Chuyện vui về niềm tự hào là học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Lam Sơn
1706 thí sinh Thanh Hóa sẽ tham gia thi vào lớp 10 Trường Trung học phổ thông chuyên Lam Sơn vào ngày 22/5. Đối với mảnh đất Thanh Hoá, nhiều thế hệ học sinh đã mang niềm tự hào là học sinh Lam Sơn và niềm tự hào đó cũng sẽ theo họ đi suốt những năm tháng cuộc đời.
Ngày 22/5, 1706 thí sinh ở Thanh Hóa sẽ tham gia thi vào lớp 10 Trường Trung học phổ thông chuyên Lam Sơn để tuyển 420 học sinh theo học ở 12 lớp (tăng 1 lớp so với năm học trước).
Các môn thi Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lí, Tin học, Hoá học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí tỉ lệ 1 "đấu" trên 4,6.
Không muốn thông tin thêm về bề dày truyền thống dạy và học ở một ngôi trường Lam Sơn anh hùng rất nổi tiếng, đứng trong tốp đầu cả nước mà trong nước và quốc tế đều am tường và ngưỡng mộ.
Ở Thanh Hóa nói chuyện học hành, người đã từng học ở ngôi trường mang tên Lam Sơn thường được bạn bè nể phục dù học chuyên hay không phải lớp chuyên. Vì thế, ở địa phương này cũng có giai đoạn bằng mọi cách phải cho con mình học trường Lam Sơn để "làm le" với mọi người nên mới "đẻ " ra lớp dịch vụ.
Người viết bài báo này trước đây đã từng có bài phản ánh: 4,5 điểm cũng được vào học trường Lam Sơn. Tình trạng vừa nêu đã chấm dứt từ lâu, giờ là thi thật, học thật. Và, thi đỗ vào lớp 10, lớp đầu cấp trung học phổ thông để học ở Trường Trung học phổ thông chuyên Lam Sơn luôn là niềm mong ước và tự hào của các bậc phụ huynh.
Niềm tự hào đó của học sinh Lam Sơn và cũng sẽ theo họ đi suốt những năm tháng cuộc đời.
Chuyện vui về cựu học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Lam Sơn
Vào một ngày cuối thu, tôi nhận được điện thoại từ Thiếu tướng Đồng Đại Lộc, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa. Ông Lộc nói tổ chức bữa liên hoan cùng các bạn học chuyên với ông để đi nhận nhiệm vụ mới. Thiếu tướng Lộc là học sinh chuyên toán Trường Trung học phổ thông Lam Sơn. Tôi biết ông từ khi ông còn quân hàm thiếu úy. Lúc đó, tôi trả lời: tôi có học chuyên đâu, ra xấu hổ lắm!
Nhưng ông Lộc nói thêm tôi là trường hợp đặc biệt. Buổi liên hoan hôm đó có khá nhiều bạn học chuyên với ông Lộc dự. Đang hồi cao trào về văn nghệ và các bạn phát biểu, bỗng người dẫn chương trình giới thiệu: hôm nay có vị khách đặc biệt không phải là bạn học chuyên với anh Đồng Đại Lộc là nhà báo (là tôi) xin mời nhà báo có đôi lời phát biểu.
Quá bất ngờ, nhưng cũng có chút "men" vào rồi, tôi đành phải nói: Thưa anh Lộc và các bạn học chuyên với anh Lộc, tôi không phải là học sinh chuyên Lam Sơn, chỉ là học sinh trường huyện. Nhưng, cuộc đời tôi rất may mắn khi ra công tác lại chơi với khá nhiều anh, chị học chuyên Lam Sơn trong đó có anh Lộc. Hôm nay có cuộc chia tay để anh Lộc về nhận nhiệm vụ mới ở Hà Nội, tôi được tham gia, xin tặng anh Lộc mấy câu văn vần. Nói rồi tôi đọc luôn, không ngờ cũng tàm tạm gọi là thơ:
Chân bước nhẹ trên đường dài khập khễnh
Cuối trời xa vệt nắng nhạt thu tàn
Đông đang đến xuân vẫn còn phải đợi
Hạ sẽ về phượng đỏ rực hân hoan!
Thế rồi sau một thời gian ra nhận nhiệm vụ mới trở về thăm Thanh Hóa, gặp tôi, ông Đồng Đại Lộc nói vui: Hạ về lâu rồi mà chả thấy phượng đỏ rực hân hoan.
Tôi chỉ lên ve áo của vị trung tướng, đây rồi, thêm một ngôi sao đỏ chót còn gì. Nói xong, trung tướng Đồng Đại Lộc và tôi ôm nhau cười giữa vùng trời đỏ rực nắng hè của Thanh Hoá, miền Trung yêu thương.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google