Thế thượng phong của văn hóa nhìn
Văn hoá nhìn có chiếm thế thượng phong mà đẩy văn hoá đọc vào suy vong? Việc chấp nhận văn hoá nhìn lên ngôi trong thời đại mới là cách thiết kế lại tư duy của mỗi người.
Mùa hè năm 2009, tại một hiệu sách lớn trên phố Tràng Tiền, tôi thấy một cuốn sách có tên gọi: Lối tư duy của tương lai. Tác giả là nhà tương lai học John Naisbitt – người có những tác phẩm viết về Megatrends bán chạy nhất – đã viết câu giới thiệu hấp dẫn: Hãy thiết kế lại tư duy của bạn để nhìn vào tương lai. Cuốn sách này hấp dẫn tôi hơn cả là phần ông viết về thế thượng phong của văn hoá nhìn.
Naisbitt viết: "Tạm biệt thế giới Kinh Thánh của Gutenberg, chào đón thế giới hình ảnh của MTV? Chưa từng có một sự khẳng định mạnh mẽ đến vậy cho văn hóa nhìn, từ hội họa và kiến trúc tới thời trang cao cấp và thiết kế của các hàng hóa thông thường. Đó chính là một thế giới MTV - nơi hình ảnh áp đảo con chữ".
Thị hiếu thời thượng - văn hoá nhìn
Chữ viết ra đời từ thời kỳ Đồ Đồng – thiên niên kỷ thứ 4 trước công nguyên. Người ta tìm thấy hệ thống chữ viết đầu tiên ở vùng Sumer (Lưỡng Hà) dưới dạng chữ hình nêm. Chữ Hán xuất hiện từ đời Ân, khoảng 1600 – 1020 trước công nguyên; khoảng 800 năm trước công nguyên, vùng Iran và Tây Bắc Ấn Độ có chữ Aramaic khoảng 700 năm trước công nguyên có hệ chữ La tinh, và đến sau công nguyên mới thấy hệ chữ Slave.
Thế giới chữ cần đến bạn đồng hành để phát triển. Người bạn đồng hành ấy là kỹ thuật in. In khắc gỗ xuất hiện ở Trung Quốc trước năm 220 sau công nguyên. Nghề in phát triển, mãi tới thế kỷ XIV mới có công nghệ in bằng các con chữ rời rạc mà người sáng tạo là Johannes Gutenberg. Tuy nhiên, trước đó, người ta có dụng cụ in bằng kim loại để in các cuốn sách. Cuốn sách mang tên Diamond Sutra có từ năm 868 sau công nguyên hiện được coi là cuốn sách cổ nhất còn lưu được ở Thư viện Anh Quốc (Luân Đôn).
Sự phát minh ra giấy in đã làm cho thế giới các con chữ phát triển vũ bão. Các loại hình sách truyện và tiểu thuyết, các sách in kết quả các công trình lịch sử, khảo cổ và khoa học (Toán, Vật lý, Hóa học, chính trị, kinh tế...) các tác phẩm thơ, ca, âm nhạc, hội họa thi nhau ra đời. Tiếp đến là thế giới báo in hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng, các tạp chí khoa học, văn học, nghệ thuật... đầy ắp các sạp báo trên các con phố. Lịch in các kiểu loại tràn khắp các hiệu sách.
Sách báo nhiều đến mức ta không hình dung được. Chỉ tính số sách trong thư viện ta đã thấy choáng ngợp. Việt Nam có 24.080 thư viện công, trong đó thư viện cấp xã có 3290, tủ sách cơ sở có 19.881. Tổng số sách trong các loại hình thư viện ở nước ta là 44 triệu bản.
Xin nói thêm rằng, chỉ riêng thư viện Quốc hội Hoa Kỳ tại Washington đã có 33 triệu đầu sách, tức khoảng 3/4 số sách ở thư viện Việt Nam. Người ta nói rằng, mang các sách ở thư viện Quốc hội Hoa Kỳ xếp nối đuôi nhau, ta sẽ có một chuỗi sách dài 500km.
Thư viện Quốc gia Trung Quốc tại Bắc Kinh có 26,3 triệu cuốn sách in với 115 ngôn ngữ khác nhau. Thư viện Quốc gia Nga có trên 20 triệu đầu sách v.v... Ai cũng nghĩ sách in sẽ còn phát triển ngoạn mục hơn, trí tưởng tượng của người đọc sẽ thăng hoa hơn, thì đúng lúc cách hiểu đầy lãng mạn này lại dừng lại. Các phim ảnh, video, đĩa DVD phát triển như nấm và trí tưởng tượng bị hình ảnh nhanh chóng lấn át.
Đọc Chiến tranh và Hòa bình của Lev Tolstoi với 4 tập dày dịch sang tiếng Việt mất khá nhiều thời gian dành cho giải trí, nhưng xem trên phim truyện, bộ phim này chỉ đòi hỏi khán giả trên 4 giờ đồng hồ. Phim cho những hình ảnh màu sắc tuyệt vời về giới quý tộc Nga tại Kinh kỳ Saint-Peterburg, công tước Adrei Bolkonsky đẹp trai luôn khát khao tìm lẽ sống, trận đánh ở Austerlitz đẫm máu và sặc khói đại bác – nơi mà Napoleon nghiền nát quân Nga. Ta cũng được thấy vị tướng già Mikhail Koutouzov trong trận chiến Borodino v.v...
Người xem phim "Chiến tranh và Hòa bình" với những hình ảnh sinh động đó sẽ không đọc pho truyện này trên giá sách nữa. Cũng như vậy, tivi thường thắng thế sách in và không cần đến vai trò của người kể truyện – vốn được coi là người mang lại những hiểu biết và làm lay động tâm hồn con người trong nhiều thế kỷ trước đây.
Văn hoá đọc suy vong, văn hoá nhìn lên ngôi - kết cục được báo trước?
Vidia Naipaul, người giành giải Nobel về văn học năm 2001 nói rằng, tiểu thuyết đã "chết" cách đây ít nhất một thế kỷ. Một nhận xét khá lạ, nhưng sự thật ngày càng hé lộ hiện tượng này.
Thực ra, tiểu thuyết in trước đây đã mất dần chỗ đứng, mà thay vào đó là loại tiểu thuyết mang tính thị giác. Truyện tranh phỏng theo những tác phẩm in bắt đầu có vai trò của mình. Nhưng các loại hình truyện tranh mô phỏng cũng không thể choán chỗ truyện in. Bởi lúc này còn có cả truyện tranh nguyên bản. Trẻ con bây giờ đều được bố mẹ mua truyện tranh. Chúng ít đọc truyện in trên giấy đơn thuần. Sức mạnh hình ảnh có phần lấn át các con chữ.
Giống như tình trạng suy giảm sức mua đối với tiểu thuyết truyền thống, báo giấy cũng đang có tình trạng tương tự. Trên các sạp báo, trước đây ta thấy đầy ắp các loại báo và tạp chí... Sự biến mất các sạp bán báo cho thấy, báo giấy rồi cũng sẽ có kết cục như văn hoá đọc.
Tôi thích những quán cà phê vườn một phần vì thích nhâm nhi li cà phê với tờ báo trên tay mà chủ quán đưa cho. Mỗi khách hàng chọn một chỗ ngồi, có người ngồi cả giờ đồng hồ, vừa đọc báo, vừa thưởng thức cà phê. Đó là một loại văn hóa báo giấy rất hay. Bây giờ thì khác rồi, thay bằng tờ nhật báo, khách nghiện cà phê chúi đầu vào chiếc điện thoại di động. Tin tức sản xuất, kinh doanh, thời sự trong nước và thế giới, những vấn đề cần tra cứu trên Google, học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga... qua ứng dụng, tìm kiếm các số liệu khoa học... nằm trong chiếc điện thoại thông minh gọn nhẹ được chủ nhân sở hữu nó tận dụng bên li cà phê tỏa hương thơm lừng.
Có tờ báo để 70% trang in dùng cho quảng cáo, phần thông tin chỉ 30%. Bây giờ, quảng cáo tính trên diện tích màn hình.Thành phần tham gia vào quảng cáo các sản phẩm thuốc men, quần áo, đồ trang sức, thực phẩm rất đa dạng, đông đảo.
Văn hoá đọc ở khắp mọi nơi ngày nay bắt gặp rất ít ở giới trẻ. Ảnh: Freestock
Ở những quốc gia được coi là nhân dân có thói quen đọc báo thì nay số người đọc báo giấy giảm đi khá nhiều. Sau năm 2000, tổng lượng phát hành báo chí ở Mỹ giảm tới 2,6%, còn báo Chủ nhật giảm tới 3,1%. Hiện tượng giảm số lượng báo in cũng thấy ở nhiều nước thuộc EU, Nhật Bản. Người Nhật đọc báo trên xe bus, trên tàu hỏa, trong khi đứng chờ xe trên đường phố, cả khi xếp hàng mua gì đó.
Người Nhật còn có văn hóa đứng đọc – Tachiyomi. Hiện nay, người cao tuổi ở Nhật đang lo lắng bọn trẻ rất dễ xa rời sách báo giấy do điện thoại thông minh đã được phổ cập trong nhân dân. Vì thế, người trẻ sẽ đọc báo điện tử, mặt khác chúng bị thu hút bởi các trò chơi trực tuyến.
Điều gì sẽ xảy ra với văn hoá nhìn?
Ở Việt Nam, khi công nghệ số xuất hiện, nhiều loại hình báo chí mới ra đời, cùng với đó là sự phát triển vượt bậc của báo điện tử. Nhiều tờ báo in gặp khó khăn buộc phải giảm lượng phát hành. Một câu hỏi đặt ra: "Liệu báo giấy có phải nhường chỗ cho báo mạng điện tử hay không? Câu trả lời là chưa có dự báo chuẩn xác.
Nhưng chắc chắn rồi đến một ngày, báo mạng cũng sẽ phải nhường chỗ cho một loại hình truyền thông nào đó tiên tiến hơn, như số phận của báo giấy bây giờ. Đó là logic của sự phát triển.
Văn hóa đọc là văn hóa truy cập, tìm kiếm thông tin được các con chữ chuyển tải. Còn văn hóa nhìn là một cách truy cập, tìm kiếm thông tin trên hình ảnh. Dù sao thì sách báo in cũng không còn ở thế thượng phong.
Sách báo mạng với những hình ảnh thay thế con chữ đang dành một chỗ đứng trong xã hội. Khi sách báo điện tử phát triển thì những thông tin xưa nay do các doanh nghiệp gửi gắm vào các trang giấy in thì lúc này họ chuyển dần sang cho các hình ảnh đa màu sắc, di động và hấp dẫn. Các sản phẩm cần thu hút khách hàng không khô khan trên các con chữ, mà nó là "sản phẩm ảo", hiện diện trên màn hình máy tính, màn hình TV và điện thoại di động một cách linh hoạt và tường minh. Không cần phải tìm đến các siêu thị để lựa chọn, người xem có thể quyết định mua hay từ chối ngay lập tức. Nếu mua, hệ thống bán hàng trực tuyến sẽ giúp ta khỏi phải ra khỏi nhà để nhận hàng.
Trí tưởng tượng nơi đâu trong văn hoá nhìn?
Thời đại kỹ thuật số đã đem tới một cuộc cách mạng vĩ đại trong lối sống của con người trên thế giới. Bản chất của cuộc cách mạng này là hình ảnh sinh động. Trong lớp học, ngày trước, những bài toán về quỹ tích đã làm đau đầu không biết bao nhiêu học sinh, nhưng trên bảng thông minh, quỹ tích của các điểm trên mặt phẳng có tổng khoảng cách tới 2 điểm cố định là một hằng số sẽ được minh họa bằng sự di động của một điểm khi nó nhận 2 điểm cố định đó làm tiêu điểm, tạo ra một hình elip một cách sinh động, và trong không gian thì đó là mặt ellipsoid tròn xoay.
Nhiều người mơ ước được biết đời sống thủy cung. Những video về cuộc sống trong biển cả sẽ làm họ thỏa mãn, hơn nữa, sự thỏa mãn đó được thực hiện trong sự an toàn tuyệt đối.
Người ta sẽ đi du lịch tại chỗ, xem các ca phẫu thuật cơ thể trên màn hình, tìm hiểu một chiến sự ác liệt qua một băng hình do phóng viên chiến trường gửi về v.v... và v.v...
Liệu con người tiếp xúc với thế giới bên ngoài toàn bằng hình ảnh có mất đi trí tưởng tượng không, có làm cho con người mất khả năng tư duy trừu tượng không? Nhiều người lo nghĩ về điều này và lo lắng cho tương lai của thế hệ trẻ. Song, trên thực tế, hình như điều đó không xảy ra. Nghĩa là sự bi quan ấy mới chỉ là phòng xa. Tương lai luôn tốt đẹp hơn hiện tại, thế hệ con cháu sẽ văn minh hơn thế hệ ông bà.
Vấn đề là phụ thuộc vào nền giáo dục. Nếu giáo dục biết gắn những bài học với những bài toán xã hội, buộc lớp trẻ phải có được sự vận động trí tuệ để có được tư duy phản biện, tư duy hệ thống... thì không thể có tình trạng bi quan đáng buồn.
Naisbitt viết: "Reset your thinking and see the future" - thiết kế lại tư duy để nhìn thấy tương lai. Sự giáo điều sách vở, bắt trẻ em lệ thuộc vào tư duy người khác thì chỉ dẫn đến tai họa.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google