Dự thảo luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi): bổ sung quy định xử lý sự cố rút tiền hàng loạt

Quang Minh
20:51 - 09/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Dự thảo Luật được bố cục gồm 13 Chương, 195 Điều đã bao gồm sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng. Trong đó quy định, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm khi bị rút tiền hàng loạt.

Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/5. Ảnh: QH.

Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/5. Ảnh: QH.

Chiều 9/5, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trình bày tờ trình dự án luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xây dựng dự thảo luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nghị quyết của Quốc.

Dự thảo cũng đảm bảo phù hợp với các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”…

Việc xây dựng dự thảo luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về các tổ chức tín dụng, xử lý những vướng mắc, bất cập hiện hành; luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sau khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023.

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung các quy định phòng ngừa rủi ro, tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng; xây dựng công cụ để quản lý các tổ chức tín dụng, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ nhân sự quản lý, điều hành của tổ chức tín dụng; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành tổ chức tín dụng...

Dự thảo Luật được bố cục gồm 13 Chương, 195 Điều đã bao gồm sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng như: sửa đổi, bổ sung quy định về người có liên quan; sửa đổi, bổ sung quy định những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ; giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông, một cổ đông và người có liên quan tại tổ chức tín dụng...

Dự thảo luật bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt

Dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chủ sở hữu, Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên để thống nhất với pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung các quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử như: bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử; giao Chính phủ quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng…

Để hạn chế rủi ro từ tập trung tín dụng, hạn chế sở hữu chéo, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn cấp tín dụng theo hướng giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan; sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng… Dự thảo luật cũng rà soát, điều chỉnh kỹ thuật một số nội dung để đảm bảo rõ ràng, phù hợp, thống nhất với các luật hiện hành.

Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia trong đó có trường hợp xử lý khủng hoảng của Silicon Valley Bank và Signature Bank (Mỹ), hoặc trường hợp Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ) và để đảm bảo có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống, dự thảo luật đã bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt.

Ngoài ra, dự thảo luật đã luật hóa một số quy định tại Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng về nợ xấu, bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; Mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; Kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án…

Tại phiên họp, các đại biểu đều tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế. Các ý kiến đều đánh giá hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị tương đối công phu, tuân thủ trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nhất trí cao về sự cần thiết xây dựng dự án luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), các đại biểu cho rằng việc xây dựng dự án nhằm thể chế hóa kịp thời những chủ trương, đường lối của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ đối với lĩnh vực ngân hàng, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn và phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã thảo luận, đưa ra ý kiến về các nội dung cần tiếp tục được nghiên cứu, làm rõ để hoàn thiện dự thảo luật.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, việc xây dựng Luật nhằm sửa đổi, bổ sung các công cụ để bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo.

Theo đó, Điều 144 dự thảo Luật quy định cụ thể các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm khi thuộc một trong các trường hợp sau: xếp hạng dưới mức trung bình trở xuống theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; bị rút tiền hàng loạt khi có nhiều người gửi tiền cùng đến rút tiền dẫn đến tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả và không tự khắc phục được theo quy định của Ngân hàng Nhà nước…

Dự thảo luật cũng kế thừa quy định về áp dụng can thiệp sớm tại luật hiện hành và có sửa đổi, bổ sung để giải quyết những bất cập thời gian qua; quy định một số biện pháp hiện nay đang áp dụng tại giai đoạn kiểm soát đặc biệt lên giai đoạn can thiệp sớm cho phép xử lý từ sớm, từ xa khi tình trạng yếu kém của tổ chức tín dụng chưa đến mức nghiêm trọng.

Dự án cũng sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập qua thực tiễn thi hành luật, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.