Thế hệ "Bùng nổ trẻ sơ sinh" và sự phân chia lại trật tự thế giới

GS.TS Phạm Tất Dong
06:00 - 18/07/2024
Công dân & Khuyến học trên

Những người thuộc thế hệ "Bùng nổ trẻ sơ sinh" biết tạo dựng những cái mới từ những thứ nhỏ nhặt. Họ là lực lượng xây dựng cuộc sống sung túc từ những hoang tàn do chiến tranh gây nên.

Thế hệ "Bùng nổ trẻ sơ sinh" trên thế giới

Thế hệ Bùng nổ trẻ sơ sinh (Baby Boomer) là nhóm nhân khẩu được sinh ra trong giai đoạn 1946-1964, tức là giai đoạn sau Đại chiến thế giới lần thứ II, khi trên thế giới có sự gia tăng nhanh chóng số lượng trẻ sơ sinh, góp phần vào sự gia tăng dân số, tạo nên sự bùng nổ dân số. 

Theo tờ New York Post, năm 1950, dân số Hoa Kỳ tăng 2.357.009 người. Năm 1963, khi lớp người đầu tiên của Thế hệ Bùng nổ trẻ sơ sinh ở quốc gia này đạt tuổi nhập học các trường đại học, báo Daily Press có bài đăng nói về sự gia tăng quá lớn số lượng tuyển sinh năm học 1963-1964. 

Thế hệ "Bùng nổ trẻ sơ sinh" và sự phân chia lại trật tự thế giới- Ảnh 5.

Thế hệ trẻ sơ sinh hiện tại của nước Mỹ và ông bà ngoại của họ. Ảnh: Free/photos

Thuật ngữ Baby Boomer Generation đã được dùng trong một bài báo của tờ Washington Post ngày 23/1/1970, đồng thời, từ điển tiếng Anh Oxford đã ghi nhận thuật ngữ này.

Thế hệ Bùng nổ trẻ sơ sinh ở Mỹ được phân thành 2 nhóm, nhóm thứ nhất là Thế hệ Bùng nổ trẻ sơ sinh thời đầu (Leading - Edge Baby Boomers), gồm những cá nhân sinh từ năm 1946 đến 1955. Đó là những người sinh ra trong thời gian có cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp. 

Nửa còn lại của thế hệ này được gọi là "Boomers thời sau". Nhóm thứ nhất có khoảng 38.002.000 người, còn nhóm thứ hai có 37.818.000 người.

Ở Úc, Cục Thống kê và Trung tâm nghiên cứu xã hội cũng xác nhận giai đoạn bùng nổ trẻ sơ sinh là 1946-1964, nhưng theo Bernard Salt, sự bùng nổ mạnh nhất xảy ra trước năm 1961.

Sự phân định thời gian sinh ra của Baby Boomer Generation có một vài khác biệt ở một số nhà nghiên cứu.

Trong cuốn sách "Generations", tác giả William Straus và Neil Howe cho rằng, Thế hệ Baby Boomer sinh ra trong khoảng thời gian 1943-1960. Ở Canada, khoảng thời gian xuất hiện thế hệ này lại là 1947-1966… 

Nhưng, sự khác biệt này có thể hiểu được bởi sự phát triển văn hóa giữa các quốc gia có những đặc điểm nào đó để sự phân định khoảng thời gian sinh thành và kết thúc của thế hệ Baby Boomer không trùng khớp nhau.

Những người cuối cùng của Thế hệ Bùng nổ trẻ sơ sinh có cảm nhận rằng, so với lứa đầu của thế hệ, có sự khác biệt nào đó về văn hóa. Vì thế, ở Mỹ, những người sinh ra trong khoảng 1955-1964 còn có tên là Thế hệ Jones.

Mấy nét đặc trưng của Thế hệ Bùng nổ trẻ sơ sinh ở các nước phương Tây

Đây là thế hệ sinh ra trong thời kỳ tivi đen - trắng đang phổ biến - một phương tiện thông tin hơn hẳn so với thế Radio Babies đàn anh của họ. 

Khi bước vào tuổi thanh niên, nhiều người trong thế hệ này đã tham gia vào sự kiện văn hóa đối kháng thập niên 1960-1969. Đó là hiện tượng văn hóa chống lại giới thống trị được phát triển đầu tiên ở Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, sau đó lan rộng ra khắp châu Âu. Phong trào văn hóa đối kháng được phong trào Quyền của công dân nối tiếp (1954-1968).

Kỷ nguyên văn hóa đối kháng bắt đầu một cách nghiêm túc với vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy (11/1963), tiếp sau đó là cuộc vận động đòi chấm dứt sự tham gia chiến đấu của Mỹ ở Đông Nam Á và bắt lính năm 1979.

Về chính trị, những người lớp đầu của Thế hệ Bùng nổ trẻ sơ sinh ở Mỹ có xu hướng ủng hộ và tham gia Đảng Dân chủ, trong khi lớp sau lại có xu hướng là Đảng Cộng hòa.

Nếu nhóm thứ nhất của Thế hệ này chứng kiến những thay đổi lớn về văn hóa thì nhóm thứ hai là những người trưởng thành trong giai đoạn bất ổn của thập niên 1970-1979.

Tuổi thơ của Baby Boomer phải chịu đựng hậu quả tàn khốc của chiến tranh Mỹ - Việt Nam và chiến tranh Triều Tiên. Khi lớn lên, nhiều người trong số họ đã hành quân trong cuộc chiến Việt - Mỹ. Rất nhiều người của Thế hệ này đã tham gia phản đối chiến tranh vì họ không lạ gì sự tương tàn và thảm khốc do các cuộc chiến đem lại.

Mặt khác, Thế hệ Bùng nổ trẻ sơ sinh lại có những điều kiện phát triển khác mà Thế hệ Truyền thống không có. Xin đọc thêm bài về Thế hệ truyền thống

Năm 1957, lần đầu tiên vệ tinh nhân tạo Sputnik được phóng lên vũ trụ, mở ra kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người. Thành tựu này đã thúc đẩy sự thay đổi chóng mặt của nền giáo dục ở nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Đức… 

Thế hệ "Bùng nổ trẻ sơ sinh" và sự phân chia lại trật tự thế giới- Ảnh 6.

Neil Armstrong đặt chân lên mặt trăng năm 1969. Ảnh: wikipedia

Tiếp sau đó, một người Mỹ - Neil Armstrong - đã đặt chân lên mặt trăng (1969). Cùng với những cuộc cải cách giáo dục, nhiều nhà phát minh đã đặt nền móng cho thời kỳ đầu của công nghệ máy tính.

Giờ đây, lớp người cuối cùng của thế hệ Bùng nổ trẻ sơ sinh đã thành những ông, bà bước vào tuổi nghỉ hưu. Khi còn ở tuổi thơ, họ làm quen với tivi trắng đen, còn vào năm 2024 này, họ đã dùng các phương tiện thông tin với sóng WiFi. 

Những người Baby Boomer được sống trong một thế giới bùng nổ thông tin của một xã hội tri thức bắt đầu phát triển.

Một số đặc điểm tính cách của Thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh

Theo một số nhà nghiên cứu xã hội học, nhân khẩu học và nhà báo ở châu Âu, những người thuộc Thế hệ Bùng nổ trẻ sơ sinh ở quốc gia họ có mấy đặc điểm tính cách sau đây:

Tự tin: Thế hệ Baby Boomer có sự tự tin về bản thân cũng như khả năng của họ. Họ có ảnh hưởng lớn tới nền văn hóa, kinh tế của thế hệ sau. Họ tin rằng, làm việc cần mẫn làm nên sự khác biệt. Những Baby Boomer cho rằng, họ sẽ là những người dễ tìm việc làm hơn cái thế hệ trước và sau họ.

Coi trọng các mối quan hệ: Nhờ sự phát triển kinh tế và những bộ luật lao động thời bấy giờ, thế hệ Baby Boomer có nhiều thời gian để chăm lo cho gia đình. Khi lớn tuổi, họ có nhiều cơ hội gần gũi với những người thân của mình.

Tháo vát: Khi trưởng thành, người Baby Boomer biết tạo dựng những cái mới từ những thứ nhỏ nhặt. Họ là lực lượng xây dựng cuộc sống sung túc từ những hoang tàn do chiến tranh gây nên.

Ganh đua: Dân số thuộc Thế hệ Bùng nổ trẻ sơ sinh chiếm tỉ lệ rất cao so với những thế hệ trước và sau họ. Hoàn cảnh đó đòi hỏi họ phải cố gắng hết sức trong cạnh tranh, phải thật sự tích cực học hành và chăm lo sự nghiệp.

Giới trẻ thuộc thế hệ X và Y cho rằng người Baby Boomer có tính bảo thủ do họ có những nét riêng về nhân sinh quan, không giống với thế hệ X và Y. Song không vì thế mà xã hội phủ nhận vai trò dắt dẫn của họ đối với sự thịnh vượng trong thế giới hiện đại.

Thế hệ "Bùng nổ trẻ sơ sinh" và sự phân chia lại trật tự thế giới- Ảnh 7.

Nữ dân công hỏa tuyến "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Ảnh: Tư liệu

Thế hệ "Bùng nổ trẻ sơ sinh" và sự phân chia lại trật tự thế giới- Ảnh 8.

Biểu diễn văn nghệ trên đường Trường Sơn. Ảnh: Tư liệu

Thế hệ Bùng nổ trẻ sơ sinh ở Việt Nam

Sự thật thì, ở Việt Nam giai đoạn 1946-1964 không có hiện tượng bùng nổ trẻ sơ sinh như ở nhiều nước trên thế giới.

Những đứa trẻ đầu tiên của thế hệ này ở nước ta cất tiếng khóc chào đời vào đúng lúc mà tiếng súng kháng chiến chống thực dân Pháp rền vang. 

Lớp trẻ ấy lớn lên hoặc theo cha mẹ ra vùng tự do để tham gia chống giặc xâm lăng, hoặc ở lại các đô thị và các vùng bị quân Pháp chiếm đóng. Rất nhiều người ở lại vùng bị chiếm cũng tham gia các hoạt động kháng chiến và gia đình họ luôn đứng trước những hiểm hoạ nếu bị phát giác. 

Đến năm 1954, khi nhân dân ta làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ thì những lứa đầu tiên của thế hệ này mới học xong bậc Tiểu học. Vào những năm 1955-1956, theo chủ trương của Đảng, có 32.000 nhi đồng, thiếu niên và thanh niên, con em cán bộ và nhân dân miền Nam tập kết ra miền Bắc. Các em đều là những Baby Boomer. Tất cả đều được học tập tại các trường Học sinh miền Nam, và sau đó được học tập tiếp để trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng lại miền Nam sau năm 1975.

Năm 1965, những lứa đầu của Baby Boomer Việt Nam ở vào tuổi 20. Vào thời điểm đó, cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam chống thế lực phản động thân Mỹ ở vào giai đoạn quyết liệt. Để giúp cho quân đội của Chính phủ Việt Nam Cộng hoà không bị thất bại, Mỹ đã can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến tranh này.

Ngày 8/3/1965, lính viễn chinh Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, tới tháng 4/1965, các tốp máy bay phản lực của quân đội Mỹ đã hạ cánh xuống Đà Nẵng. Đây là hành động mở đầu của quân Mỹ tham chiến trực tiếp trên bộ ở miền Nam Việt Nam.

Khi những tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ tiếp tục vào miền Nam thì những binh đoàn của quân đội nhân dân Việt Nam cũng từ miền Bắc "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", sát cánh cùng quân dân miền Nam quyết "đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào" như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Trong những binh đoàn đó, có những chiến sĩ trẻ - những anh bộ đội cụ Hồ - đã đi cùng đàn anh vào các chiến trường Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên, Đông và Tây Nam Bộ. Họ là những Baby Boomer Việt Nam, sản phẩm của cuộc Cải cách giáo dục lần thứ 2 trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa. 

Thế hệ "Bùng nổ trẻ sơ sinh" và sự phân chia lại trật tự thế giới- Ảnh 9.

Thanh niên Thái Bình vận chuyển thóc đến đóng thuế cho nhà nước tại tổng kho thị xã Hòa Bình, tháng 12/1960. Ảnh: TTXVN

Nửa phần sau của thế hệ này lúc đó là những học sinh đang học tiểu học hoặc bắt đầu học ở trường phổ thông cấp II. Đó là những học sinh phải rời xa cha mẹ để tới những khu sơ tán, học tập trong những căn hầm ngay trong lớp học. Hình ảnh những em nhỏ đội mũ rơm, vai đeo túi sách tới lớp học, học tập hăng say với tinh thần "Tiếng hát át tiếng bom" cũng là những hình ảnh có một không hai của học sinh phần cuối của Thế hệ Baby Boomer Việt Nam.

Sau ngày thống nhất đất nước, thế hệ Baby Boomer Việt Nam trở về với công việc hoặc tiếp tục học hành. Khá đông trong số họ là những sinh viên đang ngồi ghế nhà trường đại học đã "xếp bút nghiên lên đường tranh đấu". 

Ngày nay, rất nhiều bác sĩ, kỹ sư, sĩ quan quân đội, các nhà khoa học, các cán bộ trong các lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, kinh doanh và dịch vụ là người Baby Boomer. Không ít người đã trở thành các tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư hoặc là cán bộ chủ chốt trong công tác quản lý sản xuất, quản lý xã hội.

Nhân khẩu học thế giới gọi họ là những người của Thế hệ Bùng nổ trẻ sơ sinh, nhưng ở nước ta, giai đoạn đó lại bùng nổ 2 cuộc kháng chiến vĩ đại và thần thánh của nhân dân Việt Nam dưới lá cờ vẻ vang của Đảng. 

Đây cũng là gợi ý để các nhà nhân khẩu học và xã hội học Việt Nam nên chọn một tên gọi khác và là tên riêng cho thế hệ này.

Bình luận của bạn

Bình luận