Thêm "luận án tiến sĩ cầu lông" gây xôn xao dư luận
Luận án "Nghiên cứu lựa chọn biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động câu lạc bộ cầu lông Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2" đang gây xôn xao dư luận.
Luận án này của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Hồng được công bố trên chuyên trang Luận văn - luận án của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 7/11.
Đề tài luận án trên thuộc chuyên ngành giáo dục học, được thực hiện trong khóa đào tạo không tập trung tại Viện Khoa học Thể dục thể thao (Tổng cục Thể dục thể thao), do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Ngọc và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Trung hướng dẫn.
Thông tin về những đóng góp mới của luận án này, nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết: "Kết quả nghiên cứu lý luận rút ra những cơ sở khoa học khẳng định hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ cầu lông giữ vai trò then chốt, góp phần thúc đẩy phong trào thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe, rèn luyện thể lực và đáp ứng nhu cầu tinh thần của cán bộ viên chức và sinh viên…
Đồng thời, nghiên cứu cũng cho thấy, để nâng cao hiệu quả hoạt động câu lạc bộ cầu lông, cần lấy vai trò của hội viên làm trung tâm, đa dạng hóa các hình thức tổ chức tập luyện, khuyến khích động viên hội viên tích cực tham gia.
Đẩy mạnh hoạt động theo dõi và đánh giá hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ để có những điều chỉnh đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.
Luận án đánh giá thực trạng phong trào thể dục thể thao ngoại khóa đối với sinh viên và hoạt động thể dục thể thao ngoài giờ hành chính đối với cán bộ viên chức.
Ngoài ra luận án còn đánh giá phong trào tập luyện cầu lông và các yếu tố ảnh hưởng đến phong trào tập luyện và thi đấu cầu lông đối với cán bộ viên chức và sinh viên; đánh giá thực trạng hoạt động câu lạc bộ cầu lông của cán bộ viên chức và sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 qua các tiêu chí đánh giá nguồn lực của câu lạc bộ (gồm 8 tiêu chí…).
Trên cơ sở đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức bằng phương pháp phân tích SWOT về thực trạng hoạt động câu lạc bộ cầu lông của cán bộ viên chức và sinh viên, luận án đã lựa chọn và kiểm nghiệm lý thuyết (qua phỏng vấn các nhà khoa học, các chuyên gia) được 7 biện pháp chung cho câu lạc bộ cầu lông, 2 biện pháp cho câu lạc bộ cầu lông của cán bộ viên chức và 3 biện pháp cho câu lạc bộ cầu lông của sinh viên.
Luận án tiến hành ứng dụng vào kiểm nghiệm thực tiễn và đánh giá hiệu quả các biện pháp đã lựa chọn cho câu lạc bộ cầu lông của cán bộ viên chức và câu lạc bộ cầu lông của sinh viên.
Kết quả cho thấy: số lượng hội viên tham gia, thành tích thi đấu, mức độ hài lòng và trình độ phát triển thể lực của hội viên trong câu lạc bộ đã có sự chuyển biến rõ rệt, phong trào tập luyện và thi đấu cầu lông đã thu hút được cán bộ viên chức và sinh viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 tham gia tập luyện nhiều hơn".
Sau khi luận án được công bố trên chuyên trang Luận văn - luận án của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại các diễn đàn học thuật, rất nhiều ý kiến bàn luận, cho rằng: "Lại thêm đề tài nhân bản về cầu lông. Hàm lượng khoa học ít, không có nhiều tính ứng dụng và ít đóng góp cho khoa học".
Có người bày tỏ băn khoăn: "Không hiểu tính cấp thiết, tính khoa học của đề tài này có xứng tầm với một luận án tiến sĩ. Một đề tài luận án tiến sĩ mà hướng nghiên cứu câu lạc bộ cầu lông của trường e rằng chỉ phù hợp làm tiểu luận chấm điểm chuyên cần cho môn học cầu lông".
Cũng nhiều nhà khoa học cho rằng tên đề tài quá hẹp, không đủ tầm một luận án tiến sĩ. Do vậy cần phải nói đến trách nhiệm của hội đồng thông qua đề cương, trong đó có tên đề tài và sau đó là hội đồng chấm chuyên đề, sau nữa là các phản biện kín.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google