Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ chìm một phần vào năm 2030?

HN
06:00 - 22/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Theo trang worldatlas.com, các nhà khoa học dự báo đến năm 2030, 9 thành phố có nguy cơ chìm một phần hoặc hoàn toàn do hậu quả của biến đổi khí hậu, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh.

Theo worldatlas.com, thành phố Hồ Chí Minh là một trong những thành phố có nguy cơ chìm một phần trong năm 2030. Các nhà khoa học dự báo đa số khu vực phía Đông nằm cạnh sông Sài Gòn sẽ sớm trở thành nơi khó sinh sống do triều cường và mưa bão. 

Đặc biệt, những khu vực của Thủ Thiêm, vốn là đầm lầy trũng thấp, dễ có nguy cơ ngập hoàn toàn dưới nước trước năm 2030. Trong khi đó, khu trung tâm của thành phố có thể duy trì lâu hơn, nhưng có nguy cơ bị tê liệt nghiêm trọng trong mùa mưa bão cực đoan.

Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ chìm một phần vào năm 2030 - Ảnh 1.

Nhiều khu vực thường xuyên bị ngập lụt tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TU TEO TEO/Shutterstock.com

Nguyên nhân thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên bị ngập lụt là do thành phố đang bị đe dọa bởi triều cường và ảnh hưởng của bão nhiệt đới diễn ra hàng năm. Lượng mưa, triều cường, lượng nước từ thượng lưu các sông đổ về, trong khi cơ sở hạ tầng về thoát nước đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu. Khác với mưa, thủy triều tuy là hiện tượng tự nhiên nhưng đỉnh triều tại một điểm nội địa là cộng hưởng giữa 5 yếu tố chính: đỉnh triều ngoài cửa sông, gió, lưu lượng tự nhiên của sông, cấu hình mạng sông - kênh rạch và lượng nước xả đập.

Năm 2021, Tổ chức Climate Central (Mỹ) cũng lập bản đồ những nơi trên thế giới có thể bị nước biển nhấn chìm trước năm 2030 dựa trên dữ liệu của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hiệp Quốc. Thành phố Hồ Chí Minh cũng nằm trong số 6 thành phố được cảnh báo có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm sớm hơn dự báo trước đây. Nguyên nhân là biến đổi khí hậu khiến băng ở hai cực tan với tốc độ báo động.

8 thành phố có thể bị nước nhấn chìm vào năm 2030

Ngoài thành phố Hồ Chí Minh, worldatlas.com cũng đưa ra danh sách 8 thành phố khác trên thế giới có nguy cơ chìm một phần hoặc hoàn toàn do hậu quả của biến đổi khí hậu vào năm 2030.

Một số thành phố trên toàn cầu dễ bị chìm hơn những thành phố khác vì nhiều lý do như độ cao thấp, vị trí ven biển và các khu vực chịu lũ lụt do bão và mưa lớn. Biến đổi khí hậu làm tan chảy băng ở vùng cực cũng làm thay đổi các mô hình thời tiết, bao gồm các cơn bão có cường độ mạnh hơn xảy ra tại các khu vực trước đây không bị ảnh hưởng bởi những hiện tượng thời tiết như vậy. Nước lũ cũng gây thiệt hại cho mùa màng. Nhiều khu vực phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và dịch bệnh do nguồn nước ô nhiễm. 

Dù nhiều thành phố đã chuẩn bị ứng phó cũng như thực hiện các biện pháp bảo vệ, nhưng vẫn đối mặt với hậu quả của xu hướng nóng lên toàn cầu liên tục và các tác động tự nhiên của tình trạng này.

Miami (Mỹ)

Mực nước biển tại Miami đang tăng với tốc độ nhanh nhất trên thế giới. Những năm gần đây, Miami phải đối mặt với lũ lụt, làm ô nhiễm nguồn nước và gây ra thiệt hại lớn cho cơ sở hạ tầng có giá trị của thành phố. 

Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ chìm một phần vào năm 2030 - Ảnh 3.

Miami rất dễ bị ngập lụt do nước biển dâng. Ảnh: World Atlas

Bangkok (Thái Lan) 

Bangkok hiện chỉ ở độ cao 1,5 mét so với mực nước biển. Với kết cấu là đất sét đặc, mềm cũng như phải hứng chịu nhiều hậu quả của ngập lụt, thủ đô Thái Lan có thể bị ngập cục bộ. Một số báo cáo cho rằng năm 2030, hầu hết khu vực ven biển Tha Kham, Samut Prakan và sân bay quốc tế Suvarnabhumi có thể ngập trong biển nước. 

Lượng mưa lớn liên tục, mực nước dâng cao và việc khai thác nước ngầm trong nhiều năm cũng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Theo Hội đồng Cải cách Quốc gia Thái Lan, thủ đô nước này đang ở trong tình trạng đáng báo động trong 15 năm tới. Các nhà khoa học cảnh báo Bangkok sẽ chìm hoàn toàn trong thế kỷ tới.

Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ chìm một phần vào năm 2030 - Ảnh 4.

Ngập lụt ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Wutthichai/Shutterstock.com

Amsterdam (Hà Lan) 

Amsterdam cũng đang bị đe dọa do mực nước biển ngày một dâng cao. Phần lớn diện tích của Hà Lan nằm dưới mực nước biển. Gần một thế kỷ qua, Amsterdam được duy trì chủ yếu nhờ hệ thống đập ngăn lũ của thành phố. 

Những trận lũ lớn trong lịch sử đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, đồng thời nhấn chìm nhiều nhà ở, ô tô cũng như các công trình kiến trúc khác. Dự báo, vị trí của Amsterdam sẽ ngang với mực nước biển trong chưa đầy 10 năm tới.

Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ chìm một phần vào năm 2030 - Ảnh 5.

Các hệ thống kênh đào khác nhau của Amsterdam liên kết với biển và dễ bị ảnh hưởng bởi

mực nước biển dâng cao. Ảnh: World Atlas

Barsa (Iraq)

Đây là một thành phố cảng quan trọng ở Iraq, nằm dọc theo dòng sông Shatt al-Arab rộng lớn. Các dòng chảy nơi đây xuôi về Vịnh Ba Tư, cùng với mạng lưới kênh rạch chằng chịt và suối chảy qua thành phố. 

Tuy nhiên, các đầm lầy mềm xung quanh khiến khu vực này dễ dàng bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng. Các nhà khoa học dự đoán Basra có thể bị nhấn chìm một phần hoặc thậm chí toàn phần trong vòng 10 năm tới. 

Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ chìm một phần vào năm 2030 - Ảnh 6.

Nước sông Shatt-al-Arab chảy qua Basra thường xuyên dâng cao khiến Basra dễ bị ngập lụt.

Ảnh: World Atlas

Georgetown (Guyana)

Khác với các thành phố ở vùng nhiệt đới, các thành phố ven biển như Georgetown sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ quá trình mực nước biển dâng cao. Bờ biển Guyana đòi hỏi phải duy trì liên tục các giải pháp khẩn cấp để ngăn chặn các nguy cơ thảm khốc trong tương lai.

Georgetown đã tự bảo vệ mình bằng "bức tường biển" dài 450 km để chống lại những cơn bão. Theo Báo cáo của IPCC (Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu), viễn cảnh Georgetown bị nhấn chìm trong vòng 10 năm là hoàn toàn có thể xảy ra. 

Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ chìm một phần vào năm 2030 - Ảnh 7.

Thành phố Georgetown nhìn từ trên cao. Thành phố rất dễ bị ngập lụt do nước biển dâng. Ảnh: World Atlas

Kolkata (Ấn Độ)

Nơi đây được biết đến với lễ hội thường niên Durga Puja, mang lại cho người dân địa phương nơi đây và khách du lịch trải nghiệm độc đáo. Tuy nhiên, những người dân nghèo ở Kolkata phải đối mặt với các thảm họa thiên nhiên thường xuyên. 

Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ chìm một phần vào năm 2030 - Ảnh 8.

Đường phố tại Kolkata sau trận lốc xoáy thảm họa Amphan vào năm 2020. Ảnh: World Atlas

New Orleans (Mỹ)

Nằm ở vị trí đồng bằng sông, New Orleans bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng và lũ lụt xảy ra thường xuyên. Ngoài ra, hoạt động của con người như khoan dầu khí cũng khiến tình hình trở nên tệ hơn trong những năm tới. 

New Orleans tự hào với hệ thống đê nổi tiếng, đặc biệt là khu vực xung quanh hồ Maurepas ở phía bắc và hồ Salvador và hồ Little ở phía nam. Tuy nhiên, hiện nay, hơn một nửa bề rộng của thành phố đã thấp hơn mực nước biển. 

Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ chìm một phần vào năm 2030 - Ảnh 9.

Quảng trường Jackson tại New Orleans sau một trận bão. Ảnh: World Atlas

Venice (Italy)

Mỗi năm, Venice thường xuyên phải đối mặt với lũ lụt và triều cường. Năm 2019, 90% thành phố Venice bị ngập lụt và tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn do xói mòn bờ biển. Hàng rào ngăn lũ đã được thiết kế từ năm 1980 và tiến hành xây dựng từ 2003 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. 

Ngoài ra, để ứng phó với tình trạng báo động này, chính phủ đã cấm các tàu du lịch lớn đi qua Venice. Tuy nhiên, trong tương lai, với tác động của biến đổi khí hậu khiến mực nước biển ngày càng dâng cao, hiện tượng sụt lún và triều cường thường xuyên hơn hoàn toàn có thể xảy ra với thành phố này.

Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ chìm một phần vào năm 2030 - Ảnh 10.

Tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng tại Venice cảnh báo về tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Ảnh: Alena Veasey/Shutterstock.com