Công an hướng dẫn cách bảo mật tài khoản Zalo để tránh bị chiếm quyền điều khiển
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội hướng dẫn cách bảo mật tài khoản Zalo nhanh chóng từ tiện ích có sẵn của ứng dụng để đảm bảo an toàn khi sử dụng, tránh bị chiếm quyền kiểm soát, lọt lộ thông tin.
Các bước bảo mật tài khoản Zalo
Theo Cổng thông tin điện tử Công an thành phố Hà Nội, cùng với Facebook, Telegram, Viber,..., Zalo đang là ứng dụng nhắn tin, gọi điện video, chia sẻ file đa nền tảng được người dùng Việt Nam ưa chuộng. Nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân đã bắt đầu áp dụng ứng dụng Zalo vào trong công việc nhờ tính tiện dụng và đặc biệt hơn đây là ứng dụng miễn phí.
Tuy nhiên, khi càng trở nên phổ biến, Zalo cũng trở thành môi trường cho tin tặc lợi dụng chiếm quyền để lừa đảo người dùng trong việc sử dụng ứng dụng vào mục đích chiếm đoạt tài sản.
Để giúp người dân sử dụng an toàn, bảo vệ tài khoản Zalo, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội hướng dẫn cách bảo mật tài khoản Zalo nhanh chóng từ tiện ích có sẵn của ứng dụng:
Đặt mã khóa màn hình đăng nhập Zalo
Chức năng này sẽ giúp bảo mật Zalo an toàn hơn, mỗi khi đăng nhập tài khoản Zalo của mình trên bất kỳ thiết bị nào đều phải nhập mật mã bảo mật chính xác thì mới có thể truy cập và sử dụng vào tài khoản của mình.
Bước 1: Khởi động ứng dụng Zalo trên điện thoại > Chọn mục Cá nhân > Nhấn vào biểu tượng bánh răng ở góc phải trên của màn hình để thực hiện cài đặt.
Bước 2: Tiếp theo, chọn vào mục Tài khoản và bảo mật.
Bước 3: Nhấn chọn vào mục Đặt mã khóa Zalo.
Bước 4: Kéo nút bật từ trái qua phải để kích hoạt chức năng Đặt mã khóa của ứng dụng.
Bước 5: Sau khi kích hoạt tính năng thành công, người dùng nhập mã khóa cho Zalo là thực hiện thành công.
Như vậy, người dùng đã đặt mã khóa Zalo thành công. Mỗi lần đăng nhập vào tài khoản Zalo của mình sẽ xuất hiện màn hình khóa, người dùng phải nhập mật khẩu đã đặt trước đó để vào tài khoản.
Bảo mật toàn bộ Zalo hiệu quả
Với cách bảo mật này, người dùng có thể bảo mật tài khoản Zalo của mình một cách triệt để, bảo vệ hầu hết tất cả thông tin để người lạ không thể truy cập và đánh cắp thông tin của mình.
Bước 1: Trước tiên, người dùng mở ứng dụng Zalo > Chọn vào mục Cá nhân > Sau đó, chọn vào bánh răng cưa trên góc phải trên của màn hình.
Bước 2: Tiếp theo, chọn mục Quyền riêng tư.
Bước 3: Chọn tiếp mục Nguồn kết bạn.
Bước 4: Người dùng tắt hết các nguồn dùng để gửi lời mời kết bạn bằng cách kéo nút tắt từ phải sang trái.
Với cách bảo mật tài khoản Zalo này sẽ giúp người dùng ngăn chặn được người lạ kết bạn với mình.
Trên đây là những tính năng bảo mật tài khoản Zalo có sẵn mà người dùng nên sử dụng để được an toàn, tránh bị chiếm quyền. Ngoài ra, người dân cần đề cao cảnh giác khi “tự nhiên” nhận được đề nghị vay, mượn, chuyển tiền qua mạng xã hội. Khi nhận được yêu cầu chuyển tiền, cần phải xác minh thông qua việc gọi điện thoại trực tiếp đến người vay bằng số điện thoại đã được lưu trong danh bạ, không kiểm tra qua các ứng dụng mạng xã hội Telegram, Zalo, Facebook… Khi phát hiện trường hợp nghi vấn, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.
Dấu hiệu nhận biết và cách xử lý khi phát hiện tài khoản mạng xã hội của bạn bè, người thân bị hack
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), khi nhận được tin nhắn từ một người bạn trong danh sách bạn bè yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm, yêu cầu chuyển tiền hoặc thực hiện hành động khẩn cấp, hãy cảnh giác. Đặc biệt, nếu tin nhắn có chứa các lời khẩn cấp, đe dọa hoặc yêu cầu không phù hợp, hãy kiểm tra lại xem có phải tin nhắn thực sự từ bạn bè của bạn hay không.
Nếu tin nhắn từ bạn bè có sự thay đổi đột ngột trong cách viết, từ ngữ không giống với phong cách thông thường hoặc có chứa các lời lẽ lạ lùng, hãy cẩn thận và xác minh lại thông tin trực tiếp với chủ tài khoản đó.
Nếu đường link được chia sẻ trong tin nhắn có dấu hiệu đáng ngờ như URL không phổ biến, thiếu ký tự an toàn (https://), hoặc điều hướng đến các trang web không rõ nguồn gốc hoặc đáng ngờ, hãy tránh truy cập vào đường link đó.
Khi nhận được một tin nhắn hoặc email đáng ngờ từ một người bạn, hãy thử liên hệ trực tiếp với họ thông qua các phương tiện khác (điện thoại, tin nhắn, email) để xác minh xem tin nhắn đó có phải từ họ hay không. Đừng sử dụng thông tin liên hệ được cung cấp trong tin nhắn đáng ngờ để xác minh.
Khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu lừa đảo nào, hãy báo cáo ngay lập tức cho người bạn bè bị ảnh hưởng và thông báo vụ việc cho nền tảng mạng xã hội hoặc dịch vụ email để họ có thể thực hiện biện pháp cần thiết.
Nếu bạn/người thân gặp phải bất kỳ dấu hiệu nào như trên, hãy thực hiện các biện pháp sau:
- Thay đổi mật khẩu ngay lập tức của tài khoản mạng xã hội và sử dụng một mật khẩu mạnh, bao gồm cả chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt.
- Báo cáo sự cố thông qua mạng xã hội hoặc các liên hệ khác như điện thoại, email.
- Thông báo cho bạn bè và người thân trong danh sách bạn bè của bạn về tình huống và cảnh báo họ không nên tin tưởng hoặc phản hồi vào những tin nhắn lừa đảo.
Ngoài ra, luôn đề cao cảnh giác và xác minh thông tin cẩn thận khi “bỗng dưng” nhận được đề nghị vay, mượn, chuyển tiền qua mạng xã hội. Đồng thời, luôn tuân thủ các biện pháp bảo mật cơ bản như không chia sẻ thông tin cá nhân và mật khẩu với bất kỳ ai, không bấm vào các liên kết không rõ nguồn gốc hoặc tin nhắn đáng ngờ, và cập nhật phần mềm bảo mật định kỳ để tránh các lỗ hổng bảo mật.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google