UPU 52: Giám khảo Phong Điệp chia sẻ những “ấn tượng” khó phai về mùa thi UPU 52

Lam Linh
06:00 - 20/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

"Cá nhân tôi luôn ngỡ ngàng, nể phục những ý tưởng rất mới mẻ, đầy bất ngờ, thể hiện khả năng sáng tạo không giới hạn của những 'chủ nhân tương lai của đất nước'". Những thông tin thú vị về Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 52 năm 2023 đã được nhà văn Phong Điệp chia sẻ cùng Tạp chí Công dân và Khuyến học.

Một mùa thi viết thư quốc tế UPU ấn tượng: 1,3 triệu "lá thư" gửi về - Ảnh 1.

Nhà văn Phong Điệp chia sẻ về Cuộc thi viết thư quốc tế UPU. Ảnh: NVCC

Ý nghĩa của Cuộc thi viết thư quốc tế UPU

Chia sẻ về Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 52 - một cuộc thi dành cho học sinh từ 9 đến 15 tuổi tuổi trên toàn quốc, nhà văn Phong Điệp bày tỏ: "Tính đến nay, tôi đã có thời gian gần 15 năm gắn với Cuộc thi viết thư quốc tế UPU với tư cách là thành viên Ban giám khảo. Năm nào, khi bắt đầu phát động cuộc thi tôi cũng rất háo hức, mong chờ sẽ được đọc những bài viết thú vị từ các em".

Nói về ý nghĩa của Cuộc thi viết thư quốc tế UPU, nhà văn Phong Điệp đánh giá cao ý nghĩa của sự kiện này vì các lý do nổi bật như sau:

Thứ nhất, Cuộc thi viết thư quốc tế UPU khơi dậy ý thức trách nhiệm của các em về mọi vấn đề của cuộc sống. Từ những vấn đề như: khủng hoảng ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông đường bộ, tại sao nước là nguồn tài nguyên quý giá? Vì sao phải trồng cây gây rừng?… cho đến vấn đề hết sức tinh tế như: diễn tả âm nhạc có thể lay động đời sống như thế nào?...

Thứ hai, tham gia Cuộc thi viết thư quốc tế UPU, các em sẽ có cơ hội phát triển trí tưởng tượng phong phú và tài năng sáng tạo của mình. Bởi lẽ, theo nhà văn, mỗi khi hóa thân vào nhân vật để viết thư, các em cần phát huy tối đa khả năng tưởng tượng của mình. Chính điều này sẽ kích thích tư duy phát triển và nâng cao khả năng sáng tạo – đây là một điều rất quan trọng trong giáo dục trẻ em.

Thứ ba, Cuộc thi viết thư quốc tế UPU cũng là một sân chơi văn học lý thú và bổ ích. Sân chơi lý tưởng này giúp các em rèn luyện khả năng trình bày vấn đề một cách mạch lạc và thuyết phục.

"Với tư cách là thành viên Ban giám khảo, được tham gia chấm giải Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 52, một lần nữa, tôi tiếp tục được phiêu lưu cùng các em trong một thế giới của những siêu anh hùng với những ý tưởng, đề xuất vô cùng độc đáo. Đọc những bức thư trong sáng, chân thành, tôi được truyền năng lượng tích cực từ chính các em – những "mầm xanh" tương lai đất nước", nhà văn Phong Điệp chia sẻ.

Chủ đề Cuộc thi viết thư quốc tế UPU rèn luyện khả năng sáng tạo và đánh thức ý thức trách nhiệm của cộng đồng 

Đánh giá về chủ đề Cuộc thi viết thư quốc tế UPU, nhà văn Phong Điệp cho biết, những năm gần đây, Ban tổ chức Cuộc thi viết thư quốc tế UPU rất quan tâm hướng đến các vấn đề thời sự của nhân loại. Tuy nhiên, trong cách ra đề, Ban tổ chức cũng rất lưu tâm làm sao để mở ra những cánh cửa, huy động tối đa sự sáng tạo của trẻ em.

Chẳng hạn, Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 52 năm 2023 có chủ đề mở: "Tưởng tượng em là một siêu anh hùng mang sứ mệnh làm cho mọi con đường trên thế giới an toàn hơn với trẻ em. Hãy viết thư cho ai đó để nói về sức mạnh siêu phàm giúp em hoàn thành sứ mệnh của mình". Theo nhà văn Phong Điệp, đây là một chủ đề rất hay, rèn luyện tư duy, bản lĩnh và khả năng sáng tạo của các em. 

Với vai trò "là một siêu anh hùng", các em cần thực hiện "sứ mệnh làm cho mọi con đường trên thế giới an toàn hơn với trẻ em". Ở đây, Ban tổ chức cuộc thi hướng đến vấn đề an toàn giao thông đường bộ - một vấn đề hết sức gần gũi với các em học sinh. Tiếp cận với chủ đề này, các em thể hiện được mong muốn, khát vọng của mình.

Nhà văn Phong Điệp cũng cho rằng, điều đặc biệt là qua cách tiếp cận của người lớn thì có thể thấy vấn đề an toàn giao thông đường bộ tưởng chừng rất to tát. Nhưng qua lăng kính và trí tưởng tượng của các em thì con đường đến trường mà các em mong muốn trở nên vô cùng sống động.

Cuối cùng, thông qua những lá thư các em gửi về, nếu được lan tỏa rộng rãi, nhà văn Phong Điệp tin rằng sẽ đánh thức được ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ an toàn giao thông cho trẻ em.

Hành trình chinh phục Ban giám khảo của "Siêu anh hùng S-24/7" Đào Khương Duy

Qua mỗi cuộc thi, mỗi lần được thử thách với các đề tài hóc búa là một lần các em học sinh được rèn luyện tư duy, bản lĩnh, sự sáng tạo của bản thân. Nhận xét về tác giả và bức thư giành giải Nhất của Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 52, nhà văn Phong Điệp khẳng định bức thư của tác giả Đào Khương Duy đã chinh phục được Ban giám khảo.

Nhà văn Phong Điệp cho biết, một điều thú vị là sau khi Ban tổ chức cuộc thi chấm xong bức thư này nhà văn mới được biết tác giả là em Đào Khương Duy, hiện là học sinh lớp 6 đến từ tỉnh Bến Tre.

Bức thư của Đào Khương Duy cho thấy em có lối tư duy hiện đại. Đồng thời, với những chi tiết rất nhân văn và có ý nghĩa thẩm mỹ, Duy đã khơi gợi, thức tỉnh con người về trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông.

"Điều gây ấn tượng với tôi chính là hình tượng chàng trai S-24/7 mà Duy xây dựng. Duy cũng lý giải chữ "S" ấy là khởi đầu của nhiều từ ngữ đẹp đẽ ở trái đất, viết tắt cho các cụm từ tiếng Anh như: super hero (siêu anh hùng), sacrifice (hy sinh), safety (sự an toàn)", nhà văn Phong Điệp chia sẻ.

Trong bức thư, nhân vật anh hùng của Duy không ngừng trăn trở làm thế nào để chiến thắng hung thần Tai Nạn Giao Thông, kẻ mà "cứ mỗi 4 phút trôi qua, gã hung thần ấy lại cướp đi vĩnh viễn của Trái Đất một thiên thần nhỏ, gieo rắc nỗi đau và niềm ám ảnh khôn nguôi trong lòng những người ở lại". Với nhà văn Phong Điệp, ngay phần dẫn dắt, mở đầu của bức thư đã thực sự lôi cuốn và hút nhà văn vào câu chuyện.

Nhà văn Phong Điệp hào hứng kể: "Và điều tôi thích thú hơn cả là cách Duy mô tả về siêu anh hùng của mình. Đó có thể là bất cứ ai mà siêu anh hùng hóa thân vào. Đó là chú cảnh sát giao thông, ân cần đưa nhóm em nhỏ qua đường. Là bác bảo vệ trường, nhắc nhở phụ huynh luôn đội mũ bảo hiểm, thắt dây an toàn cho bé. Là cô lao công, ngừng tay chổi để khuyên em nhỏ đi bộ trật tự đúng phần đường; Là cơn gió ngược, khiến mọi xe cộ chạy dưới 30 km/giờ khi đến khu vực có nhiều trẻ em.

Tất cả những chi tiết này trở nên vô cùng đắt giá bởi khiến người đọc thấy rằng, hóa ra sức mạnh của siêu anh hùng không hẳn đến từ những khả năng vượt trội hơn người, mà nó đến từ trái tim. Và siêu anh hùng không phải ai xa lạ, có thể là chính những người chúng ta gặp hằng ngày, nếu tận tâm, sẵn sàng bảo vệ trẻ em".

Cũng từ đây, Duy kêu gọi trách nhiệm của cộng đồng: "Một siêu anh hùng dù toàn năng đến đâu cũng khó có thể khiến mọi con đường trên thế giới an toàn hơn với trẻ em mãi mãi. Điều tuyệt vời ấy chỉ có thể xảy ra khi mỗi người đều hiểu biết đầy đủ và tuân thủ nghiêm túc luật giao thông".

Đối với nhà văn Phong Điệp đây thực sự là một bức thư chứa chan cảm xúc chân thành, có sức gợi và lay động lòng người.

Ấn tượng về những bức thư đặc biệt trong Cuộc thi viết thư quốc tế UPU của nhà văn Phong Điệp

Chia sẻ ấn tượng về những bức thư đặc biệt trong Cuộc thi viết thư quốc tế UPU, nhà văn Phong Điệp bồi hồi: "Mỗi mùa UPU, chúng tôi lại được đọc rất nhiều lá thư của các em gửi về. Cá nhân tôi luôn ngỡ ngàng, nể phục những ý tưởng rất mới mẻ, đầy bất ngờ, thể hiện khả năng sáng tạo không giới hạn của những "chủ nhân tương lai của đất nước". Đọc từng bức thư các em gửi về, tôi lại được trải nghiệm những điều thú vị".

Để kể về những bức thư đặc biệt, nhà văn Phong Điệp cho hay, có lẽ sẽ cần rất nhiều thời gian. Có những bức thư tuy không đoạt giải, nhưng nhà văn đã nhìn thấy lấp lánh trong câu chữ của các em những ánh văn thật đẹp, những ý tưởng thật ngộ nghĩnh, sự chân thành và tâm huyết của các em.

"Có khi chỉ một câu văn hay, một chi tiết độc đáo cũng đã khiến bức thư trở nên đặc biệt đối với tôi. Ví dụ, tôi nhớ có em đề xuất ý tưởng làm con đường hình lò xo, giúp tránh mọi tai ương, hiểm họa cho các bạn nhỏ khi đến trường. Hay có em đưa ra ý tưởng về những thiết bị đặc biệt cảnh báo về những mối nguy hiểm khi tham gia giao thông giúp các lái xe tránh được những tai nạn đáng tiếc" nhà văn Phong Điệp nói.

Quy trình chấm thi Cuộc thi viết thư quốc tế UPU chặt chẽ

Là thành viên Ban giám khảo nhiều năm, nhà văn Phong Điệp đã chia sẻ về quy trình chấm thi Cuộc thi viết thư quốc tế UPU.

Mỗi bài dự thi vào chung kết đều được Ban giám khảo đọc và chấm điểm độc lập. Trên cơ sở tổng điểm, Ban giám khảo sẽ họp, trao đổi, tranh luận, phân tích những bài dự thi xuất sắc nhất để chọn giải nhất.

Có những mùa thi các giám khảo đồng thuận 100%, nhưng cũng có những mùa thi các thành viên Ban giám khảo có ý kiến khác nhau. Với tình huống này, mỗi thành viên Ban giám khảo phải nêu ý kiến của mình về từng tác phẩm, phân tích điểm mạnh, điểm yếu. Rồi cuối cùng khi các ý kiến đã được nêu ra minh bạch, thẳng thắn, mỗi thành viên Ban giám khảo sẽ bỏ phiếu lần cuối để chấm chốt giải thưởng.

Nhà văn Phong Điệp cũng cho biết thêm, thực tế khó khăn nhất vẫn là làm sao để phát huy sự tinh tường, nhạy bén để chọn tác phẩm xứng đáng để trao giải. Bởi các em cũng như rất nhiều người đang chờ đợi kết quả mà Ban tổ chức cuộc thi công bố. 

"Trao giải cho tác phẩm không thực sự xứng đáng thì chúng tôi sẽ bị chỉ trích ngay. Vậy nên các thành viên Ban giám khảo đều làm hết tinh thần trách nhiệm và sự tâm huyết. Đến nay, các giải thưởng của Cuộc thi viết thư quốc tế UPU đều đã nhận được sự ủng hộ của các quý thầy cô, các bậc phụ huynh cũng như các em học sinh. Đó là động lực to lớn để chúng tôi cố gắng làm tốt hơn cho những mùa UPU tiếp theo", nhà văn bày tỏ. 

Đối với nhà văn Phong Điệp, niềm vui của Ban tổ chức là cuộc thi qua mỗi năm lại tiếp tục được các em học sinh đón nhận nồng nhiệt, mặt bằng các bài dự thi gửi về cao hơn. Như năm nay, nhà văn Phong Điệp thông tin, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được hơn 1,5 triệu bài dự thi gửi về. Đó là một con số vô cùng ấn tượng, cho thấy mức độ lan tỏa, sự hưởng ứng nhiệt tình của các em học sinh trên cả nước đối với Cuộc thi viết thư quốc tế UPU.

Một niềm vui nữa là mỗi một mùa thi đến, Ban tổ chức lại tìm được những quán quân mới đến từ nhiều vùng miền của đất nước Việt Nam. 

"Có những bài dự thi xuất sắc, nhận được sự đánh giá cao từ Ban giám khảo. Và niềm vui đoạt giải của các em cũng là niềm vui của chúng tôi – những người phải làm công việc khó khăn là "chọn mặt gửi vàng", nhà văn Phong Điệp chia sẻ.