".

Bài 4 - Khám phá sinh hoạt đời thường của gia đình Roma truyền thống

Tô Phương Thủy
Phóng viên Tạp chí Công dân & Khuyến học, thường trú tại Italia

Cũng như các quốc gia Địa Trung Hải khác, giờ ăn tối ở Ý khá muộn, thông thường là vào khoảng 20h00. Ở miền Nam Ý, thậm chí bữa tối trong gia đình nhiều khi sẽ được bày biện vào lúc 22.30.

Bàn ăn kết nối con người

Tôi, một phụ nữ Việt Nam chính hiệu với truyền thống ngày ăn ba bữa, quả là có chút sốc khi mới hòa nhập sinh hoạt cùng gia đình bác Eugenio và Teresa, nơi tôi ở trọ. Cả hai bác đều là người Roma chính gốc, với nhiều thế hệ gia đình sinh ra và lớn lên ở thu đô của nước Ý. Vì vậy, có thể nói, nề nếp sinh hoạt trong gia đình hai bác đặc trưng mạnh mẽ cho văn hóa tại Roma.

Điều quan trọng đầu tiên mà tôi học được, cà phê là sợi dây kết nối vô cùng bền chặt giữa các cá nhân. Bữa sáng sẽ tùy vào thời gian sinh hoạt và làm việc của mỗi người, song luôn được khởi động với cà phê, và có thể, chỉ cần uống cà phê mà thôi.

Thông thường, bác Eugenio có nhiệm vụ pha cà phê mỗi sáng. Gia đình bác có 2 ấm moka, một ấm nhỏ vừa đủ pha lượng cà phê là một chén sứ con cho 1 người, và ấm cỡ đại có thể đủ cho 4 ly cà phê. Khi có thêm tôi là thành viên, bác Eugenio thường sẽ pha bình moka cỡ đại vào cuối tuần (khi tôi không đi học), và sẽ pha 2 ấm – cho bác và vợ Teresa, và để sẵn một bình moka nhỏ trên bếp để tôi có thể đun uống nóng trước khi đi học.

"Thư từ Roma": Khám phá sinh hoạt đời thường của gia đình Roma truyền thống - Ảnh 1.

Gia đình bác có 2 ấm moka, một ấm nhỏ vừa đủ pha lượng cà phê là một chén sứ...

Bác Teresa không bao giờ thích ăn trong bếp, mà luôn phải có một tấm trải bàn ăn và khay đĩa đàng hoàng trên bàn ăn, dù bữa sáng của bác chỉ là một cốc sữa, 3 chiếc bích-quy và cà phê, đương nhiên không thể thiếu. Bác Eugenio thì giống tôi, hay quấy quả ăn nhanh cái gì đó trong bếp, rồi mới gia nhập hội cà phê tại bàn cùng bác Teresa. Do phải uống thuốc chặn ung thư từ 7 năm nay, nên thực đơn sáng của bác Eugenio luôn có thêm lát bánh mì để lót dạ dày trước khi uống thuốc.

Do lịch học nhiều buổi kéo dài cả ngày, từ 8.00 sáng đến 6.00 tối liên tục không có thời gian nghỉ, nên tôi thường ăn tinh bột vào buổi sáng, là cơm, hoặc miến, cho chắc bụng. Điều này làm bác Teresa rất ngạc nhiên, và hay thốt lên "Colozione grande di Thuy" – Bữa sáng khổng lồ của Thủy!

"Thư từ Roma": Khám phá sinh hoạt đời thường của gia đình Roma truyền thống - Ảnh 2.
"Thư từ Roma": Khám phá sinh hoạt đời thường của gia đình Roma truyền thống - Ảnh 3.
"Thư từ Roma": Khám phá sinh hoạt đời thường của gia đình Roma truyền thống - Ảnh 4.

Những bữa ăn đậm nét ẩm thực Ý.

Dù bữa sáng của người Ý rất nhẹ, song bữa trưa thường ăn trễ, khoảng 1h-2.00 chiều. Bữa tối là quan trọng nhất, và hai bác thường đợi tôi đi học về lúc khoảng 7.00 tối mới nấu cho nóng sốt. Thực tế, giờ ăn tối ở Roma thường vào khoảng 8.00 – 8.30 tối, nên lịch học của tôi cũng không ảnh hưởng gì đến nếp sinh hoạt của gia đình. Món ăn của "đầu bếp Teresa" vào buổi tối luôn có salad rau trộn dầu và oliu đen, hoặc đậu đũa luộc trộn oliu và dấm, ăn cùng một món chính (món mặn) có thể là thịt hoặc cá.

Ở nhà hàng, thường thực đơn sẽ được phục vụ đầu tiên là Antipasto (khai vị) với món ăn nhẹ, như loại phô mai ăn kèm với thịt nguội (prosciutto, salame) và ôliu. Món tinh bột được phục vụ tiếp theo, được gọi là Primo (món đầu tiên), như pasta (mì) hoặc risotto (cơm kiểu Ý). Món chính (theo cách hiểu của Việt Nam) thì được mô tả là Secondo (món thứ hai) là các món thịt hoặc hải sản. Tiếp đó mới là Contorno (món rau): salad, rau nướng, luộc, xào, trước khi kết thúc bằng món tráng miệng.

"Muối Địa Trung Hải mặn hơn muối ở nơi khác"

Có những điều thú vị về văn hóa như bánh mì tại Ý lúc nào cũng phải được đặt đúng mặt đúng chiều. Bởi, theo quan niệm của họ, bánh mì được xem là biểu tượng của cuộc sống nên nếu bánh mì bị lật ngược hoặc tệ hơn là bị dao đâm xuyên qua sẽ được cho là điềm báo không may.

"Thư từ Roma": Khám phá sinh hoạt đời thường của gia đình Roma truyền thống - Ảnh 5.

Tô Phương Thủy - Phóng viên Thường trú Tạp chí Công dân và Khuyến học tại Italia.

Một điều khác đó là các món ăn rất… đậm đà. Thậm chí, với ngay cả người ăn mặn như tôi, chấm bún đậu phải chao bát mắm tôm hai lần, cũng phải cong lưỡi xuýt xoa.

Hóa ra không phải mình tôi nhận ra điều đó, mà chủ đề "Vì sao đồ ăn của Ý lại mặn" khá rôm rả trên Reddit và Quora – hai diễn đàn của những câu hỏi "trên trời rơi xuống". Có lẽ vì, người Ý thường nấu ăn bằng muối tinh để đảm bảo độ tinh khiết của các nguyên liệu, nên đồ ăn luôn đậm hơn ở Việt Nam, hay các quốc gia như Mỹ, Anh. 

"Thư từ Roma": Khám phá sinh hoạt đời thường của gia đình Roma truyền thống - Ảnh 6.

Muối ở Địa Trung Hải mặn hơn muối ở những vùng biển khác...

Thậm chí, có thành viên trên Quora còn dẫn chứng hẳn bài báo khoa học, cho rằng nguyên nhân là vì "muối ở Địa Trung Hải mặn hơn muối ở những vùng biển khác" để lý giải về độ đậm đà của món ăn tại Ý.

Quả là không khác gì cho sự hài hước của bố tôi mỗi khi tôi nấu đồ ăn mặn: "Do muối hôm nay mặn hơn muối mọi hôm, chứ không phải do con gái bố không khéo!"

Nhưng từ khía cạnh ẩm thực, tôi lại thích một câu chuyện về giá trị của muối với người La Mã. Trong thời kỳ cổ đại, muối không chỉ là một nguyên liệu quý giá mà còn trở thành một phần thiết yếu trong nền kinh tế và đời sống xã hội. Người La Mã hiểu rõ giá trị của muối đến mức nó được sử dụng như một hình thức thanh toán cho các binh lính, điều này đã góp phần định hình từ ngữ "salary" (lương) mà chúng ta sử dụng ngày nay.

Vào thời kỳ đỉnh cao của Đế chế La Mã, muối là một tài nguyên quan trọng không chỉ vì công dụng bảo quản thực phẩm mà còn bởi giá trị kinh tế mà nó mang lại. Đường muối – Via Salaria – là một trong những con đường thương mại quan trọng nhất của La Mã, dẫn muối từ các mỏ muối đến thành phố. Trong bối cảnh này, muối trở thành một dạng tiền tệ, và từ đây, câu chuyện về salarium – tiền lương trả cho các binh lính La Mã – ra đời.Từ "salarium" sau đó đã biến đổi thành từ "salary" trong tiếng Anh, nghĩa là lương bổng.

Ngày nay, khi chúng ta sử dụng từ "salary," ít ai nhớ rằng nó bắt nguồn từ việc trả lương bằng muối của các binh lính La Mã. Nhưng qua câu chuyện này, chúng ta có thể hiểu sâu hơn về cách mà những chi tiết nhỏ trong lịch sử có thể định hình nên ngôn ngữ và văn hóa của chúng ta, từ thời La Mã cổ đại cho đến hiện tại.

Bình luận của bạn

Bình luận