"Thế hệ truyền thống" của Việt Nam không "im lặng"

GS.TS Phạm Tất Dong
14:27 - 16/07/2024
Công dân & Khuyến học trên

Thế hệ Truyền thống sinh ra từ 1925-1945 còn được các nhà nghiên cứu nhân khẩu học phương Tây gọi là Thế hệ Im lặng hoặc Radio Babies, với nghĩa là thế hệ này sống trong giai đoạn bắt đầu dùng sóng không dây để giao tiếp và thông tin.

Thế hệ Truyền thống (Traditionally Generation)

Thế hệ Truyền thống trên thế giới

Đây là thế hệ sống trong Chiến tranh thế giới lần thứ II vô cùng tàn khốc, đồng thời, phong trào đấu tranh của nhiều dân tộc thuộc địa diễn ra quyết liệt.

Trên thế giới, rất nhiều người thuộc thế hệ này khi lớn lên bị đẩy vào cuộc chiến. Họ hi sinh nhiều trong chiến trận. 

Sau chiến tranh, cuộc sống khó khăn lại đổ lên đầu họ. Họ ít được học hành, đời sống tinh thần thấp kém và sự thụ hưởng vẫn rất hạn hẹp. Khi công cuộc phục hồi kinh tế sau chiến tranh có được một số kết quả nào đó thì đa số người trong thế hệ này đã đứng tuổi.

Thuật ngữ Silent Generation xuất hiện lần đầu trên tờ báo Time vào năm 1951. Tạp chí này cho rằng, sở dĩ gọi thế hệ Truyền thốngthế hệ Im lặng bởi đặc điểm đáng chú ý nhất của thế hệ này là "sự im lặng" của họ.

Nguyên văn nhận xét của tờ Time về thế hệ này là: "By comparison with the Flaming Youth of their Fathers and Mothers, today's younger generation is a still, small flame" (tạm dịch là: So sánh với tuổi trẻ rực lửa của cha mẹ họ, thế hệ này ngày nay chỉ là một ngọn lửa nhỏ".

Những người trẻ tuổi của nước Mỹ bị huy động vào cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), những người lính trẻ ở Nam - Bắc Triều Tiên và cả những Chí nguyện quân Trung Quốc đi giúp sức cho lực lượng quân đội Bắc Triều Tiên do Kim Nhật Thành lãnh đạo hầu như là người thuộc thế hệ truyền thống.

Theo Bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết, gần 40.000 lính Mỹ tử trận ở Triều Tiên, có số lính bị thương vào khoảng 100.000, 8176 người mất tích.

Trong Bách khoa Toàn thư Britannica, Hàn Quốc mất khoảng 220.000 quân và trên 1.000.000 người dân thiệt mạng.

Về phía Trung Quốc, có 92.000 quân tử trận. Còn quân đội Bắc Triều Tiên bị thiệt mạng là 290.000 người, bị bắt 90.000 người.

Những nước tham chiến giúp Nam Triều Tiên khác như Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Australia, Hi Lạp, Colombia, Thái Lan, Hà Lan, Philippines, Bỉ, New Zealand, Nam Phi, Luxembourg cũng chết 178.698 người, bị thương 566.434 người và mất tích 32.925 người.

Liên Xô giúp sức cho Bắc Triều Tiên cũng góp vào số lính thiệt mạng là 22 người.

Tuy là cuộc chiến mang tính cục bộ, nhưng lại là cuộc chiến đẫm máu, ác liệt, tính quốc tế hóa khá cao.

"Thế hệ truyền thống" của Việt Nam không "im lặng"- Ảnh 4.

Phi công cảm tử Nhật không kích tàu sân bay USS Bunker Hill năm 1945. Ảnh: Tư liệu

Về dân số, từ năm 1925 đến năm 1945, trên thế giới có trên 52.000.000 người thuộc thế hệ truyền thống. 

Những người đầu tiên của thế hệ này ra đời vào lúc cuộc Đại khủng hoảng thị trường chứng khoán phố Wall (Hoa Kỳ) bùng phát, và những người cuối cùng của thế hệ sinh ra vào năm 1945 - thời điểm mà 2 quả bom nguyên tử của Mỹ ném xuống thành phố Okinawa và Nagasaki (Nhật Bản).

Khi Đại chiến thế giới lần thứ II bùng nổ, người đầu tiên của thế hệ truyền thống mới có 14 tuổi. Cho nên, thế hệ này ít trực tiếp tham gia vào cuộc chiến, mà chỉ hứng chịu những tổn thất, mất mát của gia đình và đất nước trong chiến tranh. Cha ông họ thuộc thế hệ giữa chiến tranh và thế hệ vĩ đại nhất, đã hi sinh tính mạng nhiều nhất trong cuộc Đại chiến này.

Lúc còn ở tuổi thơ, tuổi nhi đồng và niên thiếu, nhiều người thuộc thế hệ truyền thống ở Mãn Châu đã bị chết bởi quân đội Nhật Bản tấn công xâm chiếm (1931), còn ở Abysinia (Ethiopia) thì nhiều trẻ em cũng bị thiệt mạng bởi chiến tranh Italia - Abysinia lần thứ 2 (1935). 

Trong nội chiến Tây Ban Nha (1936) cũng vậy, trẻ em cũng hứng chịu sự chết chóc. Riêng ở Nhật Bản, 2 quả bom nguyên tử do Mỹ thả xuống Okinawa và Nagasaki (1945) đã giết hại 214.000 người, trong đó chắc có rất nhiều người thuộc thế hệ Truyền thống.

Trên thế giới còn có nhiều sự kiện mà thế hệ Truyền thống phải gánh chịu như cuộc Khủng hoảng đỏ và chủ nghĩa McCarthy. Vào thời điểm sau 1945, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Joseph McCarthy thuộc Đảng Cộng Hòa Mỹ đứng đầu chủ nghĩa chống Cộng sản. Rất nhiều dân thường bị buộc tội, bị đuổi việc hoặc bị cầm tù. Không ít người thuộc thế hệ Truyền thống rơi vào cảnh đó.

"Thế hệ truyền thống" của Việt Nam không "im lặng"- Ảnh 5.

Martin Luther King tạo cảm hứng cho phong trào đấu tranh đòi quyền công dân trên khắp thế giới. Ảnh: AARP

Trong phong trào đòi quyền công dân ở Hoa Kỳ cũng vậy, nhiều người thuộc thế hệ này cũng bị tù tội. Hầu hết những nhà lãnh đạo phong trào đòi dân quyền là người thuộc thế hệ truyền thống, điển hình là Martin Luther King.

Tóm tắt một số sự thật về Traditionally Generation (Silent Generation) như sau:
1. Thế hệ truyền thống có số dân nhỏ nhất trong suốt 100 năm qua.
2. Ước tính, thế hệ truyền thống có 52,5 triệu người.
3. Thế hệ truyền thống có tỉ lệ thất nghiệp thấp.
4. Thế hệ truyền thống chịu ảnh hưởng hoàn toàn bởi thế hệ vĩ đại nhất trong nghệ thuật, thời trang và văn hóa nói chung.
5. Thế hệ truyền thống sống khiêm nhường và rất tiết kiệm.
6. Thế hệ truyền thống nêu cao tinh thần công dân.
7. Thế hệ truyền thống là một trong các nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất bởi đại dịch COVID-19.

Thế hệ truyền thống ở Việt Nam

Những người đầu tiên của thế hệ truyền thống ở Việt Nam khi còn ở độ tuổi thơ ấu đã phải sống trong hoàn cảnh đất nước nghèo đói bởi sự bóc lột của thực dân Pháp. Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933 làm trầm trọng thêm tình trạng này.

Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với một Cương lĩnh chính trị đúng đắn đã quy tụ được đông đảo cha anh của thế hệ này đi theo Đảng tham gia vào các hoạt động cách mạng. 

Tình hình mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp trở nên hết sức căng thẳng, và cuộc đấu tranh của nhân dân chống Pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng đã mang tính tự giác.

Phong trào quần chúng đấu tranh mở đầu bằng 3 cuộc bãi công của công nhân đồn điền cao su Phú Riềng, nhà máy sợi Nam Định, nhà máy Cưa và nhà máy Diêm Bến Thủy. Tiếp sau đó là cuộc đấu tranh đòi tăng lương và chống sưu thuế của công nhân Vinh.

Ngày 12/9/1930, nông dân Hưng Nguyên (Nghệ An) biểu tình, phá huyện đường, vây lính khố xanh và ủng hộ công nhân bãi công.

Tháng 10/1930 đã nổ ra cuộc nổi dậy Xô Viết Nghệ Tĩnh, lập chính quyền cách mạng đầu tiên theo mô hình Xô - Viết.

"Thế hệ truyền thống" của Việt Nam không "im lặng"- Ảnh 6.

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, người trực tiếp phụ trách Xứ ủy Trung Kỳ và lãnh đạo phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.; Những bài báo của Xứ ủy Trung Kỳ với nội dung cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh; Đội tự vệ đỏ ở Hòa Quân - Đông Sớ - Nghệ An trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Ảnh tư liệu

Sau phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh là phong trào Dân chủ 1936-1939, trong khi đó, chủ nghĩa phát xít thắng thế ở Tây Ban Nha, Đức, Italia và Nhật Bản. Nguy cơ chiến tranh thế giới xuất hiện. 

Trong những năm 1938-1939, các cuộc mít tinh, biểu tình liên tục diễn ra. Hội Cứu tế bình dân, Hội Truyền bá quốc ngữ là những hình thức tập hợp quần chúng của Đảng để mở rộng cuộc đấu tranh. 

Tháng 9/1939, Đại chiến thế giới lần thứ II bùng nổ. Lúc đó, thế hệ truyền thống đã có những người ở vào tuổi thiếu niên. Cha anh họ đã chuyển cuộc đấu tranh của phong trào Dân chủ thành phong trào đấu tranh chính trị. Số lượng đảng viên của Đảng tăng lên. 

Cuối năm 1941 và trong năm 1942, Cao Bằng là nơi thí điểm cuộc vận động xây dựng các hội cứu quốc; ở các châu Hòa An, Hà Quảng và Nguyên Bình, phong trào này mạnh nhất. Vào thời gian đó, Ủy ban Việt Minh lâm thời liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng được thành lập.

Sau cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn (11/1940), những đội du kích khu căn cứ Võ Nhai - Bắc Sơn được thành lập, hình thành lực lượng Cứu quốc quân và phát động chiến tranh du kích. 

Tháng 12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Tới thời điểm này, thế hệ Truyền thống đã có những người vào tuổi 20, họ tham gia vào các hoạt động, nhất là trở thành những du kích quân, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa.

Khi tình hình phát triển cuộc đấu tranh cách mạng trở nên sôi động thì phát xít Nhật đổ bộ vào Đông Dương (9/1940). Sang năm 1941, quân Nhật ồ ạt vào miền Nam Việt Nam để chuẩn bị thôn tính Indonesia. Dân Việt Nam thêm một cái ách nô lệ lên cổ mình. 

Phát xít Nhật đã triệt để thu gom lương thực để phục vụ chiến tranh. Nạn đói ở Việt Nam xảy ra từ cuối 1944; tới năm 1945, đã có trên 2.000.000 người Việt chết đói. Cùng lúc, các bệnh tật cùng tràn lan khắp nơi.

Dân nghèo vùng lên, phá kho thóc, đánh Pháp đuổi Nhật. Những thanh niên thế hệ truyền thống là một lực lượng không nhỏ trong phong trào này.

Tháng 9/1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã nổ ra và thành công; 2/9/1945, Việt Nam tuyên bố Độc lập. Năm 1945 đánh dấu một cột mốc son lịch sử, chấm dứt 80 năm nô lệ. Chính quyền đã về tay nhân dân.

Năm 1945, những em bé cuối cùng của Thế hệ Truyền thống ra đời. Lứa trẻ này hoàn toàn là công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong thư gửi học sinh cả nước nhân ngày khai trường đầu tiên của một quốc gia hoàn toàn Độc lập (5/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn (Thế hệ Truyền thống) rằng: "Trước đây cha anh các em, và mới năm ngoái cả các em nữa, đã phải chịu nhận một nền học vấn nô lệ, nghĩa là nó chỉ đào tạo nên những kẻ làm tay sai, làm tôi tớ cho một bọn thực dân người Pháp. Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em.

… Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần ở công học tập của các em".

Nhận xét về Thế hệ Truyền thống ở Việt Nam

1. Thế hệ truyền thống gồm những người sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong các cuộc chiến tranh ác liệt, dữ dội: Chiến tranh du kích, giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ, kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Những nhân vật anh hùng hi sinh trong chiến đấu chống kẻ thù có Mạc Thị Bưởi (sinh năm 1927) thuộc lớp đầu tiên của thế hệ, 3 cô gái Đồng Lộc Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Nguyễn Thị Nhỏ thuộc lớp cuối cùng của thế hệ (cùng sinh năm 1944) đã hi sinh anh dũng, để lại niềm thương tiếc lớn lao trong đồng bào cả nước.

Những trai tráng của thế hệ này hi sinh nhiều nhất trên các chiến trường, thể hiện lòng dũng cảm tuyệt vời, sự trung thành tuyệt đối với dân, với Đảng, với lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

"Thế hệ truyền thống" của Việt Nam không "im lặng"- Ảnh 8.

Thế hệ Truyền thống ở Việt Nam có nhiều người đã học hành thành đạt ngay trong thời kỳ chiến tranh, dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Ảnh: Tư liệu

Xin nêu lên những tấm gương hi sinh tiêu biểu của các liệt sĩ ở bảng dưới đây.

Bảng: Một số anh hùng, liệt sĩ của Thế hệ Truyền thống

Thế hệ Truyền thống ở Việt Nam (1925-1945)

Năm sinh

Tên nhân vật

1927

Mạc Thị Bưởi

1929

Kim Đồng (Nông Văn Dền)

1930

Cù Chính Lan, Nguyễn Thị Chiên

1931

Nguyễn Thị Út (Út Tịch), Trần Văn Ơn, Bế Văn Đàn

1932

La Văn Cầu

1934

Vừ A Dính, Nguyễn Viết Xuân

1935

Võ Thị Sáu

1940

Nguyễn Văn Trỗi

1944

Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Nguyễn Thị Nhỏ (các cô gái Đồng Lộc)

2. Rất đông người thuộc Thế hệ Truyền thống đã học hành thành đạt ngay trong thời kỳ chiến tranh, và một số đã có học vấn cao khi được gửi đi học tập tại các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là học ở Liên Xô, Cộng hòa Dân chủ Đức, Trung Quốc, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungarie, Triều Tiên, Cu Ba…

Đây là một thế hệ nêu cao tinh thần hiếu học, có động cơ học tập đúng đắn, có ý thức phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân rất cao. Khi trưởng thành, họ là lực lượng nòng cốt ở các cơ quan nghiên cứu khoa học, các trường đại học, các nhà máy, xí nghiệp. Rất đông trong số này đã ở nhiều cương vị lãnh đạo các cơ quan Chính quyền và Đảng.

Có lẽ, những giáo sư (không kể phó giáo sư) thuộc thế hệ này chiếm tỷ lệ rất cao trong dân số của thế hệ. Từ năm 1980 đến năm 2003, có 9 đợt phong chức danh khoa học, kết quả có 1094 người được phong giáo sư, trong đó số người thuộc thế hệ truyền thống có 822 người.

3. Khác với Thế hệ Im lặng ở nhiều nước phương Tây, Thế hệ Truyền thống ở Việt Nam không có đặc trưng "im lặng", mà ngược lại họ là những con người sôi động, nhiệt huyết và dấn thân vào các phong trào cách mạng do Đảng khởi xướng. Hành trình nói chung của thế hệ này đã qua giai đoạn chuẩn bị cướp chính quyền, tổng khởi nghĩa, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược. 

Họ còn là lực lượng nòng cốt trong nhiều cuộc vận động đổi mới toàn diện đất nước. Đây là thế hệ chuyển giao giữa chế độ đô hộ của thực dân với chế độ cách mạng dân chủ nhân dân. 

Thế hệ này trưởng thành trong cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa.

4. Thế hệ Truyền thống là một lớp người đã hết tuổi lao động và hầu như đến nay không còn có ai hoạt động trong các cơ quan Nhà nước và Đảng. Người trẻ nhất của thế hệ này đến năm 2025 sẽ tròn 80 tuổi. 

Những người còn sống nếu có hoạt động cũng chỉ tham gia các tổ chức xã hội, các hoạt động từ thiện, nhân đạo hoặc văn hóa quần chúng. Tuy nhiều người đã từng có quyền cao, chức trọng trong xã hội, nhưng họ không dính vào những vụ tham nhũng, bê bối như một số người thuộc thế hệ sau. 

Thế hệ Truyền thống ở Việt Nam là thế hệ trong sạch.

Bình luận của bạn

Bình luận