Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu xây dựng 100% trường học thông minh
Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, mục tiêu tổng quát đổi mới, phát triển toàn diện học sinh Thành phố Hồ Chí Minh, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo thế hệ trẻ thiết tha, gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức, có ý chí kiên cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có lối sống lành mạnh, ý thức trách nhiệm xã hội, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, có năng lực tiếp thu, có tư duy sáng tạo, kỹ năng thực hành, khả năng lập nghiệp, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố.
Giáo dục toàn diện học sinh gắn liền giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, khơi dậy lòng yêu nước, khát vọng cống hiến, niềm tự hào dân tộc, tự hào học sinh thành phố mang tên Bác qua xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong nhà trường và văn hóa học đường làm lan tỏa mạnh mẽ các giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến với cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên thành phố.
Xây dựng hệ thống giáo dục mở, phục vụ học tập suốt đời, công bằng và bình đẳng, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế.
Tiếp tục và tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo.
Phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.
Tiếp tục quan tâm, triển khai có hiệu quả, tạo ra sự khác biệt, tiệm cận với giáo dục tiên tiến hiện đại khu vực và thế giới, đặc biệt là đầu tư cho giáo dục ngoại ngữ, tin học đạt chuẩn quốc tế.
Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong giáo dục, đảm bảo người học có đủ kiến thức và kỹ năng, trở thành nguồn nhân lực xây dựng thành phố chuyển đổi số, thành phố thông minh; ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động của ngành và tiến tới xây dựng thành phố thông minh.
Đào tạo người học trở thành công dân yêu nước, tự hào dân tộc, có đạo đức, kỷ luật, ý thức trách nhiệm xã hội; có kỹ năng thực hành xã hội, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế.
Xây dựng, phát triển "Trường học hạnh phúc" dựa trên nguyên lý trải nghiệm hạnh phúc của con người: Kết nối với bản thân - Kết nối với người khác - Kết nối với thế giới tự nhiên. Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, nhiều không gian xanh, sạch, lành mạnh, thân thiện; học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên được yêu thương, tôn trọng, an toàn, chia sẻ và thấu hiểu.
Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu môn học; có tầm nhìn, tư duy phát triển; thực hiện tốt quy tắc ứng xử, mô phạm, đồng thời là tấm gương về giá trị đạo đức lối sống cho giáo viên, học sinh noi theo…
Kế hoạch cũng đề ra các chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 gồm: Đảm bảo cơ sở vật chất, trường lớp đạt chuẩn quốc gia: 60% trường mầm non, 80% trường tiểu học, 70% trường trung học cơ sở và 50% trường trung học phổ thông công lập.
Mỗi quận, huyện, thành phố Thủ Đức có ít nhất 2 trường ở mỗi cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thực hiện chương trình chất lượng cao "Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế"; thành phố có ít nhất 10 trường trung học phổ thông, trung học phổ thông chuyên có điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng dạy học đạt các tiêu chí trường chất lượng cao "Truờng tiên tiến, hội nhập quốc tế"; 100% trường học trên địa bàn thành phố phấn đấu xây dựng trường học thông minh.
Đảm bảo sĩ số ở các bậc học từ 30 đến 35 học sinh/lớp; 100% trường tiểu học, 70% trường trung học cơ sở học 2 buổi/ngày; có từ 80% trường trung học phổ thông trở lên ở mỗi quận, huyện, thành phố Thủ Đức dạy học 2 buổi/ngày; 30% trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đảm bảo đủ điều kiện tự chủ; 80% học sinh trung học phổ thông có thể thông thạo giao tiếp, tiếp cận học tập bằng ngoại ngữ (tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ).
100% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, 50% học sinh có trình độ tin học đạt chuẩn quốc tế; 100% trường học triển khai thực hiện Trường học hạnh phúc.
Đến năm 2030, 50% cơ sở giáo dục đạt các tiêu chuẩn Trường học hạnh phúc; đến năm 2045: mỗi năm học có thêm ít nhất 10% cơ sở giáo dục đạt các tiêu chuẩn Trường học hạnh phúc; 100% trường học xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở không gian vật thể và không gian phi vật thể…
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google