Thế hệ nhân loại dưới góc nhìn giáo dục hiện đại

GS.TS Phạm Tất Dong
15:51 - 19/06/2024
Công dân & Khuyến học trên

Thế hệ những người đã mất - là khái niệm thế giới gọi những thanh thiếu niên khi Đại chiến thế giới lần thứ nhất bùng nổ. Tại sao thế hệ này luôn mang lại nhiều cảm xúc nuối tiếc cho nhân loại?

Thế hệ nhân loại dưới góc nhìn giáo dục hiện đại- Ảnh 1.

Gia đình Việt Nam hiện đại. Ảnh: Page Hội An ngày mới

Những thế hệ người có mặt trong giai đoạn 1900-2025

Định nghĩa khái niệm "Thế hệ"

Thuật ngữ "thế hệ" được dùng với một nội hàm khá rộng rãi, tùy vào từng ngữ cảnh để dùng thuật ngữ này theo các cách khác nhau. 

Khi xem xét các lớp người trong một gia đình (cộng đồng huyết thống), thường phân loại như sau:

- Gia đình 2 thế hệ (gia đình hạt nhân) bao gồm cha mẹ và con cái

- Gia đình 3 thế hệ (gia đình truyền thống) bao gồm ông bà, cha mẹ, con cái. Đây là loại hình gia đình "tam đại đồng đường" 3 thế hệ, 3 đời người chung sống.

- Gia đình 4 thế hệ (tứ đại đồng đường) bao gồm ông bà, cha mẹ, con và cháu.

Xét cộng đồng người ở quy mô lớn, chẳng hạn ở quy mô quốc gia, thường phân loại các thế hệ theo sự kiện lịch sử. 

Ví dụ, ở Việt Nam, từ góc nhìn lịch sử cách mạng xã hội chủ nghĩa, ta hay nói đến thế hệ trước Cách mạng tháng Tám, thế hệ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thế hệ kiến thiết đất nước sau chiến tranh, thế hệ chống Mỹ cứu nước, thống nhất đất nước.

Từ điển Oxford thì định nghĩa "Thế hệ" theo cách phân định khoảng cách thời gian (Generation Gap): Mỗi thế hệ cách nhau từ 20-30 năm và là thời gian trung bình để trẻ em lớn lên thành người trưởng thành. Tiêu chí phân loại thế hệ chủ yếu dựa vào sự khác biệt về thái độ (Attitude) giữa những người ở thế hệ khác nhau. Thái độ bao gồm sự suy nghĩ và cách nhìn về một sự vật hoặc về một người nào đó.

Tuy nhiên, những yếu tố nào đã ảnh hưởng đến một lớp người để họ có một thái độ tương đồng với nhau là một vấn đề phải nghiên cứu thêm.

Thế hệ nhân loại dưới góc nhìn giáo dục hiện đại- Ảnh 2.

Gia đình vợ chồng và 2 con là hình mẫu tiêu chuẩn của nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: unsplash

Cách phân định các thế hệ theo biến cố lịch sử và phát triển văn hóa

Gần đây vài chục năm, một số nhà nhân khẩu học (Demographic) và Xã hội học (Sociology) đã công bố một số công trình về những thế hệ người trong thế kỷ 20 và những thế hệ đầu tiên trong thế kỷ 21.

Trong tác phẩm Generations - viết tắt là Gen (1991), William Strauss và Neil Howe đưa ra việc nghiên cứu dân tộc Anglo – American trong vòng 500 năm. Các tác giả nhận thấy, theo các khúc quanh của văn hoá xã hội mà diễn ra chu kỳ thay đổi thế hệ. Mỗi chu kỳ được các ông gọi là saeculum với độ dài khoảng 90 năm. Trong mỗi saeculum có 4 thế hệ nối tiếp nhau, nghĩa là khoảng trên dưới 22 năm sẽ có một thế hệ mới.

Hiện nay, trên các mạng xã hội, ta bắt gặp các thuật ngữ như thế hệ X, thế hệ Y, thế hệ Z... Đây là kết quả nghiên cứu các thế hệ theo văn hoá phương Tây. Tuy nhiên, tuy có một số khác biệt về đặc điểm của những thế hệ văn hoá phương Tây với những thế hệ cùng thời ở các vùng khác trên thế giới, nhưng càng về cuối thế kỷ 20 trở lại đây, những nét tương đồng giữa các nhóm thế hệ này càng rõ hơn, do đó, trong bài viết này, chúng tôi đi sâu vào giới thiệu các thế hệ theo biến cố lịch sử và phát triển văn hóa mà các nhà nghiên cứu phương Tây đề xuất.

Theo các nhà nghiên cứu này, từ thế kỷ 20 đến nay, trên thế giới đã có mặt những thế hệ sau:

Bảng 1. Các thế hệ có trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21

T.T

Thế hệ (Generation)

Giai đoạn sinh thành

1

Thế hệ Alpha (Gen A)

2013 – 2027

2

Thế hệ Z (Gen Z)

1997 – 2012

3

Thế hệ Y (Gen Y)

1981 – 1996

4

Thế hệ X (Gen X)

1965 – 1980

5

Thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh

1946 – 1964

6

Thế hệ Im lặng

1925 – 1945

7

Thế hệ vĩ đại nhất

1910 – 1924

8

Thế hệ giữa chiến tranh

1901 – 1909

9

Thế hệ đã mất

1890 - 1900

Trong bảng 1, ta thấy có 9 thế hệ nối tiếp nhau, tính từ thế hệ đã mất đến thế hệ Alpha.

Trong thế hệ những người đã mất, người trẻ nhất sinh năm 1900, đó là những người cuối cùng của thế hệ này. Tính đến năm nay (2024), chắc chắn không còn người nào thuộc Thế hệ này còn đang sống. Đây là thế hệ những người sống qua 2 thế kỷ 19-20.

Giống như Thế hệ những người đã mất, người đầu tiên của Thế hệ Z xuất hiện ở những năm cuối thế kỷ 20 và người cuối cùng xuất hiện ở đầu thập niên thứ 2 của thế kỷ 21. Thế hệ này đóng góp cho xã hội lực lượng lao động hoàn toàn cho những công việc trong nền kinh tế tri thức dưới tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thế hệ Alpha là thế hệ đầu tiên được sinh ra hoàn toàn trong thế kỷ 21. Hầu hết thành viên của thế hệ Alpha có cha mẹ thuộc thế hệ Y.

Việc phân định thành những thế hệ khác nhau theo quan điểm của các nhà nhân khẩu học và xã hội học để có bảng 1 trên đây đã dựa vào 6 dấu hiệu rất cơ bản trong đời sống xã hội. Đó là: Sự kiện lịch sử, cách tiếp cận thông tin, các phương tiện giao tiếp, các quan hệ xã hội, nền giáo dục và trình độ tư duy. Cách phân định đó được cụ thể hoá ở bảng tổng hợp dưới đây (xin chỉ đi vào 4 thế hệ gần đây nhất):

Bảng 2. Sự phân định các thế hệ theo 6 dấu hiệu cơ bản

Thế hệ

Gen X

Gen Y

Gen Z

Gen Alpha

Thời gian

1965-1980

1981-1996

1997-2012

2013-2027

Sự kiện lịch sử

Bùng nổ dân số sau thế chiến II

Chiến tranh lạnh

Sự sụp đổ bức tường Berlin

Sự sụp đổ của Liên Xô

Sự phát triển Internet

Sự phát triển công nghệ

Sự hình thành mạng xã hội

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008

Sự phát triển trí tuệ nhân tạo

Công nghệ thực tế ảo

Đại dịch COVID-19

Cách tiếp cận thông tin

Thông tin truyền thống (TV, báo giấy)

Internet

Truyền thông số

Truyền thông số

Nền tảng trực tuyến

Truyền thông số

Trí tuệ nhân tạo

Phương tiện giao tiếp

Điện thoại cố định

Thư từ viết tay

Email

Tin nhắn văn bản

Tin nhắn, video call, mạng xã hội

Ứng dụng nhắn tin

Trí tuệ nhân tạo

Quan hệ xã hội

Làm việc với sự ổn định

Tận hưởng thành quả cá nhân

Đa dạng công việc có ý nghĩa

Sống cân bằng

Thể hiện cá tính

Quan tâm đến cộng đồng

Hành động tích cực

Môi trường đa văn hoá

Quan tâm đến tương lai

Kỹ năng số

Giáo dục

Giáo dục truyền thống

Hướng nghiệp truyền thống

Học vấn đại học

Học trực tuyến

Tự học

Học trực tuyến

Học theo yêu cầu

Trải nghiệm thực tế

Học trực tuyến

Trải nghiệm tương tác

Trí tuệ nhân tạo

Tư duy

Tư duy đóng, tập trung vào công việc, sự riêng tư

Đa nhiệm

Linh hoạt

Sáng tạo

Đa nhiệm

Súc tích

Tự học

Đa nhiệm

Sử dụng công nghệ, tư duy sáng tạo

Tò mò về thế giới

Thế hệ những người đã mất (1890-1900)

Thế hệ những người đã mất dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu phương Tây

Những người đã mất còn được các nhà nhân khẩu học phương Tây gọi là Thế hệ lạc lõng (Lost Generation). Những người đầu tiên của thế hệ này bước vào thế kỷ 20 mới 10 tuổi, và người trẻ nhất sinh vào năm cuối cùng của thế kỷ 21.

Thế hệ nhân loại dưới góc nhìn giáo dục hiện đại- Ảnh 4.

Trong Thế chiến thứ nhất, 3 vạn thanh niên được huy động vào lực lượng Hải quân Anh đợt đầu. Các thủy thủ lên tàu của ở Portsmouth thuộc lực lượng Dự bị Hải quân Hoàng gia Anh (RNR). Ảnh: Tư liệu

Tại sao những con người trưởng thành trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (World War I hay Great War) lại được gọi là thế hệ lạc lõng?

Đây là nhóm người chết nhiều nhất trong thế chiến, khá đông số còn lại bị thương tật. Những người sống sót trở về mất đi nhiều cơ hội phát triển, do đó họ hoang mang, chán nản.

Thuật ngữ Lost Generation được phổ biến rộng rãi bởi nhà văn người Mỹ nổi tiếng, một cựu quân nhân trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất – ông Ernet Hemingway. Trong tác phẩm đầu tay của mình "The Sun also Rises, 1926" (Mặt trời vẫn mọc), ông khắc họa hình ảnh thế hệ đã mất một cách sinh động và trần trụi. Họ bị chiến tranh làm mất hết, có chăng còn lại là những vết thương trên cơ thể và trong tâm lý hằn sâu nỗi bi thương, do đó, họ cảm thấy mất phương hướng và lạc lõng. 

Ernet Hemingway đặt cho họ cái tên "Lost Generation". Song, nguồn gốc của thuật ngữ này không được làm rõ cho đến khi Hemingway qua đời. Sự sáng tỏ gốc gác của thuật ngữ Lost Generation liên quan đến nữ văn sĩ người Mỹ sống tại Pháp, tên là Gertrude Stein. 

Một lần, chiếc xe của Stein phải sửa chữa và người chủ gara đã bảo dưỡng chiếc xe này. Một anh thợ trẻ theo lệnh của chủ gara đã chui vào gầm xe một cách chậm chạp, uể oải. Chủ gara liền quát: "You are all a generation perdu" (Các cậu đúng là thế hệ đã mất). Thuật ngữ "Perdu Generation" được Stein chuyển thành sang tiếng Anh Lost Generation.

Trên thực tế, những chàng trai lứa tuổi 18-25 của thế hệ đã mất đáng ra sẽ là người được khai sáng của nền giáo dục, song rất tiếc, chiến tranh đã lôi cuốn họ vào cuộc chiến. Sau chiến tranh, họ mất hết bạn bè, người thân và cuộc sống lay lắt. Trong khi đó, người trẻ thuộc giới quý tộc thì lại ăn chơi xa hoa, lãng phí, bỏ quên luôn những người lính đã tốn xương máu trên chiến trường.

Như trên đã nói, thế hệ những người đã mất được mô tả dưới góc nhìn của Ernet Hemingway, và sau đó của Gertrude Stein, Scott Fitgerald, TS. Eliot… (những nhà văn Mỹ sống xa quê hương) và chính họ là những cái tên nổi bật của thế hệ này. Họ là thế hệ vào độ tuổi thanh thiếu niên tham gia miễn cưỡng vào Đại chiến thế giới I. 

Cuộc chiến tranh mở đầu vào ngày 28/7/1914. Vào đúng 11 giờ giờ Paris ngày 11/11/1918, nó được tuyên bố kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, khép lại một trong những cuộc chiến quy mô lớn nhất, với tính chất tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại. Cuộc chiến làm thiệt mạng 18.600.000 người và làm bị thương 60.000.000 người, kể cả binh sĩ và dân thường. Ngoài ra, còn có trên 3.000.000 phụ nữ bị goá bụa, 6.000.000 trẻ em mồ côi cha mẹ, hơn 10.000.000 phải đi tị nạn ở nước khác, chưa kể số người mất tích.

Ngoài số người thương vong, nhiều thành phố ở châu Âu bị tàn phá nặng nề; cầu cống, đường xá, làng mạc tan tành. Số thiệt hại về vật chất lên tới 338 tỉ USD, còn tiền chi phí trực tiếp cho cuộc chiến tranh khoảng 85 tỉ USD.

Về mặt lý thuyết, đây là cuộc cạnh tranh giữa hai khối quân sự kình địch nhau gồm Khối liên minh trung tâm Đức – Áo – Hungary và Khối hiệp ước Anh – Pháp – Nga, song thực chất đã có 70 quốc gia tham dự cuộc chiến, trong đó có 38 quốc gia tham chiến trực tiếp. Thoạt đầu có trên 20.000.000 người được huy động vào chiến đấu trực tiếp, về sau, con số đã lên tới 70.000.000 người.

Nhiều người sống sót sau Chiến tranh thế giới lần thứ I đã sống chật vật vì không kiếm được việc làm, bệnh tật, vô gia cư. Họ vất vưởng sống, không định hướng được lối thoát, không nhìn ra tương lai của mình. 

Cái tên thế hệ lạc lõng được gán cho họ là vì thế.

Thế hệ những người đã mất ở Việt Nam trong thập niên cuối cùng của thế kỷ 21

Nếu theo cách phân định các thế hệ của các nhà nhân khẩu học và xã hội học phương Tây, thế hệ này có lớp người đầu tiên được sinh ra vào năm 1890 và lớp người cuối cùng của thế hệ ra đời vào năm 1900. Như vậy, những người đầu tiên của thế hệ này bước vào thế kỷ 20 vào năm 11 tuổi, còn những người cuối cùng được tính là 1 tuổi.

Như trên đã nói, ở nhiều nước phương Tây, thế hệ những người đã mất đã chết nhiều trong Đại chiến thế giới lần thứ I, số sống sót thì hoặc thương tật, hoặc ít được học hành, hoặc gia đình tan nát, hầu hết không kiếm được việc làm mà trở nên lạc lõng sau chiến tranh.

Xét về thế hệ này ở Việt Nam, ta thấy họ là những người trưởng thành trong một điều kiến xã hội rất khác với nhiều nước phương Tây, tuy Đại chiến thế giới I cũng có những ảnh hưởng nhất định tới đất nước.

Khi Đại chiến thế giới I bùng nổ, thực dân Pháp đã đưa 50.000 nông dân Việt Nam sang châu Âu, phục vụ trong quân đội, 50.000 nông dân khác làm việc trong các xí nghiệp của nước Pháp. Tuy không có số liệu thống kê, nhưng trên thực tế, đông đảo những nông dân này đã không về nhà khi cuộc chiến kết thúc. Ngoài việc bắt lính, bắt phu như thế, thực dân Pháp còn chuyển 367.000.000 Franc từ Đông Dương để phục vụ những nhu cầu của chiến tranh.

Một số người Việt trong số 100.000 người bị huy động sang Pháp còn sống sót đã có dịp làm quen với ý tưởng xã hội chủ nghĩa thời đó. Vào những năm sau Đại chiến thế giới I, Hồ Chí Minh đã gặp gỡ và vận động người Việt sống ở Pháp tham gia các hoạt động tìm kiếm cách thức cứu quốc gia và gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Cụ Tôn Đức Thắng trong những năm chiến tranh là người phục vụ trên một tàu chiến Pháp, và chính cụ là người gia nhập lực lượng cách mạng châu Âu.

Trong giai đoạn 1890-1900 và tiếp sau đó một thập niên, ở Việt Nam có rất nhiều sự kiện xảy ra. Tất cả những người thuộc thế hệ những người đã mất đã trưởng thành, chứng kiến và tham gia giải quyết những sự kiện đó.

Vào năm 1886, Chính phủ Bảo hộ Pháp mà Paul Bert là người đại diện đã tách Bắc Bộ ra khỏi sự kiểm soát của triều đình Huế. Ngày 19/7/1888, Tổng thống Pháp ký sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội và Hải Phòng.

Để bù đắp những tổn thất do Đại chiến thế giới I gây ra cho Pháp, Chính phủ Bảo hộ Pháp đã có chính sách ruộng đất rất khắc nghiệt. Việc tiến hành cướp ruộng đất diễn ra trắng trợn. Trước năm 1902, Thực dân Pháp đã tịch thu 182.000ha đất để lập các đồn điền trồng lúa, cao su, cà phê. Chúng dung túng bọn địa chủ Việt Nam ở nông thôn dùng mọi thủ đoạn cướp đất của nông dân. Cùng lúc, giới công thương đã mua đất làm đồn điền. Rất nhiều nhà thờ đều sở hữu hàng trăm đến hàng ngàn ha đất đai. Địa chủ nông thôn, địa chủ công thương, địa chủ nhà thờ, địa chủ người Pháp phát canh thu đô, bóc lột sức lao động nông dân một cách thậm tệ.

Thực dân Pháp cũng khai thác triệt để nguồn lao động rẻ mạt vào các hầm mỏ khai thác đá, than, kẽm, thiếc. Việc xây dựng những cơ sở sản xuất công nghiệp làm hàng loạt ngành nghề thủ công truyền thống của Việt Nam bị phá sản. Một số nghề được Pháp chú ý mở ra. Song, toàn bộ các sản phẩm khoáng sản, thủ công nghiệp và công nghiệp đều được vơ vét đem về Pháp.

Ngành thương nghiệp nội địa cũng đình đốn. Pháp đánh thuế quá nặng hàng nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam, trong khi đó, hàng hoá Pháp nhập vào được miễn thuế.

Về giáo dục, Nho học ở Việt Nam khi đó đã cực kỳ lạc hậu, còn giáo dục theo hướng Tân học thì thực dân Pháp hạn chế tối đa theo chính sách "ngu dân".

Việc khai thác có tính vơ vét của thực dân Pháp ở Việt Nam đã làm cho tài nguyên đất nước bị hao tổn, nông dân và thợ thuyền bị bóc lột thậm tệ, nạn mù chữ hết sức nặng nề… 

Tình trạng này đã làm cho người dân đất Việt tìm mọi cách để thoát khỏi những gông xiềng của thực dân Pháp và bọn phong kiến triều Nguyễn.

Bảng 3. Một số nhân vật tiêu biểu của Thế hệ những người đã mất ở Việt Nam

Năm sinh

Tên nhân vật

1890

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lê Thước

Hồ Đắc Di

Cao Xuân Huy

1893

Ngô Tất Tố

Phan Phát Sanh

1894

Võ Văn Tần

Nguyễn Sơn Hà

1895

Phạm Hồng Thái

Trần Tuấn Khải

1896

Hồ Tùng Mậu

Hoàng Ngọc Phách

1898

Dương Quảng Hàm

Trần Văn Giáp

1899

Lê Hồng Sơn

1900

Tôn Quang Phiệt

Hồ Đắc Di

Nguyễn An Ninh

Cao Xuân Huy

Hoàng Đạo Thuý

Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu)

Những người đầu tiên thuộc thế hệ những người đã mất ở Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lê Thước, Hồ Đắc Di và Cao Xuân Huy… Đây cũng là những nhân vật có sự đóng góp lớn lao cho Cách mạng xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Khi còn ở tuổi ấu thơ đến tuổi nhi đồng, thế hệ này đã được sống trong không khí đấu tranh sôi động của Phong trào Cần Vương (1885-1896) do đại thần của Triều Nguyễn – ông Tôn Thất Thuyết – đề xướng trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Tôn Thất Thuyết là Thượng thư Bộ Binh, đứng đầu phe chủ chiến chống Pháp. Để thực hiện chủ trương của mình, ông phế truất vua Phúc Kiến (năm 1884) do vị vua này có tư tưởng thân Pháp, và đưa Ưng Lịch (lúc đó mới 14 tuổi) lên ngôi, lấy hiệu là Hàm Nghi.

Ngay trong năm 1884, khi hàng nghìn lính Pháp kéo vào lập đồn Mang Cá ở Huế, Tôn Thất Thuyết đã tổ chức một cuộc phản công nhưng thất bại. Quân Pháp chiếm thành Huế, sát hại hàng ngàn dân, cướp bóc, vơ vét vàng bạc, châu báu và tiền của. Chí ít bọn Pháp đã đưa về chính quốc phần vàng bạc chiếm được ở Huế gồm 1398 lạng vàng, 703.400 lạng bạc, 91.424 thỏi bạc đỉnh 10 lạng, 78.960 thỏi bạc đỉnh 1 lạng…

Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi chạy về Quảng Trị, sau đó sang Lào. Vua Hàm Nghi có 2 lần ban Chiếu Cần Vương, kêu gọi các lực lượng yêu nước đứng lên chống Pháp. Nhiều sĩ phu văn thân đã hưởng ứng, nổi dậy. Phong trào Cần Vương chỉ với danh nghĩa vua Hàm Nghi đứng ra tổ chức, song vắng bóng quân đội triều đình. Đến tháng 11/1888, vua Hàm Nghi bị bắt, nhưng phong trào Cần Vương do các sĩ phu yêu nước kéo dài đến khi khởi nghĩa Hương Khê thất bại (1896).

Khi những lớp đầu tiên của thế hệ những người đã mất ở vào lứa tuổi thanh thiếu niên thì họ chịu nhiều ảnh hưởng của phong trào Đông Du (1905-1909). Phong trào Đông Du là một phong trào cách mạng ở Việt Nam có mục đích kêu gọi thanh niên ra nước ngoài (Nhật Bản) học tập, chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ cho việc giành lại độc lập nước nhà. Lực lượng nòng cốt cổ động và thực hiện phong trào là Duy Tân hội mà Phan Bội Châu là người khởi xướng.

Phan Bội Châu (1867-1940) là một danh sĩ và là một nhà cách mạng. Ông cùng Cường Để (Cháu 5 đời của Hoàng tử Nguyễn Cảnh – con trai vua Gia Long) tập hợp được trên 20 người để lập ra Duy Tân Hội.

Những nhân vật chủ chốt của Duy Tân Hội là Phan Bội Châu, Cường Để, Nguyễn Hàm, Trình Hiền, Lê Võ Đặng Tử Kính, Đặng Thái Thân…

Phong trào Đông Du lan rộng ra khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam ở nước ta. Hơn 200 thanh niên Việt Nam đã sang học tập tại Nhật Bản.

Trong nước có phong trào chống sưu thuế ở Trung kỳ. Thực dân Pháp đàn áp và bắt nhiều hội viên của Duy Tân hội (3/1908). Trong khi đó, ở Nam Kỳ, Triều Chánh Biểu viết nhiều bài có tư tưởng chống Pháp. Nhiều người cùng hoạt động với Trần Chánh Biểu đã bị thực dân Pháp bí mật khủng bố.

Ở Nam Kỳ, trước việc dân chúng quyên góp tiền cho hoạt động của Duy Tân hội và để cho con em học ở Nhật Bản. Phong trào này cũng nhanh chóng bị đàn áp.

Tháng 9/1908, Pháp đã ký với Nhật một hiệp ước, cho Nhật vào Việt Nam buôn bán, đổi lại, Nhật cho trục xuất các du học sinh và tất cả hội viên của Duy Tân hội ra khỏi Nhật. Phong trào Đông Du tan rã từ đây.

Thế hệ nhân loại dưới góc nhìn giáo dục hiện đại- Ảnh 5.

Một lớp học của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Ảnh: Tư liệu

Tiếp theo phong trào Duy Tân là phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (3/1907-11/1907). Đây thực chất là một cuộc cách mạng về giáo dục, mở trường học tư nhằm mục đích "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh", thông qua khai trí cho nhân dân, chủ yếu là những thanh niên, giúp họ giác ngộ cách mạng để xoá bỏ nền giáo dục Nho học hủ hậu và nền giáo dục phản động của thực dân Pháp. 

Phan Chu Trinh (1872-1926) là người chủ xướng của phong trào này. Những sáng lập viên chủ chốt của Đông Kinh Nghĩa Thục là Lương Văn Can, Đỗ Đức Anh, Đào Nguyên Phổ, Phan Tuấn Phong, Đặng Kinh Luân, Dương Bá Trạc, Lê Đại, Vũ Hoành, Phan Đình Đối, Phan Huy Thịnh, Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Tăng Bí.

Ngoài việc mở trường học, các nhà hoạt động còn chú ý tổ chức các cuộc vận động sau:

- Tổ chức diễn thuyết ở khắp nơi để đả phá tư tưởng thân Pháp, đả kích phong tục cổ hủ, đề cao dân quyền, xây dựng phong trào truyền bá tân học.

- Lập các hội buôn, các nhà hàng không chỉ để thông thương hàng nội hoá, mà còn để bán sách tân thư.

- Tạo ra phong trào đổi mới đời sống theo phong cách văn minh, trước hết là phong trào cắt các búi tóc của đàn ông, mặc quần áo ngắn gọn, v.v…

Nhà trường của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đã tổ chức 2 loại sách dùng cho người học: sách giáo khoa và sách tham khảo.

Các thầy giáo ở Đông Kinh Nghĩa Thục đã soạn các sách giáo khoa; in và dùng công khai như cuốn Quốc dân tộc bản với nội dung giáo dục công dân, cuốn Nam quốc vĩ nhân truyện, giới thiệu các danh nhân Việt Nam, cuốn Nam quốc địa dư chí nói về địa lí nước nhà. Ngoài ra còn có sách Bài ca địa dư và lịch sử nước nhà dưới hình thức diễn ca để phổ thông tri thức.

Về khoa học tự nhiên, nhà trường có nhiều sách như Toán pháp tu tri (Sách Toán), Cách trí tu tri (Sách khoa học thường thức), Bác vật tân biên (Sách tổng hợp), Nông chính toàn thư (Sách dạy trồng trọt), Quản khuy trắc lệ (Sách thiên văn).

Về sách tham khảo, Đông Kinh Nghĩa Thục đã truyền bá những tư tưởng mới mẻ của Jean Jacques Rousseau, Voltaire (bút danh của nhà văn và triết gia Pháp (Francois – Marie Arouet), Montesquieu (Charles – Louis de Secondat – Luật sư, nhà xã hội học, triết học người Pháp), Charles Darwin (Nhà tự nhiên học, địa chất học, sinh học người Anh). Một số trước tác của Karl Marx, X.I Lenin cũng được dịch từ tiếng Trung Quốc sang tiếng Việt để học viên dùng. Một số tiểu thuyết hay với những tư tưởng mới của Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản cũng được dịch sang tiếng Việt để học viên đọc thêm. Những sách của các chí sĩ duy tân người Trung Quốc như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu… được Đông Kinh Nghĩa Thục rất coi trọng.

Thế hệ những người đã mất ở Việt Nam lớn lên trong xã hội với những cuộc nổi dậy liên tiếp của nông dân chống thực dân Pháp để giành lại quyền sống. Những cuộc đấu tranh đó đẫm máu và thất bại, song không bị chìm đắm trong khủng bố và giết chóc của bọn thực dân, mà tinh thần chiến đấu ấy đã được thế hệ những người đã mất tiếp thu, nung nấu thêm, sâu đậm thêm trong ý thức giải phóng dân tộc của họ. Thêm vào đó, những tư tưởng mới về tự do, dân chủ, bình đẳng, bác ái từ ngoài vào đã làm thế hệ này giác ngộ thêm.

Những người đã mất trở thành những thanh thiếu niên khi Đại chiến thế giới lần thứ nhất bùng nổ. Cùng lúc đó có rất nhiều sự kiện của phong trào cộng sản ở Nga, Pháp, Trung Quốc… 

Họ đã trải qua những biến cố lớn lao và nhiều người của thế hệ này đã trở thành những chiến sĩ cộng sản kiên cường. Tiêu biểu của thế hệ này là Hồ Chí Minh - người đã lãnh đạo thành công Cuộc Cách mạng Tháng Tám (1945) vĩ đại.

Bình luận của bạn

Bình luận