Thành phố Hà Tĩnh lan tỏa chủ trương "Ngày chủ nhật không dạy thêm, học thêm"

Trần Vũ
11:24 - 14/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Lễ phát động "Ngày chủ nhật không dạy thêm, học thêm" vừa diễn ra tại tỉnh Hà Tĩnh chiều 13/11. Đại diện các nhà trường trên địa bàn thành phố đã ký cam kết không dạy thêm, học thêm ngày chủ nhật. Ngay sau sự kiện, các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố Hà Tĩnh sẽ tổ chức phát động chương trình này.

Thành phố Hà Tĩnh lan tỏa chủ trương "Ngày chủ nhật không dạy thêm, học thêm"- Ảnh 1.

Ngay sau sự kiện, các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố Hà Tĩnh sẽ tổ chức phát động chương trình "Ngày chủ nhật không dạy thêm, học thêm". Ảnh: baophapluat.vn

Các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố Hà Tĩnh sẽ tổ chức phát động chương trình "Ngày chủ nhật không dạy thêm, học thêm"

Tại lễ phát động, Bí thư Thành ủy Hà Tĩnh Dương Tất Thắng kêu gọi toàn xã hội cùng hưởng ứng, đồng hành chủ trương này, nhằm bảo đảm sự khoa học trong bố trí thời gian học tập và nghỉ ngơi, giúp học sinh giảm áp lực, căng thẳng, phát triển hài hòa, toàn diện về trí tuệ, thể chất và tinh thần.

Thành phố Hà Tĩnh phát động chủ trương "Ngày chủ nhật không dạy thêm, học thêm" nhằm tiếp tục tạo sự chuyển biến tích cực trong tư tưởng, nhận thức và hành động của các cấp quản lý, của các thầy, cô giáo, các em học sinh và các bậc phụ huynh trong việc tạo lập một kế hoạch học tập cho học sinh. Đồng thời, bảo đảm hài hòa, khoa học, giúp các em giảm áp lực, căng thẳng trong học tập; có cơ hội để nghỉ ngơi, vui chơi, hoặc tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, giải trí; hướng tới một môi trường giáo dục lành mạnh, hạnh phúc.

Ngay sau sự kiện, các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố Hà Tĩnh sẽ tổ chức phát động chương trình này. Thành phố Hà Tĩnh đề nghị các địa phương, đơn vị tổ chức kịp thời, có hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến rộng rãi chủ trương, nội dung phát động để các tổ chức, cá nhân và người dân trên toàn thành phố được biết, tham gia hưởng ứng tích cực.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ngành, các cơ quan, đơn vị, các địa phương, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo kịp thời, tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm.

Thành phố Hà Tĩnh lan tỏa chủ trương "Ngày chủ nhật không dạy thêm, học thêm"- Ảnh 2.

Thành phố Hà Tĩnh muốn thực hiện nghiêm túc và đặc biệt ngày chủ nhật, các em học sinh phải được nghỉ ngơi, vui vẻ bên gia đình không bị ảnh hưởng bởi áp lực học tập, học thêm. Ảnh: baohatinh.vn

Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Tĩnh đã triển khai có hiệu quả các hoạt động đổi mới, ứng dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến, thí điểm triển khai một số mô hình mới… Quy định về tổ chức dạy thêm, học thêm cũng đã có nhưng Thành phố Hà Tĩnh muốn thực hiện nghiêm túc và đặc biệt ngày chủ nhật, các em học sinh phải được nghỉ ngơi, vui vẻ bên gia đình không bị ảnh hưởng bởi áp lực học tập, học thêm.

Trước đó, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Tĩnh đã yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học trên địa bàn, Ủy ban nhân dân các xã phường, các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về dạy thêm, học thêm.

Theo đó, với nhà trường dạy học 2 buổi/ngày, nhà trường và giáo viên không được tổ chức dạy thêm, học thêm cho học sinh. Việc ôn thi tốt nghiệp, ôn thi chuyển cấp, phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi chỉ bố trí trong các buổi học tại trường (nếu phụ huynh có đề nghị bằng văn bản). Không dạy thêm trẻ mầm non đã hoàn thành chương trình mẫu giáo 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1, học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý của giáo viên đó.

Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm, các trường hợp không được dạy thêm, học thêm, trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của địa phương, cơ sở giáo dục.

Theo đó, hoạt động dạy thêm, học thêm phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản sau: Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau, khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh; không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá; đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm; hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của học sinh.

Về các trường hợp không được dạy thêm, học thêm: Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Về trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của địa phương, cơ sở giáo dục, Thông tư số 17 quy định: "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn"...


Nguồn: Tổng hợp
Bình luận của bạn

Bình luận