Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có Báo cáo về kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ Chương trình phát triển nhà Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030. Theo đó, nhiều khả năng Thành phố phải điều chỉnh kế hoạch này.
Kết quả thực hiện phát triển nhà ở còn nhiều hạn chế, Thành phố cần điều chỉnh Kế hoạch
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có Báo cáo về kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ Chương trình phát triển nhà Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030.
Được biết, Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu phát triển đến năm 2025, phấn đấu chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn Thành phố đạt 23,5m2/người. Trong đó, tổng diện tích nhà ở tăng thêm giai đoạn 2021-2025 đạt 50,0 triệu m2 sàn, tương đương khoảng 367.000 căn nhà.
Thực tế, theo báo cáo về kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ, từ năm 2021 đến tháng 6 năm 2023, tổng diện tích xây dựng mới đạt 15,33 triệu m2/50 triệu m2, đạt 30,66% chỉ tiêu đề ra trong giai đoạn 2021-2025; diện tích nhà ở bình quân đến tháng 6 năm 2023 của Thành phố đạt 21,44 m2/người.
Trong đó, nhà ở thương mại phát triển 3,9 triệu m2 sàn, chiếm 25,19% so với chỉ tiêu đề ra; nhà ở riêng lẻ do dân tự xây phát triển 11,38 m2 sàn, chiếm 35,60% so với chỉ tiêu đề ra; nhà ở xã hội phát triển 32.668 m2 sàn, chiếm 1,31% so với chỉ tiêu đề ra.
Theo nhận định của các đơn vị chức năng, công tác phát triển nhà ở trên địa bàn Thành phố vẫn chưa bền vững, kết quả thực hiện chủ yếu vẫn là nhà ở riêng lẻ do dân tự xây dựng, nhà ở theo dự án chỉ chiếm tỷ lệ thấp với nguồn cung ngày càng giảm, chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội, nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người dân; chưa đa dạng về sản phẩm nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho thuê, nhà ở cho công nhân, nhà ở thương mại giá thấp.
Đồng thời, phát triển nhà ở chưa đảm bảo đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chung của Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều khu vực nhà ở do người dân tự xây chưa có hạ tầng được nâng cấp, đảm bảo phù hợp. Công tác quản lý vận hành, bảo trì nhà ở sau đầu tư xây dựng còn nhiều bất cập, việc cấp Giấy chứng nhận cho nhà ở sau khi hoàn thành còn chậm...
Điều chỉnh để hoàn thành hiệu quả các chỉ tiêu đề ra về phát triển nhà ở trong giai đoạn mới
Để đạt được chỉ tiêu đề ra tại thời điểm cuối nhiệm kỳ, Thành phố Hồ Chí Minh phải phát triển khoảng 36,65 triệu m2 sàn trong giai đoạn 2023-2025, tương ứng mỗi năm phát triển bình quân khoảng 12,2 triệu m2 sàn. Đây là con số chưa từng đạt được trong giai đoạn trước, khi thị trường bất động sản phát triển vượt bậc.
Do đó, khả năng hoàn thành chỉ tiêu phát triển 12,2 triệu m2 sàn trong từng năm còn lại là cực kỳ khó khăn. Việc này sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành chỉ tiêu 50 triệu m2 của giai đoạn 2021-2025. Với kết quả phát triển nhà ở như 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay, rất khó dự báo kết quả phát triển nhà ở trong giai đoạn sắp tới.
Kịch bản khả quan nhất là Thành phố Hồ Chí Minh giữ mức phát triển nhà ở như thời điểm trước khi dịch COVID-19 diễn ra, cụ thể phát triển bình quân khoảng 9 triệu m2/năm trong 3 năm còn lại. Khi đó, giai đoạn 2021-2025, dự báo Thành phố sẽ phát triển khoảng 40 triệu m2 sàn nhà ở, tương ứng với 80% chỉ tiêu đề ra.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Xây dựng hiện đang phối hợp đơn vị tư vấn tham mưu điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025 và xây dựng Kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023, 2024. Trong đó, sẽ xác định chỉ tiêu, giải pháp, cách thức tổ chức thực hiện và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc triển khai kế hoạch phát triển nhà ở.
Trên cơ sở đề xuất của Sở Xây dựng, Ủy ban Nhân dân Thành phố sẽ phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2023 và 2024 trong quý III năm 2023.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google