Thanh toán điện tử - xu hướng hiện hữu của tương lai

PV
18:36 - 24/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Hiện nay, ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, mua sắm online, hoặc thanh toán bằng cách "quét QRcode" không còn xa lạ đối với người dân. Việc này đã hình thành một thói quen mới, nhưng nó có lợi ích hay không?

Thanh toán điện tử - xu hướng hiện hữu của tương lai - Ảnh 1.

Thanh toán điện tử, dễ dàng, nhanh chóng, thuận tiện. Ảnh minh họa: IT

Thanh toán điện tử nhanh chóng và tiện lợi

Một lợi ích của thanh toán điện tử là bạn có thể chuyển tiền bất cứ lúc nào, hiện nay nền tảng của hầu hết các ngân hàng thương mại đều cho phép thanh toán hóa đơn và mua hàng trực tuyến mọi lúc, mọi nơi, an toàn và nhanh chóng. Tuy nhiên, cũng có thể còn nhiều điểm chưa chấp nhận hết các giao dịch thanh toán điện tử nên nếu phụ thuộc duy nhất vào cách thanh toán này, vẫn còn nhiều hạn chế. 

Các hình thức thanh toán điện tử phổ biến với người dùng hiện nay nhất gồm có thanh toán thẻ (POS, ATM…) và thanh toán trên Internet. Chỉ cần có một tài khoản mở tại ngân hàng, điện thoại cài app của nhà băng đó và bạn có thể dễ dàng sử dụng internet banking để chuyển khoản, thanh toán các hóa đơn trực tuyến. 

Đặc biệt, thương mại điện tử có thể sử dụng để phục vụ mọi thành phần kinh tế bao gồm: Giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B); Giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C); Giao dịch giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước (B2G); Giao dịch trực tiếp giữa các người tiêu dùng với nhau (C2C) và Giao dịch giữa cơ quan nhà nước với cá nhân (G2C). 

Khắc phục được các thủ tục giấy tờ truyền thống

Điếm khác biệt lớn nhất giữa thanh toán điện tử và thanh toán truyền thống là thông qua các phương tiện điện tử, loại bỏ hầu hết việc giao nhận giấy tờ và việc ký truyền thống thay vào đó là các phương pháp xác thực mới.

Dùng phương pháp mới để xác nhận đúng người có quyền ra lệnh thanh toán mà không cần tiếp xúc trực tiếp. Lợi ích lớn nhất là sự tiết kiệm chi phí và tạo thuận lợi cho các bên giao dịch. Các giao dịch qua kênh điện tử có chi phí vận hành rất thấp. Chi phí chủ yếu là đầu tư ban đầu, trong điều kiện công nghệ phát triển nhanh chi phí đầu tư cũng giảm đáng kể. Doanh nghiệp không cần phải đầu tư nhân sự, địa điểm và các chi phí lưu chuyển hồ sơ cho việc giao dịch.

Giao dịch bằng phương tiện điện tử nhanh hơn so với phương pháp truyền thống. Thông thường giao dịch tại quầy cho một khách hàng chuyển tiền mất khoảng 15 phút, không kể thời gian đi lại và chờ đợi nhưng giao dịch trên Internet, Mobile hoặc qua hệ thống thẻ chỉ qua một vài thao tác đơn giản trong một vài phút.

Với thanh toán điện tử, các bên có thể tiến hành giao dịch khi ở cách xa nhau, không bị giới hạn bởi không gian địa lý. Với người tiêu dùng, họ có thể ngồi tại nhà để đặt hàng, mua sắm nhiều loại hàng hóa, dịch vụ nhanh chóng. Việc không phải mang theo nhiều tiền mặt, giảm thiểu rủi ro mất tiền, tiền giả, nhầm lẫn… sẽ giảm bớt được việc thiếu minh bạch so với giao dịch bằng tiền mặt.

Vẫn còn những trở ngại và thách thức

Tập quán tiêu dùng, nhận thức về thanh toán điện tử là một trở ngại lớn khi xã hội Việt Nam có một thói quen lâu đời sử dụng tiền.

Cơ sở hạ tầng, điểm chấp nhận thanh toán là yếu tố quyết định đến sự thành công của thanh toán điện tử. Ở Việt Nam cơ sở hạ tầng còn đầu tư theo từng dự án, từng doanh nghiệp, ngân hàng thiếu tính đồng bộ và thống nhất. Điểm chấp nhận thanh toán còn ít do vậy tại một số nơi người tiêu dùng không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng tiền mặt.

Lo ngại về sự an toàn trong giao dịch cũng là một trở ngại, từ chỗ lo ngại dẫn đến việc không tiếp cận do vậy không thấy được lợi ích của thanh toán điện tử.

Mặc dù luật giao dịch điện tử đã có hiệu lực từ ngày 1/3/2006 tuy nhiên còn nhiều vấn đề liên quan đến yếu tố công nghệ vẫn chưa được đề cập chi tiết như tội phạm công nghệ, tranh chấp qua giao dịch điện tử. Ngày nay công nghệ đã phát triển và cung cấp nhiều phương pháp bảo mật, xác thực rất tin cậy, ví dụ như các thiết bị sinh trắc học, các thiết bị đồng bộ thời gian sử dụng thuật toán để sinh ra mật mã chỉ dùng một lần (one time password), các phương thức mã hóa công cộng (PKI). Ngoài ra, các thiết bị phần cứng chống đột nhập, các phần mềm thông minh cũng giúp các doanh nghiệp và tổ chức kiểm soát và ngăn chặn những giao dịch bất hợp pháp.

Tuy nhiên sử dụng các hình thức thanh toán điện tử người dùng cũng cần nâng cao nhận thức về việc bảo quản các mật mã, thiết bị bảo mật, thẻ… Đồng thời không tham gia giao dịch với những tổ chức, cá nhân không rõ danh tính. Ngoài ra, vẫn tồn tại các hình thức lừa đảo xuất hiện trên Internet thông qua các website nhằm thu thập thông tin bí mật của khách hàng hoặc lừa đảo khách hàng chuyển tiền tới tài khoản của họ.

Tương lai của thanh toán điện tử tại Việt Nam

Những lợi ích mà thanh toán điện tử mang lại cũng là xu thế tất yếu. Vì vậy, cùng với thương mại điện tử, thanh toán điện tử góp phần thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp để thu được nhiều lợi ích nhất. Điều này quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, khi các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh một cách bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.

Báo cáo của PWC Việt Nam (2021) cho thấy, Đông Nam Á có vị trí tốt để thúc đẩy sự chuyển dịch sang thanh toán không dùng tiền mặt và thậm chí là những đổi mới lớn hơn trong hệ sinh thái dịch vụ kỹ thuật số. Với cơ sở tiêu dùng là 623 triệu người vào năm 2030, khu vực Đông Nam Á được dự đoán là nền kinh tế lớn thứ tư trên toàn cầu.

Là một trong những nền kinh tế đang lên của Đông Nam Á, Việt Nam có nhiều tiềm năng để thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ. Tổng giá trị giao dịch của thanh toán điện tử tại Việt Nam ước tính đạt 15 tỷ USD trong năm 2021 cùng với tốc độ tăng trưởng hàng năm dự kiến là 15,7% vào năm 2025.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam đã xác định thanh toán điện tử là một trong những xu hướng của tương lai nên nhiều ngân hàng đã không ngại đầu tư công nghệ mạnh và triển khai nhiều dịch vụ tiện ích cho người dân. Với những sản phẩm, dịch vụ thanh toán trực tuyến ngày một phát triển, khách hàng sẽ có nhiều hơn các cơ hội trải nghiệm mua sắm, giao dịch, từ đó đóng góp vào quá trình phát triển thương mại, tạo ra nhiều giá trị cho nền kinh tế.