Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Công ty tài chính chỉ được đòi nợ từ 9 - 21 giờ, không được đe dọa

Li Lê
17:11 - 08/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Liên quan đến vấn đề nhiều người dân không vay nợ nhưng vẫn bị gọi điện quấy rối, xúc phạm, bôi nhọ, đe dọa vì có tên trong danh bạ của con nợ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết đã có quy định rõ không được đòi nợ bằng các biện pháp đe dọa.

Chiều 8/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. 

Dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực ngân hàng.

Có 68 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Ảnh 1.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực ngân hàng. Ảnh: VGP

Về vấn đề xử lý ngân hàng 0 đồng vẫn "dậm chân tại chỗ", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay việc xử lý cơ cấu ngân hàng yếu kém trong điều kiện bình thường là khó, do nền kinh tế phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.

Tại Báo cáo gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội trước đó, Chính phủ cho biết đã triển khai nhiều giải pháp để xử lý 3 ngân hàng mua lại bắt buộc (CBBank, OceanBank, GPBank) và Ngân hàng Đông Á. Trong đó, hai trên ba ngân hàng mua lại bắt buộc là Ngân hàng Xây Dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại dương (OceanBank) đã có phương án xử lý.

Về hành lang pháp lý của việc cho vay qua app, hoặc qua website, đặc biệt là trong thời gian qua Công an Hà Nội đã triệt phá vụ án vay qua app hơn 5.000 tỉ đồng, gây thiệt hại lớn cho nhân dân. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết việc cho vay này dựa trên kết nối công nghệ giữa người vay và cho vay, nhưng thực tế xảy ra hiện tượng không tách bạch giữa tiền của người cho vay và của người đi vay. Có thể người lập ra sàn kết nối lại là người đi vay hoặc cho vay, gây mất an toàn trật tự xã hội. Ở Trung Quốc đã siết các hoạt động này. 

Còn tại Việt Nam, Thống đốc cho biết, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì cùng các bộ, ngành nghiên cứu và qua khảo sát xác định có các tổ chức xuất hiện cho vay qua app, web. Hiện đang dự thảo nghị định quy định về hoạt động này để có hành lang pháp lý để an toàn, hiệu quả, hạn chế rủi ro phát sinh.

Về tình trạng nhiều người dân không vay nợ nhưng bị gọi điện quấy rối, xúc phạm, bôi nhọ, đe dọa do có tên, số điện thoại trong danh bạ của người vay tiền qua các ứng dụng vay online mà không trả nợ đúng hạn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, hiện nay, Thông tư của Ngân hàng Nhà nước quy định về cho vay của các công ty tài chính đã có chỉnh sửa theo hướng các công ty không được đòi nợ bằng các biện pháp đe dọa. Đồng thời, cũng quy định rõ thời gian đòi nợ từ 9 giờ đến 21 giờ.

Về giải pháp để điều hành tín dụng hiệu quả, giảm rủi ro nợ xấu và kiềm chế lạm phát, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu dù tăng 2,25% chủ yếu do tác động yếu tố giá chứ chưa tính tới tác động gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. Tín dụng cũng tăng cao, nên Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát tiền tệ linh hoạt hiệu quả, diễn biến kinh tế vĩ mô để đưa ra giải pháp điều hành, kiểm soát CPI. Thống đốc yêu cầu thực hiện nghiêm quy định cho vay, đảm bảo đủ điều kiện, trích lập dự phòng nợ rủi ro để nâng cao hiệu quả tín dụng và xử lý nợ xấu.

Về tín dụng bất động sản, khi đại biểu cho rằng siết chặt tín dụng với bất động sản có thể khiến thị trường đình trệ, khiến người nghèo, nhất là người nghèo ở đô thị, khó mua nhà giá rẻ, bà Hồng cho hay thị trường bao gồm nhiều chủ thể, gồm nhiều kênh. Quan tâm của ngân hàng là rủi ro, mất vốn, rủi ro tín dụng, và quan trọng hơn là rủi ro thanh khoản do tính chất của khoản vay bất động sản là dài hạn, vốn lớn, trong khi khoản tiền gửi là ngắn hạn.

"Ngân hàng Nhà nước có áp lực trong kiểm soát rủi ro như vậy, việc cho vay là của ngân hàng và khách hàng nhưng phải đảm bảo an toàn hệ thống", bà Hồng khẳng định.

Về thị trường bất động sản tăng giá, thổi giá, bà Hồng cho hay đã có quy định chỉ đạo ngân hàng thương mại khi cho vay phải đánh giá tài sản đảm bảo. Tổ chức tín dụng cho vay có tài sản đảm bảo ở những địa bàn mà giá bất động sản bong bóng cao thì phải cẩn trọng kiểm soát rủi ro.

Về nhu cầu mua nhà để ở và sửa chữa, theo Thống đốc có 2,2 triệu tỉ đồng dư nợ bất động sản, thì 65% cho nhu cầu ở và sửa chữa nhà, phục vụ tiêu dùng. Với nhu cầu mua nhà với người thu thập thấp, cũng có chính sách và hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng đã triển khai cho vay cho đối tượng như mua nhà ở xã hội…

Đầu giờ sáng ngày 9/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các thành viên Chính phủ liên quan, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ 3.
Nguồn: VGP