Thi vào lớp 10 chuyên Lam Sơn: Thí sinh được nâng từ 1 lên 9 điểm sau phúc khảo, sai sót ở khâu nào?
Do nhập nhầm bảng điểm, một thí sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường Trung học phổ thông chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) chỉ được 1 điểm bài thi thay vì 9 điểm.
Bài thi tăng từ 1 điểm lên 9 điểm
Ngày 3/6/2024, truyền thông dẫn lời ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, cho biết cơ quan này vừa có thông báo về kết quả phúc khảo điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường Trung học phổ thông chuyên Lam Sơn năm học 2024-2025.
Theo đó, có 6 thí sinh có điểm bài thi thay đổi so với điểm chấm đợt đầu. Đáng chú ý, thí sinh Ngô Hoàng K. có kết quả phúc khảo môn Toán tăng từ 1 điểm lên 9 điểm.
"Nguyên nhân điểm số thí sinh tăng đột biến sau phúc khảo là do lỗi trong quá trình nhập điểm. Không có chuyện phúc khảo từ 1 điểm mà lên 9 điểm. Đây là do quá trình lên bảng điểm bị nhầm", ông Nguyễn Văn Dĩnh chia sẻ với truyền thông.
Được biết, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường Trung học phổ thông chuyên Lam Sơn năm học 2024-2025 có 1.705 thí sinh đăng ký dự thi.
Chỉ tiêu tuyển sinh là 420 học sinh, gồm chuyên Toán (2 lớp), chuyên Tiếng Anh (2 lớp), chuyên Ngữ văn (2 lớp); các lớp chuyên Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Lịch sử, Địa lý - 1 lớp chuyên.
Quy trình lên điểm bài thi thế nào?
Tổ nhập điểm được thành lập và thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 27 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Trong quá trình thực hiện nhập điểm cần lưu ý một số nội dung.
Quy trình nhập điểm: Người được giao nhiệm vụ tổ chức nhập điểm là thành viên của ban thư ký hội đồng thi (sau đây gọi là người quản trị nhập điểm) được cung cấp 1 tài khoản phần mềm để thực hiện việc nhập điểm vào phần mềm hỗ trợ chấm thi trong hệ thống quản lý thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngay sau khi tài khoản được cấp, người sở hữu tài khoản phải đổi mật khẩu và bảo vệ mật khẩu của mình; sử dụng tài khoản được cấp với các chức năng của phần mềm để tổ chức nhập điểm theo 6 bước.
Bước 1. In biên bản chấm thi (biểu số 04 trên phần mềm hỗ trợ chấm thi), giao cho trưởng ban chấm thi tự luận để giao cho trưởng môn chấm thi hoặc tổ trưởng tổ chấm thi được ủy quyền.
Bước 2. Nhận biểu số 04 (đã ghi điểm và có ký xác nhận của các cán bộ chấm thi và trưởng môn chấm thi/tổ trưởng tổ chấm thi được ủy quyền).
Bước 3. Tổ chức nhập điểm 2 vòng độc lập (cách thức thực hiện theo hướng dẫn sử dụng phần mềm).
Bước 4. In biên bản đối sánh kết quả 2 vòng nhập (từ phần mềm hỗ trợ chấm thi), nếu có sai lệch giữa 2 vòng nhập, phải kiểm tra và nhập lại điểm của trường hợp có sai lệch.
Bước 5. In biểu điểm đã nhập vào máy tính theo từng túi chấm (chỉ có thông tin số phách, điểm), tổ chức kiểm tra, đối chiếu lại với biểu số 04, người quản trị nhập điểm phải chịu trách nhiệm và xác nhận rằng việc nhập điểm không có sai sót.
Bước 6. Khóa chức năng nhập điểm bài thi tự luận.
Khớp phách: Chỉ được thực hiện sau khi đã hoàn thành việc chấm thi và nhập điểm vào phần mềm.
Khớp phách trên phần mềm: Ghép toàn bộ dữ liệu nhập điểm bài thi tự luận với dữ liệu thông tin của thí sinh kèm số phách (do ban làm phách cung cấp sau khi hoàn thành công tác nhập điểm).
Khớp phách bằng tay: Sau khi thực hiện thành công việc khớp phách trên phần mềm, in biểu kiểm dò từ phần mềm để ban thư ký hội đồng thi khớp phách bằng tay ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi tự luận; nếu có sai sót phải lập biên bản, báo cáo chủ tịch hội đồng thi để xác định rõ nguyên nhân và có biện pháp khắc phục.
Các túi bài thi được mở và sử dụng trong quá trình khớp phách phải được niêm phong lại; bài thi đã khớp phách được đóng trong các túi bài thi riêng và niêm phong; trên nhãn niêm phong của các túi bài thi phải có chữ ký của những người trực tiếp thực hiện.
Có thể khẳng định, nếu khâu nhập điểm được các cán bộ thực hiện theo quy trình như trên thì không bao giờ xảy ra sai sót đáng tiếc như trường hợp thí sinh thi vào lớp 10 ở tỉnh Thanh Hoá.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google