Nợ xấu tăng, lợi nhuận quý I/2022 của một số ngân hàng "tụt dốc"

PV (Tổng hợp)
16:52 - 19/05/2022
Công dân & Khuyến học trên

Kết quả kinh doanh quý I đầu năm cho thấy lợi nhuận toàn ngành ngân hàng tăng trưởng tốt, tuy nhiên, vẫn có một số ngân hàng có những con số đáng báo động.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh trong quý I, toàn ngành ngân hàng cho thấy xu hướng chung là lợi nhuận tăng trưởng tích cực. Không ít ngân hàng như VPBank, SHB, Eximbank, LienVietPostBank, Sacombank, SeABank… gây ấn tượng mạnh với những con số kinh doanh đột phá. 

Tuy nhiên, theo Công ty chứng khoán SSI, những con số này chưa thể phản ánh đầy đủ tác động của những động thái siết hoạt động cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp gần đây.

Trong khi hầu hết lợi nhuận của các ngân hàng đều đi lên, ngược lại, lợi nhuận của một số ít ngân hàng như VietinBank và OCB lại cho thấy sự sụt giảm mạnh. Nguyên nhân chính của đà giảm này được cho là do hai ngân hàng này đã tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong 3 tháng đầu năm. Khoản chi phí trích lập này đã ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận.

Cụ thể, tại ngân hàng VietinBank, lợi nhuận giảm tới 28% so với cùng kỳ, do chi phí dự phòng tăng gần 230%. Thêm vào đó, thu nhập từ hoạt động tín dụng của ngân hàng này cũng sụt giảm, do có nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, VietinBank cũng có số dư nợ xấu tiềm tàng lớn nhất trong tất cả các ngân hàng, với dư nợ cơ cấu vì Covid-19 cao gấp 2,5 lần số dư nợ xấu thực tế (tính đến cuối quý III/2021).

Việc tăng trích lập dự phòng là xu hướng chủ đạo khi tỷ lệ nợ xấu tại nhiều ngân hàng trở nên tồi tệ hơn.

Ngoài ta, tại hầu hết các nhà băng, đặc biệt là tại SHB và OCB, nợ quá hạn nhưng chưa thành nợ xấu (nợ nhóm 2) cũng gia tăng với mức lần lượt là 90% và 97%.

Mặc dù, tỷ lệ nợ xấu tại nhiều ngân hàng tăng so với cuối năm 2021, nhưng vẫn đang được kiểm soát dưới mức năm 2020 và 2019.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán SSI, chất lượng tài sản tại nhiều ngân hàng xấu đi do một số khoản vay hết thời hạn cơ cấu, nhưng điều này chưa đáng lo ngại.

Bên cạnh thu nhập chính từ hoạt động tín dụng, nguồn thu dịch vụ cũng đóng góp tích cực vào mức tăng lợi nhuận của các ngân hàng tư nhân trong quý I. Tuy nhiên, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân ghi nhận lãi thuần từ dịch vụ tăng tốt, thì khoản thu này tại 3 ngân hàng có vốn nhà nước Vietcombank, BIDV, VietinBank lại sụt giảm. Cụ thể lãi thuần từ dịch vụ tại VietinBank đứng yên, còn giảm 20% tại Vietcombank và 10% tại BIDV.

Dự báo cả năm, toàn ngành ngân hàng vẫn có lợi nhuận tăng trưởng tích cực, nhưng sẽ có sự phân hóa rõ rệt.