Thành viên Ban giám khảo UPU Việt Nam chia sẻ về "siêu nhân nhí" vừa đạt giải 3 UPU quốc tế

Trần Vũ
17:25 - 06/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Nhân sự kiện học sinh Đào Khương Duy vừa giành giải ba cuộc thi Viết thư quốc tế UPU, Công dân và Khuyến học có cuộc trò chuyện với thành viên Ban Giám khảo UPU Việt Nam, để hiểu hơn về quá trình "cầm cân nảy mực" khi lựa chọn lá thư dự thi quốc tế cũng như thông điệp ý nghĩa mà cuộc thi này lan tỏa.


Thành viên Ban giám khảo UPU Việt Nam chia sẻ về "siêu nhân nhí" vừa đạt giải 3 UPU quốc tế- Ảnh 1.

Nhà báo Đỗ Thị Thanh Bình, Phó Trưởng ban giám khảo cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 52 tại Việt Nam

Bức thư UPU của Bùi Khương Duy đã chạm đến trái tim của tất cả các thành viên Ban giám khảo

Phó Trưởng ban giám khảo cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 52 tại Việt Nam - Nhà báo Đỗ Thị Thanh Bình, Phó Tổng biên tập báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng chia sẻ với Công dân và Khuyến học về quá trình chấm chọn bức thư giành giải nhất của cậu học sinh "siêu nhân nhí" Bùi Khương Duy và các "câu chuyện bếp núc" của cuộc thi mang tính nhân văn này.

Bùi Khương Duy là học sinh thứ 18 đạt giải quốc tế trong 35 năm Việt Nam tham dự cuộc thi Viết thư UPU.

Công dân và Khuyến học: Thưa chị, bức thư tham dự Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 52 năm 2023 của em Đào Khương Duy - học sinh lớp 7/1 Trường THCS Huỳnh Tấn Phát, huyện Bình Đại, Bến Tre vừa xuất sắc giành Giải Ba Quốc tế. Nhớ lại quá trình chấm giải cuộc thi trong nước, chị và các thành viên Ban giám khảo đã chấm điểm bức thư của Bùi Khương Duy như thế nào?

Nhà báo Đỗ Thị Thanh Bình: Cuộc thi UPU trong nước luôn luôn chọn 4 bài cao nhất ở vòng cuối để các giám khảo sẽ tranh luận, mổ xẻ, phân tích rồi chọn bức thư giải nhất, sau đó bức thư này sẽ dịch sang tiếng Pháp gửi đi quốc tế.

Giám khảo cuộc thi UPU trong nước là các nhà văn, nhà báo, nhà thơ rất uy tín. Khi chấm các bài thi đều đã được che hết phách, mọi người đưa ra ý tưởng và bảo vệ ý tưởng, cũng phân tích "lên bờ xuống ruộng" 4 bài thi, ở đó, các bạn hóa thân nhiều nhân vật khác nhau để truyền tải ý tưởng của mình: một bạn hóa thân thần rượu nho rất sinh động; một bạn viết về giải pháp cho các bạn tham gia giao thông bị mù màu rất hay, rất tình cảm, giàu cảm xúc; một bạn hóa thân con trai thần gió, đạt điểm cao; và bài của Bùi Khương Duy hóa thân siêu anh hùng S-24/7 với ý nghĩa siêu anh hùng luôn luôn hiện hữu trong cuộc sống, bảo vệ trẻ em suốt 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần - đã chạm đến trái tim của tất cả các thanh viên Ban giám khảo.

Thành viên Ban giám khảo UPU Việt Nam chia sẻ về "siêu nhân nhí" vừa đạt giải 3 UPU quốc tế- Ảnh 2.
Thành viên Ban giám khảo UPU Việt Nam chia sẻ về "siêu nhân nhí" vừa đạt giải 3 UPU quốc tế- Ảnh 3.
Thành viên Ban giám khảo UPU Việt Nam chia sẻ về "siêu nhân nhí" vừa đạt giải 3 UPU quốc tế- Ảnh 4.

Bức thư đạt giải của Đào Khương Duy - học sinh lớp 7/1 Trường THCS Huỳnh Tấn Phát, huyện Bình Đại, Bến Tre. Ảnh: Vietnam Post

Công dân và Khuyến học: Như vậy, không chỉ ý tưởng và cách thể hiện của các học sinh ở trong bài thi mà sự lựa chọn bằng trái tim và cảm xúc của giám khảo Việt Nam cũng đã tiệm cận với giám khảo quốc tế…

Nhà báo Đỗ Thị Thanh Bình: Trước hết, về phía học sinh dự thi, đó là sự kết hợp cả tính Việt Nam và cả tính toàn cầu trong bài dự thi của các em. Ở đó, từ các nhân vật thần thoại như Sơn Tinh, Thủy Tinh; hay nhân vật đời thường là mệ Sương bán xôi; hay sự hóa thân thành cậu bé Aylan Kurdi - người thiệt mạng trên bờ biển Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến vượt biển cùng gia đình để viết thư cho chính mình vào năm 45 tuổi của Nguyễn Thu Trang (giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 45) đã chạm đến trái tim của các giám khảo, có bài thi khiến các đại biểu UPU rất xúc động, nhiều người đã bật khóc… Với Đào Khương Duy của cuộc thi UPU 52 cũng thế, theo đánh giá của Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Trưởng ban giám khảo cấp quốc gia của cuộc thi, bức thư của Khương Duy có ngôn từ và cách diễn đạt phong phú, bay bổng, bài viết của Duy được đánh giá cao là nhờ cách lồng ghép số liệu, luôn nhấn mạnh rằng các vấn đề giao thông là mối quan tâm của "Trái Đất", không riêng Việt Nam.

Những bức thư của các em, ý tưởng của các em là chìa khóa chạm đến sự quan tâm của nhiều người, cùng với đó cách thể hiện thuyết phục – đơn giản vậy thôi. Sự quan tâm của trẻ em Việt Nam cũng là sự quan tâm của thế giới, các em đã chạm được vấn đề là sự liên quan đến sự quan tâm của thế giới.

Còn về phía các giám khảo, tùy vào việc đánh giá chung đề tài năm đấy như nào, chất lượng năm đó như nào, từ sự nhạy cảm của giám khảo mà chọn ra bài thi tốt nhất, không có quy luật nào cả.

Công dân và Khuyến học: Là thành viên Ban giám khảo cuộc thi quốc tế UPU ở Việt Nam nhiều năm, chị có nhận định gì về ý nghĩa cuộc thi này đối với các em học sinh Việt Nam?

Nhà báo Đỗ Thị Thanh Bình: Ở cuộc thi này, mọi người quan tâm nhất không phải là quyền lợi đạt được cho các bạn học sinh, mà ớ ý nghĩa của mỗi một bức thư UPU chính là một bức thư văn học, chứ không phải một lá thư thông thường. Để đạt giải, bức thư phải thể hiện kiến thức hiểu biết xã hội, sự quan tâm của các bạn nhỏ đến các vấn đề nóng bỏng mang tính toàn cầu, cảm xúc, phân tích, nhận định cá nhân của các bạn về vấn đề muốn truyền tải, ý tưởng viết thư, cách bố cục thư, trong đó đánh giá cao sự sáng tạo và trí tưởng tượng.

Trong văn học, sáng tạo không dễ nhưng tưởng tượng lại là sở trường của các em, các em vẽ ra những vấn đề người lớn không bao giờ nghĩ đến, thể hiện sự hiểu biết, quan điểm, chính kiến cá nhân, ý tưởng độc đáo, sử dụng ngôn từ viết thư để làm nổi bật bức thư, gắn với đề tài chủ đề cuộc thi đưa ra.

Về chủ đề bức thư UPU cũng là một đề văn, một bức thư văn học. Một đề văn nhưng là đề mở, tất nhiên nếu gọi thi viết văn thì không đúng nhưng viết về vấn đề xã hội lớn theo quan diểm của trẻ em thì có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh môn văn trong nhà trường cũng chưa có nhiều đổi mới.

Một điểm nữa, năm nào chủ đề thi UPU cũng nằm trong nhóm vấn đề thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, đó là những vấn đề toàn cầu nóng bỏng, hấp dẫn, cần có giải pháp, cần có sự tham gia của nhiều người, trong đó đề cao vai trò của giới trẻ. Năm nay chủ đề về An toàn giao thông, gắn với chương trình An toàn giao thông đường bộ của Liên Hợp Quốc – như vậy, chủ đề có thể lí giải số lượng bài dự thi trong nước gia tăng. Chủ đề này là vấn đề liên quan trực tiếp sát sườn với các em học sinh, khi các em chứng kiến hàng ngày con đường đến trường của mình nên các em rất quan tâm.

Ở Việt Nam, giao thông đường bộ cũng là vấn đề nóng bỏng, khi trở thành chủ đề của cuộc thi thì như mảnh đất màu mỡ thỏa sức cho các em tưởng tượng và đề xuất giải pháp của các em về an toàn giao thông, văn hóa tham gia giao thông. Thế giới trẻ thơ rất độc đáo, tham gia cuộc thi là cơ hội để các em thỏa sức nói về vấn đề liên quan đến cuộc sống của mình.

Ngoài ý nghĩa của cuộc thi thì giá trị cuộc thi mang lại cũng rất thiết thực với học sinh, hiện một số Sở Giáo dục và Đào tạo có quy định các học sinh đạt giải từ cuộc thi UPU có quyền được xét tuyển ưu tiên, cộng điểm, hoặc tuyển thẳng, trong đó có Hà Nội, Hải Phòng, Khánh Hòa, Phú Yên… đã thực hiện.

Công dân và Khuyến học: Như chị chia sẻ, giá trị cuộc thi UPU mang lại rất ý nghĩa và thiết thực, đó có phải là "gánh nặng" của các giám khảo trong việc "cầm cân nảy mực" để chọn các lá thư đạt giải không? Chị có thể chia sẻ về việc chấm thi của Ban giám khảo?

Nhà báo Đỗ Thị Thanh Bình: Trong Ban giám khảo cuộc thi viết thư quốc tế UPU ở Việt Nam có nhiều thế hệ khác nhau, đó là các cô chú lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm (chú Phạm Thành Long, nhà thơ Thanh Nhàn, chị Võ Thanh Hà…), là lớp trẻ hơn gồm cả 7X, 8X, 9X (như nhà văn Phong Điệp, Thụy Anh, Xuân Thủy,…). Mỗi bức thư dự thi đều có gu riêng và các thành viên Ban giám khảo cũng có phong cách, có gu khác nhau. Thường là các giám khảo chọn những bài mình yêu thích và phân tích vì sao mình thích bài đó. Có những năm có những bài thi không được điểm cao nhất nhưng mọi người lại rất thích, nhưng có những năm lại có sự đồng nhất về bài thi điểm cao nhất - vì văn chương vốn không giới hạn. Nên nhiều khi anh Trần Đăng Khoa, Trưởng Ban Giám khảo - là người "cầm cân nảy mực" nhưng cũng bị khó xử giữa hai "phe" - lớp đứng tuổi và lớp trẻ. Nói vậy cho vui nhưng cũng có những năm mọi người phải bỏ phiếu, tranh luận "nảy lửa" nhưng khi bỏ phiếu lại đạt 95-100% phiếu bỏ cho 1 bài thi, vì trước đó đã trao đổi, tranh luận quá kỹ lưỡng rồi. Các giám khảo đều thống nhất tiêu chí chọn phải là vấn đề thế giới, có những năm là vấn đề của Việt Nam nhưng chắc chắn phải được thế giới quan tâm. Ví dụ như bức thư gửi "mệ Sương bán xôi" (của Phan Hoàng Phương Nhi, giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 49) viết rất đặc trưng phong cách Huế, từ nhân vật mệ, về món xôi, chủ đề về xôi dịch sang tiếng Pháp cũng không hề đơn giản… Tuy bức thư mang màu sắc Việt Nam rất rõ nét nhưng cuối cùng mọi người cùng đồng nhất chọn bức thư này đạt giải nhất quốc gia, sau đó đạt giải Ba cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 49 - năm 2020. Sự thống nhất, đồng thuận trong lựa chọn của Ban giám khảo luôn mang lại thành quả đáng mừng, vì những bức thư đạt giải thực sự mang tính toàn cầu. Trước Bùi Khương Duy, Việt Nam đã có 2 giải nhất, 2 giải nhì, 7 giải ba và 6 giải khuyến khích cấp quốc tế tại cuộc thi viết thư UPU.

Công dân và Khuyến học: Có thể nói vui rằng, thành quả của thí sinh Việt Nam trên đấu trường quốc tế là từ sự nỗ lực của thí sinh "vắt óc" tìm ý tưởng, và Ban giám khảo thì "đổ mồ hôi" lựa chọn bài chuẩn…

Nhà báo Đỗ Thị Thanh Bình: Năm nay (2023) có gần 1,5 triệu bài dự thi trong khi các năm trước cao nhất khoảng 1 triệu bài, chứng tỏ cuộc thi viết thư UPU ngày càng có sự lan tỏa rất rộng.

Còn nhớ chúng tôi phải ngồi lọc thư, "phân chia" thư, có những lúc mỗi người tiếp nhận cả bao tải bài dự thi, đọc thư tối ngày, ăn ngủ cùng những lá thư UPU.

Như tôi đã nói, các thành viên giám khảo mỗi người một công việc riêng, dù bận bịu đến mấy sau khi chấm chọn xong các vòng thì đến vòng chung khảo cuối sẽ ngồi với nhau để tranh luận "nảy lửa", cuối cùng chọn được 1 bài thi – lá thư có sự thống nhất cao, đạt số phiếu cao nhất.

Bài giải nhất của Đào Khương Duy năm nay có rất nhiều yếu tố, ngoài ý tưởng, cách thể hiện, sự khơi gợi, thức tỉnh con người về trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông rất hay so với các bài thi khác thì bạn ấy còn gây ấn tượng với các thành viên giám khảo vì là học sinh nỗ lực vượt khó, học giỏi nhiều năm liền.

Công dân và Khuyến học: Trân trọng cảm ơn những thông tin thú vị từ chị!