Thủ đoạn lừa đảo mới: Hack tài khoản Facebook thông qua đường link bình chọn giả mạo

Hồng Ngọc
15:25 - 12/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Công an thành phố Hà Nội cảnh báo thủ đoạn lừa đảo đưa những đường link giả mạo, xâm nhập vào một tài khoản cá nhân và gửi lời mời bình chọn cho hàng trăm tài khoản khác. Người nào chấp nhận lời yêu cầu tham gia bình chọn, tài khoản của họ sẽ bị hack, bị dùng để đi lừa đảo.

Thủ đoạn lừa đảo mới: Hack tài khoản Facebook thông qua đường link bình chọn giả mạo- Ảnh 1.

Cảnh giác với thủ đoạn chiếm đoạt tài khoản thông qua lời mời bình chọn trên mạng xã hội.

Thủ đoạn lừa đảo qua lời mời bình chọn trên Facebook

Theo Công an thành phố Hà Nội, thời gian gần đây, các phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thông tin cá nhân ngày càng biến tướng và tinh ti. Nhiều cuộc thi online trên mạng, người tham gia càng được nhiều lượt bình chọn thì khả năng thắng giải càng cao nên nhiều người nhờ bạn bè, người quen trên mạng xã hội tham gia bình chọn cho mình, cho con cái. 

Lợi dụng việc này, các đối tượng đã tìm cách đưa những đường link giả mạo, xâm nhập vào một tài khoản cá nhân và gửi lời mời bình chọn cho hàng trăm tài khoản khác là bạn bè, người quen của bị hại. Và nếu ai chấp nhận lời yêu cầu tham gia bình chọn, tài khoản của họ tiếp tục bị hack, bị dùng để đi lừa đảo.

Các đối tượng sẽ lợi dụng vào những mối quan hệ như giả dạng bạn bè, người thân, đối tác để khiến nhiều người không mảy may nghi ngờ mà đăng nhập vào website, nhập các thông tin như tên đăng nhập và số điện thoại, mật khẩu Facebook. Đường link bình chọn, trang web có giao diện chi tiết giống như trang thật. 

Sau khi hack xong, các đối tượng nghiên cứu mục tin nhắn messenger, xem cách thức chủ tài khoản thường nhắn tin rồi giả làm chủ tài khoản nhắn tin cho bạn bè, người thân của họ để mượn tiền với nhiều lý do khác nhau; sau đó yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp, hẹn mấy giờ trong ngày chuyển trả lại rồi chiếm đoạt.

Thủ đoạn lừa đảo mới: Hack tài khoản Facebook thông qua đường link bình chọn giả mạo- Ảnh 2.

Người dân cần nâng cao cảnh giác với yêu cầu nhập thông tin cá nhân vào những đường link lạ.

Không dừng lại ở đó, tin tặc còn lợi dụng nhu cầu bức thiết khôi phục tài khoản, chúng nhắn tin vào số điện thoại, hay bình luận vào tin nhắn của facebook cá nhân để tiếp tục lừa đảo. Nếu người tin dùng cả tin, liên hệ với số điện thoại chúng cung cấp, hay gửi giấy tờ tùy thân… cho chúng thì coi như lại bị lừa thêm một lần nữa.

Khuyến cáo của Công an

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dùng mạng xã hội:

Khi nhận được yêu cầu từ người thân bằng tài khoản mạng xã hội, cần phải xác minh thông tin qua việc gặp mặt trực tiếp, gọi điện thoại bằng số điện thoại được lưu trong danh bạ, không kiểm tra qua các ứng dụng mạng xã hội.

Tuyệt đối không nhập thông tin cá nhân vào những đường link lạ. Nếu lỡ nhập và cảm thấy bất thường, người dùng nên lập tức đổi mật khẩu hay khóa tài khoản, thẻ ngân hàng,…

Khi sử dụng mạng xã hội, cần thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội. Không nên chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội.

Biện pháp phòng tránh các đường link lừa đảo trên mạng xã hội

Đối với các đường link xuất hiện trên các trang mạng xã hội như Facebook, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo một số biện pháp đảm bảo an toàn, tránh trường hợp bị lừa đảo trực tuyến sau:

- Khi nhận được một đường link từ nguồn không rõ hoặc không quen thuộc, hãy kiểm tra địa chỉ URL trên thanh địa chỉ của trình duyệt. Đảm bảo rằng link xuất phát từ một nguồn đáng tin cậy, khớp với trang web bạn định truy cập và không có các ký tự hoặc chuỗi lạ. Các đường link rút gọn cũng cần được kiểm tra trước khi nhấp vào.

- Đánh giá tính xác thực của tin nhắn, bình luận trên Facebook trước khi tương tác. Kiểm tra chính xác nguồn gốc của những nội dung này và đọc các đánh giá và phản hồi từ người dùng khác. Nếu có những dấu hiệu, báo cáo về lừa đảo hoặc đánh cắp thông tin, hãy cân nhắc và tránh tương tác với nội dung đó.

- Đảm bảo rằng bạn sử dụng mật khẩu mạnh và kích hoạt các biện pháp tăng cường bảo mật như xác thực 2 yếu tố cho tài khoản Facebook . Cài đặt phần mềm chống lừa đảo và bảo mật để bảo vệ thiết bị của bạn. Luôn cập nhật và sử dụng phiên bản mới nhất của trình duyệt và phần mềm bảo mật. Những điều này giúp ngăn chặn kẻ xấu truy cập vào tài khoản và tránh việc rải link phishing (lừa đảo) từ tài khoản của bạn.

- Hạn chế, cẩn trọng trong việc chia sẻ thông tin cá nhân trên Facebook và các nền tảng trực tuyến khác. Tránh việc cung cấp thông tin nhạy cảm như số thẻ tín dụng, số bảo hiểm xã hội hoặc bất kỳ thông tin cá nhân khác cho các đường link hoặc quảng cáo không rõ nguồn gốc.

- Tìm hiểu và nắm vững kiến thức về dấu hiệu nhận biết các hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến. Điều này giúp bạn cảnh giác hơn và dễ dàng nhận ra những đường link đáng ngờ và tránh nhấp vào chúng. Đồng thời, hãy chia sẻ thông tin với gia đình, bạn bè và cộng đồng để giúp họ tránh trở thành nạn nhân và cùng nhau tạo một môi trường trực tuyến an toàn hơn.

- Nếu phát hiện một đường link lừa đảo trên Facebook, hãy sử dụng tính năng báo cáo hoặc liên hệ trực tiếp với Facebook để thông báo về tình huống. Bằng cách này, bạn đang góp phần ngăn chặn sự lan truyền của lừa đảo và bảo vệ cộng đồng trực tuyến.