“Thư từ Roma”: Tám chuyện - Bài 2: Đi 'bar' thưởng cà phê kiểu Ý

Tô Phương Thủy
10:02 - 25/11/2024
Công dân & Khuyến học trên

Bài viết tiếp theo trong mục “Thư từ Roma” của Tác giả Tô Phương Thủy, phóng viên Tạp chí Công dân & Khuyến học thường trú tại Italia với chủ đề “Tám chuyện” từ thành Hà đến thành Roma…

“Thư từ Roma”: Tám chuyện - Bài 2: Đi 'bar' thưởng cà phê kiểu Ý - Ảnh 1.

Tôi còn nhớ, ở một tiết học tiếng Ý, cả lớp lăn ra cười khi biết đến muốn uống cà phê kiểu Ý là đến Bar. Sự va chạm của các ngôn ngữ, nhiều khi, có thể tạo ra nên những tình huống hài hước, song để hiểu vì sao người Ý gọi các quán cà phê là Il Bar, thì cần một góc nhìn từ lịch sử.

Từ biểu tượng Moka pot…

Phép màu kinh tế thời hậu Thế chiến II đã chứng kiến làn sóng nhập cư từ các làng quê của nước Ý đổ dồn về thành phố. Số lượng các quán bar đường phố, phục vụ kết hợp đồ ăn nhẹ và giải khát, tăng từ 84.250 vào năm 1956, lên 118.029 vào năm 1971. Đương nhiên, các quán bar này không thể thiếu việc phục vụ đồ uống quốc dân là cà phê. Và từ đó, với người Ý, "Bar" có nghĩa là nơi để uống cà phê, ăn nhẹ và gặp gỡ bạn bè.

Ở bất cứ quán bar caffè nào ở Ý, nếu gọi "Cho tôi một ly cà phê" (Vorrei un caffè, per favore), người phục vụ sẽ mặc nhiên mang đến bàn một ly espresso nóng. Sẽ không có những câu hỏi để bạn lựa chọn như ở Việt Nam: Đen nóng, đen đá, nâu đá hay bạc xỉu.. Caffè ở Ý, được đồng nhất, là espresso. Muốn gọi caffe kiểu khác, thì mới phải nêu rõ tên đồ uống.

Một điều kỳ lạ là nhắc đến văn hóa cà phê, hầu hết mọi người dân trên thế giới đều nghĩ đến Italia. Trong khi đó, Italia không trồng được cà phê mà phải hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung từ nước khác (Italia hiện đứng thứ 2 thế giới về nhập khẩu cà phê). Italia cũng không phải là quốc gia phát minh, hay tìm ra cách uống cà phê, mà sáng kiến này, được cho là, thuộc về một người chăn cừu ở khu vực Nam Mỹ, trước khi được Tây Ban Nha tiếp nhận và giới thiệu đến phần còn lại của thế giới.

“Thư từ Roma”: Tám chuyện - Bài 2: Đi 'bar' thưởng cà phê kiểu Ý - Ảnh 2.
“Thư từ Roma”: Tám chuyện - Bài 2: Đi 'bar' thưởng cà phê kiểu Ý - Ảnh 3.
“Thư từ Roma”: Tám chuyện - Bài 2: Đi 'bar' thưởng cà phê kiểu Ý - Ảnh 4.
“Thư từ Roma”: Tám chuyện - Bài 2: Đi 'bar' thưởng cà phê kiểu Ý - Ảnh 5.

Đến bar uống cà phê ở Roma...

Trong suốt thế kỷ thứ mười tám ở châu Âu, cà phê thường được pha chế bằng cách đun sôi trực tiếp với nước trong một chiếc nồi. Đến thế kỷ 19, phương pháp pha chế thủ công, theo dạng phin nhỏ giọt, lần đầu tiên được phát triển ở Pháp và đã trở nên phổ biến trên khắp Châu Âu.

Song kể từ khi ấm pha cà phê Moka pot được kỹ sư Alfonso Bialetti chế tạo vào năm 1933, nó đã lập tức trở thành một biểu tượng của văn hóa Italia, ngang hàng với những thương hiệu quốc dân như Fiat, hay Vespa…

Văn hóa cà phê quan trọng đến nỗi, trước khi lên đường sang Ý du học, tất cả các sinh viên đều được Đại học Hà Nội mời đến thuyết giảng về "Những điều cấm kỵ trong văn hóa tại Ý". Và riêng hạng mục về cà phê được nhấn nhá kỹ đến mức, tất cả chúng tôi đều nhớ "espresso có thể uống bất kỳ khi nào, nhưng không gọi cappuccino sau giờ trưa" bởi đó là điều không ai làm, ở Ý.

Roma, cà phê kiểu Ý "thống trị thế giới"

Vậy tại sao cà phê "kiểu Ý" lại được hầu hết các nền văn hóa khác nhau trên thế giới mặc nhiên thừa nhận một cách tự nguyện.

“Thư từ Roma”: Tám chuyện - Bài 2: Đi 'bar' thưởng cà phê kiểu Ý - Ảnh 6.

Cà phê kiểu Ý "thống trị thế giới"...

Bởi có lẽ, không nơi nào khác trên thế giới, thói quen uống cà phê đã được nâng lên thành "nghi thức văn hóa" như ở Ý. Cà phê chiếm một vị trí tối thượng trong nếp sinh hoạt của người Ý: Sáng cà phê, trưa ăn xong phải có chén cà phê, giữa chiều phải ghé bar làm một cốc, và tối ăn xong, hoặc khách đến nhà, đương nhiên phải có ấm Moka reo vang trong bếp.

Với người Ý, cà phê hiện diện trong mọi đời sống xã hội: Giao lưu bạn bè, để chữa lành, hoặc đơn giản chỉ là vì… cần uống. "Caffè, sempre! [ uống bất cứ khi nào có thể]" – bác Eugenio nói với tôi.

Hầu như mỗi lần tôi đi học về, câu đầu tiên bác Eugenio hỏi, luôn là "Cà phê nhé?" Hay khi tôi ngồi thừ người vì vừa bị móc mất ví, bác Teresa nắm tay tôi, thốt lên cụm từ chữa lành: "Cà phê nhé!"

“Thư từ Roma”: Tám chuyện - Bài 2: Đi 'bar' thưởng cà phê kiểu Ý - Ảnh 7.

Thêm một điểm thú vị, người Ý bản xứ không có ý niệm "Cà phê mang đi – Take away". Từ Espresso trong tiếng Ý đồng nghĩa như Express trong tiếng Anh, nghĩa là "nhanh". Thế nên, cà phê espresso với người Ý là phải nóng, đậm đặc, và uống thật nhanh.

Uống cà phê sành điệu như người Ý thực thụ, là thế này: Bột cà phê được đưa vào ngăn lọc ở ngăn giữa ấm moka, và đun thật sôi để nước trào lên qua phần lọc, thẩm thấu những tinh chất cà phê và biến thành thứ đồ uống ma lực màu nâu sánh. Một chiếc cốc sứ trắng nhỏ như ly uống trà, một bình đường có hình như ông thần đèn, được đặt sẵn trên khay nhôm màu bạc để chờ tinh chất cà phê nâu sánh. Lúc này, bạn cần cầm chén espresso đang bốc khói trên tay, hít hà hương vị đậm đào sâu trong lồng ngực và …. uống một hơi cạn!

Cách uống espresso trở thành thói quen với mọi đồ uống khác, đến mức, mỗi lần bác Eugenio rủ tôi uống bia, hay uống rượu, bác chia đều vào hai cốc rồi chẳng cần đợi, bác làm một hơi, cạn sạch!

Kể chuyện Tây lại vòng về Đông. Tôi nhớ một lần, chồng tôi mang cà phê bột về quê, pha phin để mời gia đình cùng thưởng thức. Chị dâu cả của tôi, sau nhiều lần được nghe về sự hấp dẫn của đồ uống này, cầm cả cốc vừa pha ực một hơi. Những nhà "cà phê học" từ Hà Nội, vốn vẫn cho rằng cà phê là phải nhâm nhi, phá lên cười và lấy làm điển tích cho sự thiếu sành điệu. Hóa ra, cách uống cà phê của chị dâu tôi, ở miền quê Phú Thọ, lại mới là chuẩn nhất với "nghệ thuật espresso kiểu Ý.

Tô Phương Thủy
Khủng hoảng quốc dân vì… espresso
Phóng viên Tạp chí Công dân & Khuyến học thường trú tại Italia

Khủng hoảng quốc dân vì… espresso

Espresso không phải chỉ là một loại đồ uống đơn thuần tại Italia, mà nó đã trở thành một "nghi thức uống" hàng ngày.

Giá cà phê ở Italia, có thể nói, gần như thấp nhất ở khu vực Tây Âu, với một ly espresso luôn có giá chỉ ở mức khoảng 1.20 euro/cốc, và capuccino là 1.50 euro. Chính sự giữ giá này, đã giúp cho văn hóa cà phê trở thành phổ biến tại Italia, với ước tính có đến 6 tỉ cốc cà phê đã được người Ý tiêu thụ hàng năm, tạo ra đến 7 tỉ euro lợi nhuận.

Không ngoa, khi nói rằng giá ly cà phê espresso cũng chính là một chỉ số cho nền kinh tế Italia.

“Thư từ Roma”: Tám chuyện - Bài 2: Đi 'bar' thưởng cà phê kiểu Ý - Ảnh 8.
“Thư từ Roma”: Tám chuyện - Bài 2: Đi 'bar' thưởng cà phê kiểu Ý - Ảnh 9.
“Thư từ Roma”: Tám chuyện - Bài 2: Đi 'bar' thưởng cà phê kiểu Ý - Ảnh 10.

Cà phê – biểu tượng văn hóa và ẩm thực của nước Ý...

Trong nhiều thập niên, giá một ly espresso tại quán bar luôn được giữ ở mức cố định, và trở thành thước đo cho chi phí của các loại nhu yếu phẩm khác. "Người Ý thường lấy một ly espresso ra làm định lượng so sánh khi mua nhu yếu phẩm, kiểu "cái này ngang một ly espreso, cái kia rẻ hơn"… Chỉ cần nói như vậy là hình dung ra ngưỡng giá khoảng 1 euro, mà chẳng cần đề cập con số làm gì" - bác Teresa, chủ nhà nơi tôi ở trọ, giải thích.

Ấy thế nên, khi giá một ly espresso tại bar tăng vọt gần gấp đôi, nó đang đe dọa trở thành khủng hoảng quốc dân tại Ý.

Lý do, cũng bởi chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu, mà đứng đầu là Brazil và Việt Nam, đang bị tác động nặng nề do biến đổi khí hậu, khiến giá ly cà phê espresso bị đội lên đến 66%, tương ứng 2 euro/cốc.

Ngoài những mối liên hệ và tác động văn hóa, giá ly espresso tăng còn phản ánh thực trạng kinh tế đang tàn phá Italia và Châu Âu. Lạm phát phi mã, khiến lương thực và các mặt hàng nhu yếu phẩm trở nên đắt đỏ.

Và cà phê – biểu tượng văn hóa và ẩm thực của nước Ý – đang trở thành hàn thử biểu cho thách thức lạm phát này.


Bình luận của bạn

Bình luận