Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi mỗi người dân xây dựng thói quen đọc sách, tích cực học tập

PV
17:17 - 03/10/2024
Công dân & Khuyến học trên

Thành phố Hồ Chí Minh vừa khai mạc "Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024", xác định rõ: mỗi người dân cần chung tay góp sức xây dựng một thành phố không ngừng học hỏi và phát triển.

Ngày 3/10, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức Lễ khai mạc "Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024" với chủ đề: Phát triển văn hoá đọc thúc đẩy học tập suốt đời.
TP HCM phát triển văn hóa đọc để thúc đẩy học tập suốt đời- Ảnh 1.

Ông Phạm Ngọc Thưởng- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT - trao bằng công nhận cho đạt chuẩn chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, Trung học cơ sở mức độ 3 và đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2 cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc tổ chức tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong tầng lớp nhân dân, giúp nâng cao nhận thức của người dân, mở rộng quan điểm sống, mở rộng không gian, thời gian, phương pháp và hình thức học tập. 

Tại buổi lễ, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh vinh dự được UNESCO công nhận là thành phố học tập toàn cầu - đây là một niềm tự hào lớn, đồng thời cũng là một trách nhiệm to lớn. Theo bà Trần Thị Diệu Thúy, để xứng đáng với danh hiệu này, mỗi người dân cần chung tay góp sức xây dựng một thành phố không ngừng học hỏi và phát triển. Việc làm đầu tiên, quan trọng nhất chính là phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo đối với các cơ quan đơn vị, tổ chức đoàn thể, cá nhân... đẩy mạnh hưởng ứng, tuyên truyền cũng như đối mới cách thức tổ chức chương trình. 

Cùng với đó, Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức và 21 quận huyện cần tích cực xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng xã hội học tập trên địa bàn, nhằm giúp cho mỗi người có cuộc sống tốt đẹp hơn, xã hội ngày càng văn minh giàu đẹp hơn. Bà Thúy kêu gọi mỗi người dân hãy xây dựng thói quen đọc sách, tích cực học tập.

Trong khuôn khổ buổi lễ, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã trao bằng công nhận cho Thành phố Hồ Chí Minh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, Trung học cơ sở mức độ 3 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. 

Cũng tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những nỗ lực vượt bậc trong giáo dục và đào tạo vì phải đối mặt với những thách thức như quy mô dân số lớn nhất cả nước, hiện tượng di dân tự do lớn, một số thiết chế văn hóa dù được quan tâm nhưng trong bối cảnh chung cả nước vẫn còn thấp. Tuy nhiênThành phố Hồ Chí Minh đạt được tỷ lệ phổ cập cao, nhưng còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy văn hoá đọc, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời".

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, lợi thế giúp Thành phố Hồ Chí Minh có thể vượt qua thách thức là sự năng động, chủ động sáng tạo, không ngừng đổi mới của người dân thành phố, không chỉ trong kinh tế mà còn là văn hoá, xã hội qua khả năng tự học, dám đổi mới. 

"Muốn kinh tế phát triển thì phải có tri thức, muốn tri thức phải có sách, có phương pháp đọc và không ngừng học tập thường xuyên".
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng
Bình luận của bạn

Bình luận