UPU 52: Chiến thuật đào tạo “gà nòi” cho Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU

Trang Linh
12:00 - 20/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Mỗi năm, Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU nhận được hàng nghìn lá thư dự thi. Ngày càng nhiều trường có số học sinh tham gia đông, có trường năm nào cũng đạt giải. Vậy đâu là chiến thuật để đào tạo những “gà nòi” chinh chiến cuộc thi này?

Đề cao tính sáng tạo của học sinh là yếu tố then chốt

Trao đổi với Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học, nhà giáo Nguyễn Thị Phương Thúy - Trường Trung học cơ sở Nguyễn Đăng Đạo, Bắc Ninh cho biết: “Nhà trường luôn chú trọng đến sự phát triển năng lực toàn diện của học sinh nói chung và Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU nói riêng. Vì vậy, trong thời qua, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Đăng Đạo đã thành lập câu lạc bộ Cây bút tuổi hồng, tạo ra không gian giao lưu của những học sinh có niềm yêu thích với môn Ngữ văn. 

Từ nền tảng câu lạc bộ, định kỳ hàng năm, khi cuộc thi được tổ chức, thầy và trò Trường Trung học cơ sở Nguyễn Đăng Đạo lại hào hứng tìm kiếm ý tưởng tham gia cuộc thi”.

Chia sẻ về kinh nghiệm đồng hành cùng học sinh, nhà giáo Nguyễn Thị Phương Thúy cho biết, sau khi phát động cuộc thi, giáo viên sẽ tập hợp những học sinh có sự quan tâm đặc biệt đến viết thư UPU, phổ biến nội dung đề bài, yêu cầu của ban tổ chức và cùng các trò tìm kiếm ý tưởng cũng như cách thức triển khai những ý tưởng đó.

Phần lớn ý tưởng đều do học sinh chủ động tìm kiếm. Có những ý tưởng khiến chính các thầy cô cũng phải bất ngờ vì sự độc đáo, sáng tạo và có tính thời sự cao. Những ý tưởng mới mẻ đó thể hiện sự quan tâm, quan sát rất lớn của học trò đối với các vấn đề thời sự. 

Sau khi trình bày ý tưởng và hướng phát triển đề tài, học sinh sẽ được lắng nghe những góp ý từ thầy cô và bạn bè, để từ đó hoàn thiện bài dự thi của mình. Từ nhiều lần cân nhắc và chắt lọc từng câu chữ, lá thư hoàn chỉnh sẽ thể hiện dấu ấn, bản sắc riêng của mỗi học sinh.

Chiến thuật đào tạo “gà nòi” cho Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU  - Ảnh 1.

Nhà giáo Nguyễn Thị Phương Thúy và nhà giáo Bùi Thị Thu Huyền đã đồng hành với học sinh Nguyễn Tuấn Minh giành giải Ba Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 52 (năm 2023)

Nhà giáo Nguyễn Thị Phương Thúy tâm sự, “có bột mới gột được hồ”, điều tiên quyết chính là học trò phải có ý tưởng hay, tiếp đó mới là sự hỗ trợ của thầy cô. Bởi nếu học sinh không có tính sáng tạo, chỉ làm theo những ý tưởng sẵn có, lá thư sẽ trở nên gượng gạo, đôi khi “già dặn” so với góc nhìn của một học sinh cấp 2. Như vậy, thầy cô chỉ đóng vai trò là những người hỗ trợ phía sau, luôn sẵn sàng lắng nghe và cùng các trò tìm ra hướng triển khai đề tài tốt nhất”. 

Để khơi dậy sức sáng tạo của học sinh, thầy cô cố gắng tổ chức những hoạt động ngoại khóa đặc biệt, giúp các trò tìm hiểu về những vấn đề thời sự nóng hổi, những câu chuyện đang diễn ra trong cuộc sống. Nhà giáo Nguyễn Thị Huyền Hậu - Trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương, Hà Nội chia sẻ: “Thay vì hoàn toàn tập trung vào việc phân tích đề thi, tôi tổ chức một số hoạt động ngoại khóa nhằm kích thích tiềm năng sáng tạo, khơi dậy niềm say mê viết thư của mỗi học trò. Tùy từng chủ đề mà mỗi năm sẽ có một hoạt động tương ứng. 

Ví dụ như năm 2017, với đề bài “Hãy tưởng tượng bạn là cố vấn cho Tổng Thư ký mới của Liên Hợp Quốc: Vấn đề toàn cầu nào bạn sẽ giúp ông ấy xử lý trước tiên và giải quyết vấn đề đó như thế nào?”, tôi đã tổ chức một buổi diễn đàn mô phỏng cuộc họp của Liên Hợp Quốc. Ở đó, các học sinh đóng vai trò là đại diện của nhiều quốc gia, mỗi tham luận lại đề cập đến một vấn đề mà các em coi là cấp thiết nhất của thế giới. Từ những hoạt động như vậy, học sinh đã tìm được ý tưởng sơ khai cho mình”.

Chiến thuật đào tạo “gà nòi” cho Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU  - Ảnh 2.

Nhà giáo Nguyễn Thị Huyền Hậu đã hỗ trợ học sinh Nguyễn Bình Nguyên giành giải Nhất Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU năm 2022. Ảnh: NVCC

Ngoài tổ chức các hoạt động ngoại khóa, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương còn tổ chức Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU cấp trường. Theo nhà giáo Nguyễn Thị Huyền Hậu, không phải học sinh nào cũng may mắn chạm tay đến giải thưởng cấp quốc gia. Vậy nên giải thưởng cấp trường tuy nhỏ bé nhưng là sự động viên của thầy cô và cũng là sự công nhận cho những nỗ lực không ngừng của học sinh trong suốt thời gian tham gia cuộc thi. Để từ đó giữ lửa sáng tạo của học trò cho các năm tiếp theo.

Món quà đáng quý nhất không phải là giải thưởng

Đối với học sinh, mỗi Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU là một cơ hội để rèn giũa ngòi bút, thỏa sức sáng tạo, là dịp để mỗi cá nhân bày tỏ quan điểm về các vấn đề nổi cộm trong cuộc sống hàng ngày. Nhà giáo Bùi Thị Thu Huyền - Trường Trung học cơ sở Nguyễn Đăng Đạo, Bắc Ninh nhận định: “Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU giúp học sinh trầm tư, dành thời gian suy nghĩ, đặc biệt là bày tỏ tâm tư tình cảm qua những trang giấy. 

Từ đó, học sinh sẽ rèn luyện kỹ năng viết, kỹ năng dùng từ mà lâu nay thường bị lãng quên do tác động của công nghệ thông tin và mạng xã hội. Không chỉ tìm kiếm ý tưởng, các trò phải tìm ra cách triển khai sao cho thật hay, thật ý nghĩa, gợi sự đồng cảm nơi người đọc. 

Từ cuộc thi, mỗi học sinh nhận ra được tầm quan trọng, vai trò của người trẻ trong việc chung tay xây dựng, phát triển đất nước và cộng đồng.
Nhà giáo Bùi Thị Thu Huyền - Trường Trung học cơ sở Nguyễn Đăng Đạo, Bắc Ninh

Đồng thời cuộc thi cũng giúp học sinh suy nghĩ một cách chín chắn và thấu đáo về các vấn đề xã hội, tự tin bày tỏ quan điểm, góc nhìn, ý kiến cá nhân về các vấn đề thiết thực trong cuộc sống. Để từ đó mỗi học sinh nhận ra được tầm quan trọng, vai trò của người trẻ trong việc chung tay xây dựng phát triển đất nước và cộng đồng. 

Vì vậy, tôi không đặt nặng việc phải đạt được một giải thưởng nào đó mà vô tình tạo ra áp lực cho học trò. Bởi giải thưởng lớn nhất là những bài học các em đã tích lũy trong suốt thời gian thực hiện bức thư của mình”.

Còn đối với giáo viên, Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU là cơ hội gắn kết với học sinh. Nhà giáo Nguyễn Thị Phương Thúy chia sẻ: “Sau cuộc thi, tôi luôn có những kỷ niệm đáng nhớ với học trò. Từ những màu sắc riêng, chúng tôi tập hợp thành một nhóm mà trong đó tôi may mắn được trở thành một người bạn lớn tuổi đáng tin cậy. 

Các trò có thể tâm sự những câu chuyện thầm kín mà đôi khi không thể chia sẻ với bố mẹ hoặc bạn bè. Từ đó, tôi thấy yêu nghề và quý trọng thời gian được ở bên cạnh hỗ trợ học sinh. Chắc chắn rằng, dù đạt giải hay không, cô và trò đều nhận được những phần thưởng vô giá”.

Tôi bất ngờ vì ở độ tuổi nhỏ như vậy, học sinh lại có những ý tưởng rất lớn, các em cũng có sự tư duy, lập luận sắc bén của riêng mình.
Nhà giáo Nguyễn Thị Huyền Hậu - Trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương, Hà Nội

Mỗi giáo viên, mỗi học sinh đều có một câu chuyện, một kỷ niệm riêng sau cuộc thi. Những kỷ niệm đó đã trở thành sợi dây liên kết giữa thầy và trò, rút ngắn khoảng cách thế hệ. Kể về hành trình đồng hành với học sinh qua nhiều Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU, nhà giáo Nguyễn Thị Huyền Hậu cho biết: “Tôi bất ngờ vì ở độ tuổi nhỏ như vậy, học sinh lại có những ý tưởng rất lớn, các em cũng có sự tư duy, lập luận sắc bén của riêng mình. Những lần được đồng hành cùng học trò qua các năm, không chỉ là người chỉ bảo, tôi còn là người được lắng nghe, học hỏi từ chính học sinh của mình. 

Cũng có những câu chuyện dở khóc, dở cười. Ví dụ như một vài năm trước, khi sắp đến ngày nộp bài dự thi, có một cậu học sinh mang đến cho tôi một lá thư hoàn toàn mới và xin đổi ý tưởng. Cô trò lại cùng nhau ngồi lại, nghiền ngẫm, bàn luận từ đầu để làm sao phát triển ý tưởng ấy thành một bức thư hoàn chỉnh. 

Lá thư ấy không đạt thành tích cao, lẽ ra học sinh phải buồn nhưng em ấy lại an ủi tôi rằng, giải thưởng không quan trọng bằng việc chinh phục chính bản thân. Dù không đoạt giải nhưng những người bạn và những bài học đối với cô và trò đều rất đáng quý.

Hay như trường hợp của Bình Nguyên năm 2022 đạt giải Nhất quốc gia. Bức thư của bạn rất nổi trội ở vòng cấp trường và được thầy cô đặt kỳ vọng lớn. Thế nhưng không ai có thể tưởng tượng bức thư đó lại may mắn đạt giải Nhất quốc gia và hơn nữa là được trao giải ở cấp quốc tế. 

Thầy cô và học trò đã cùng nhau trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ mải mê đi tìm ý tưởng, băn khoăn cách triển khai, thở phào khi hoàn thiện bức thư, hồi hộp chờ đợi và vỡ òa khi đạt được kết quả cao hơn kỳ vọng. Được gần gũi học sinh, góp nhặt những kỷ niệm từ từng câu chuyện cảm xúc, tất cả những điều đó khiến tôi yêu trò và yêu nghề hơn”.

Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU không chỉ là sân chơi để học sinh rèn luyện khả năng tư duy, sáng tạo mà còn là lời nhắc nhở về vai trò của thế hệ trẻ đối với các vấn đề xã hội. 

Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 52 (năm 2023) đã khép lại nhưng chắc chắn sẽ để lại những kỷ niệm khó quên đối với thầy cô và nhiều thế hệ học trò.

Bình luận của bạn

Bình luận