Tham gia đầu tư tiền ảo, cẩn thận bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Lợi dụng pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về tiền ảo và đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền dễ dàng, nhanh chóng của một bộ phận người dân, các đối tương xấu sử dụng nhiều thủ đoạn lừa đảo kêu gọi đầu tư tiền ảo và chiếm đoạt tài sản của người tham gia.
Một số thủ đoạn lừa đảo đầu tư tiền ảo
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian gần đây, hình thức góp vốn đầu tư kinh doanh tiền kỹ thuật số (tiền ảo/tiền mã hóa - một loại tài sản có giá trị điện tử); mua - bán trên các sàn giao dịch nhị phân, sàn đầu tư ngoại hối;… với lãi suất cao gấp nhiều lần và cam kết hoàn tiền nếu gặp rủi ro đang có dấu hiệu gia tăng nhanh chóng. Theo thống kê của cơ quan chức năng, tại Việt Nam, có tới gần 26 triệu người sở hữu tiền kỹ thuật số, trong khi nhà nước chưa công nhận bất cứ loại tiền kỹ thuật số nào. Đáng nói là số nạn nhân bị lừa đảo đầu tư tiền ảo tại Việt Nam chiếm tới 2/3 số vụ lừa đảo trên không gian mạng.
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an thành phố Hà Nội cũng cho biết, thời gian qua, nhiều người dân đã trình báo về việc bị các đối tượng dụ dỗ, mời chào tham gia đầu tư tiền ảo, tiền kỹ thuật số với lợi nhuận cao; sau đó ngắt kết nối với hệ thống hoặc làm mất thanh khoản để chiếm đoạt toàn bộ số tiền đầu tư. Điển hình một số đồng tiền ảo như: Coinbank, Meer, BSCL...; sàn tiền điện tử, website đầu tư tiền ảo như: cobsna.vip, coin-base-dapp.com, Salavia.vip, blnantrc9.com, blancoins.cc, GICAAP...
Theo Công an thành phố Hà Nội, lợi dụng pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về tiền ảo và đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền dễ dàng, nhanh chóng, các đối tượng sẽ sử dụng một số thủ đoạn lừa đảo như:
Tổ chức phát hành tiền ảo quy mô lớn, phân phối bằng phương thức kinh doanh đa cấp trái phép, tạo ra các dự án “ma” và thực hiện niêm yết “token” trên một sàn tiền ảo quốc tế, sau một thời gian ngắn sẽ rút toàn bộ thanh khoản, đồng tiền ảo rớt giá thì nhà đầu tư mất trắng số tiền đã đầu tư.
Nạp các loại tiền ảo khác vào phần mềm, website, sử dụng phần mềm để đào loại tiền ảo mới, thông qua các cơ chế trả lãi cao, trả thưởng để thu hút các cá nhân nạp thêm tiền, sau một thời gian hệ thống sẽ ngắt kết nối và chiếm đoạt toàn bộ số tiền của nhà đầu tư.
Thông qua việc trao đổi, mua bán tự do trên các sàn giao dịch tiền ảo, hội, nhóm quy mô lớn, tạo môi trường thuận lợi cho các giao dịch lừa đảo (scam), hoặc tẩu tán tài sản từ phạm tội mà có.
Phát hành tiền ảo để sử dụng trong hệ sinh thái đánh bạc trực tuyến trá hình, hoặc cố định giá trị tiền ảo ngang với tiền Việt Nam đồng, trả lãi suất cao để huy động vốn trái phép.
Nhận biết các sàn lừa đảo đầu tư tiền ảo có dấu hiệu lừa đảo
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), nhận diện sàn đầu tư chứng khoán quốc tế, giao dịch vàng, ngoại hối, tiền ảo,... có mục tiêu quảng cáo, lôi kéo số lượng lớn người tham gia đầu tư và có nguy cơ lừa đảo chiếm đoạt tài sản là kỹ năng quan trọng người dân cần nắm rõ để bảo vệ mình và tránh rơi vào các cạm bẫy tài chính. Dưới đây là một số dấu hiệu:
Lời hứa quá cao: Sàn đầu tư lừa đảo thường hứa lợi nhuận vượt trội, không thể tin được và quá cao so với thị trường thực tế.
Thiếu thông tin minh bạch: Sàn không cung cấp đầy đủ thông tin về công ty, giấy phép hoạt động, lịch sử giao dịch và nhân sự quản lý.
Yêu cầu chuyển tiền trước: Sàn yêu cầu người tham gia chuyển khoản tiền trước khi bắt đầu giao dịch, thường là dưới hình thức phí đăng ký, phí tham gia hoặc tiền ký quỹ.
Thiếu sự kiểm soát và giám sát: Sàn không có sự kiểm soát từ các cơ quan quản lý hoặc không được cấp phép hoạt động đúng quy định.
Biện pháp phòng tránh lừa đảo đầu tư tiền ảo
Để phòng tránh lừa đảo và các hành vi vi phạm pháp luật khi quản lý, sử dụng tiền ảo, tiền kỹ thuật số, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân:
Không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website, ứng dụng đầu tư tiền điện tử. Việc đầu tư vào các website, ứng dụng, sàn giao dịch tiền điện tử nước ngoài hoặc giả mạo sàn giao dịch quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Do các sàn tiền ảo, tiền kỹ thuật số chưa có đại diện pháp luật tại Việt Nam và tiền ảo cũng chưa được pháp luật Việt Nam công nhận nên chưa có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư khi xảy ra tranh chấp.
Không tuyên truyền, quảng bá để kêu gọi sử dụng những loại tiền ảo, tiền kỹ thuật số mà Cơ quan Nhà nước chưa cấp phép.
Trong trường hợp phát hiện các dấu hiệu nghi vấn về tội phạm sử dụng tiền ảo làm công cụ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì lập tức hệ cơ quan Công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google