Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng: Quá trình xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản đảm bảo là rất quan trọng

N.Cường
08:30 - 11/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã quy định việc thu giữ tài sản đảm bảo phải gắn thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng trong hợp đồng bảo đảm. Khi khách hàng không trả được nợ, tổ chức tín dụng mới thu giữ tài sản đảm bảo…

Chiều 10/6/2023, Quốc hội tiến hành thảo luận toàn thể ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5. Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là một trong số 9 dự án Luật được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5.

Hạn chế việc chống thao túng và sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng

Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cảm ơn các ý kiến góp ý tại buổi thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường trên tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, sâu sắc. Ban soạn thảo tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu, hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Báo cáo về một số vấn đề lớn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đối với các ý kiến cần có một chương hay một phần riêng quy định về ngân hàng chính sách, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, qua các cuộc hội thảo, tọa đàm và ý kiến của các cơ quan liên quan, ban soạn thảo đã thiết kế Điều 17 đối với loại hình ngân hàng chính sách xã hội theo hướng quy định chung nhất.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng: Quá trình xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản đảm bảo là rất quan trọng - Ảnh 1.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Về ý kiến phát biểu của đại biểu tại tổ, cũng như thảo luận tại hội trường đề nghị có một chương riêng hoặc một phần riêng quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, hoạt động và thậm chí về xử lý nợ xấu cũng như về tái cơ cấu các ngân hàng này này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, nhưng trên thực tế, luật chung khó có thể quy định cụ thể cho từng loại ngân hàng.

Đối với vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến giảm giới hạn về sở hữu của cổ đông, sở hữu của cổ đông và người có liên quan, giới hạn về cấp tín dụng cho một khách hàng và một khách hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) thiết kế như vậy nhằm mục đích hướng đến là hạn chế việc chống thao túng và sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng. Đây là yêu cầu của các cấp có thẩm quyền (Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội).

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng Cũng tại quy định này có khái niệm "người có liên quan", dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi người có liên quan so với những quy định về người có liên quan quy định tại Luật Doanh nghiệp. 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, với tính chất đặc thù của ngành ngân hàng, Ban soạn thảo xây dựng theo hướng mở rộng người có liên quan.

Thống đốc nhấn mạnh, đi đôi với thực hiện quy định trong luật, khâu tổ chức thực hiện rất quan trọng. Thực tế, quy định về sở hữu cổ đông, sở hữu chéo không cho phép và trên thực tiễn, tỷ lệ sở hữu, sở hữu chéo cơ bản được khắc phục. Nhưng trong thực tiễn có tình trạng cổ đông nhờ người có liên quan đứng tên nhưng ngân hàng không thể nắm được, đòi hỏi rất nhiều công cụ và giải pháp và từ nhiều cơ quan khác nhau, như minh bạch hóa cơ sở dữ liệu các giao dịch của dân cư, cơ sở dữ liệu các giao dịch về vốn, các giao dịch của các doanh nghiệp…

Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận toàn thể ở hội trường về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), ngày 10/6/2023. Ảnh: quochoi.vn

Tăng tính kỷ luật trong hoạt động đi vay và cho vay

Đối với quy định về can thiệp sớm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, đây là một điểm mới của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), được Ban soạn thảo xây dựng trên cơ sở thực tiễn những vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém thời gian qua, cũng như thực tiễn từ sự kiện rút tiền hàng loạt tại Ngân hàng SCB tháng 10/2002; tham khảo kinh nghiệm từ sự đổ vỡ của các ngân hàng trên thế giới.

Vì vậy, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình lần này có các biện pháp hỗ trợ từ phía Ngân hàng Nhà nước với vai trò là người cho vay cứu cánh cuối cùng khi các tổ chức tín dụng khó khăn về thanh khoản, đáp ứng nhu cầu chi trả cho người dân. Quy định huy động nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng khác, bảo hiểm tiền gửi và từ ngân hàng hợp tác xã…

Liên quan đến luật hóa Nghị quyết 42, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thực tiễn triển khai cho thấy, nợ xấu đã giảm rất nhanh, thông qua Nghị quyết 42 tăng cường trách nhiệm trả nợ của người đi vay, tăng tính kỷ luật trong hoạt động đi vay và cho vay.

Trên thực tế, trong quá trình xử lý nợ xấu, vấn đề rất quan trọng là thu giữ tài sản đảm bảo. Do vậy, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã quy định việc thu giữ tài sản đảm bảo phải gắn thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng trong hợp đồng bảo đảm. Khi khách hàng không trả được nợ, tổ chức tín dụng mới thu giữ tài sản đảm bảo… 

Các quy định về thu giữ tài sản đảm bảo cũng phải được thực hiện theo các quy định của pháp luật. Nếu không có quy định này, các tổ chức tín dụng rất e ngại khi quyết định cấp tín dụng cho các doanh nghiệp…

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên thảo luận có 21 ý kiến phát biểu, 1 đại biểu tranh luận, còn 9 ý kiến đã đăng ký nhưng chưa phát biểu, đề nghị các đại biểu gửi ý kiến bằng văn bản qua Ban Thư ký để tổng hợp tiếp thu đầy đủ. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội đã nêu.

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng để khắc phục bất cập của luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng, đảm bảo an toàn, lành mạnh các hệ thống tổ chức tín dụng, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác xử lý nợ xấu, tiếp tục phát huy vai trò kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế của các tổ chức tín dụng.

Các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến vào các điều khoản cụ thể của dự thảo luật. Ý kiến của các đại biểu đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan nghiên cứu các ý kiến thảo luận để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án luật trình Quốc hội xem xét.

Bình luận của bạn

Bình luận