Nguyên nhân nào khiến dạy thêm, học thêm không thể dẹp bỏ?

Nguyễn Khanh
11:39 - 06/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra tràn lan ở các mọi nơi, mọi cấp học phổ thông mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải ban hành văn bản chấn chỉnh nhưng tình trạng học thêm, dạy thêm sai quy định vẫn diễn ra.

Đa số những giáo viên dạy thêm đều đang dạy thêm cho học trò chính khóa của mình. Một số giáo viên lên lớp kiểm tra bài cũ gọi theo kiểu "gọi bất chợt, hỏi bất chợt" khiến cho học sinh không kịp xoay x nên bị điểm thấp. Từ đó, khiến cho một bộ phận học sinh dù không muốn học thêm vẫn phải đi học thêm.

Nguyên nhân nào khiến dạy thêm, học thêm không thể dẹp bỏ? - Ảnh 2.

Dạy thêm, học thêm khiến học sinh phải học các kiến thức cơ bản trong môi trường và không gian thiếu thốn, chật hẹp, tùy tiện. Ảnh: NN

Phụ huynh thì oằn mình đóng góp, chi trả tiền học thêm của con em mình cho 1 đơn vị kiến thức nhưng phải học đi, học lại nhiều lần vì cũng cùng bài học đó mà học sinh học chính khóa, học thêm ở trường, học thêm ở nhà thầy cô giáo.

Dạy thêm, học thêm khá phổ biến ở các cấp học phổ thông

Ngày 26/ 8/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT công bố hết hiệu lực các Điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT chỉ cấm dạy văn hóa ở cấp tiểu học, các môn năng khiếu ở tiểu học và các môn văn hóa ở cấp trung học phổ thông, trung học cơ sở thì Bộ không cấm dạy thêm, học thêm. Vì thế, nhiều trường trung học cơ sở; trung học phổ thông đang tổ chức dạy thêm "tự nguyện" tại trường.

Nhiều giáo viên không chỉ tham gia dạy thêm cho học sinh ở trường mà họ còn mở lớp dạy thêm tại nhà với mức phí tương đối cao. Đối với giáo viên các môn Toán, Anh, Hóa, Lí, Sinh, Văn… cấp trung học phổ thông ở các trường khu vực đô thị dạy thêm khá phổ biến với mức phí 4-5 trăm ngàn đồng/ tháng/ học sinh. Cũng các môn học này ở cấp trung học cơ sở thường giá phí thấp hơn một chút nhưng cũng đều từ 300 ngàn đồng/ tháng trở lên.

Cấp tiểu học, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo cấm dạy thêm văn hóa nhưng nhiều giáo viên chủ nhiệm các lớp học ở khu vực thành phố, vùng có điều kiện vẫn nuôi học trò tại nhà mình suốt cả năm học. Buổi sáng, phụ huynh đưa con đến trường, trưa thì thầy cô đưa học trò về nhà mình lo cơm nước, chiều dạy thêm tại nhà.

Phần nhiều những học sinh tích cực đi học thêm với những thầy cô đang dạy chính khóa sẽ thường có điểm số ở mức khá, giỏi trong các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ đề kiểm tra cơ bản đã được giáo viên tiết lộ trên lớp học thêm. Vì thế, điểm tổng kết của các môn học nâng lên, học sinh giỏi cũng nhiều lên. Trường nào, môn nào, giáo viên nào có dạy thêm là ở đó có điểm số cao bất ngờ. Nhiều lớp học đại trà bây giờ ở một số trường rất ít học sinh có học lực trung bình (đạt). Vì thế, có những học sinh đạt điểm trung bình môn cả năm lên đến 9,0 điểm mà nằm ở tốp giữa của lớp.

Một lẽ đương nhiên là khi giáo viên dạy thêm cho học trò chính khoa, nuôi - dạy học trò tại nhà cũng đồng nghĩa là giáo viên sẽ có "trách nhiệm" nâng cao chất lượng học tập cho học sinh của mình. Vì vậy, không ít những em không đi học thêm với những thầy cô đang dạy chính khóa thường vẫn được thầy cô quan tâm nhiều hơn bằng cách gọi bất chợt, hỏi bất ngờ khi ở trên lớp.

Bức tranh dạy thêm, học thêm đang tạo ra nhiều hệ lụy xấu

Mỗi khi đề cập đến chuyện dạy thêm, học thêm cũng đồng nghĩa sẽ đụng chạm đến quyền lợi của một bộ phận giáo viên, nhà trường đang dạy thêm hiện nay và nhiều người cho rằng việc dạy thêm là chính đáng, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh. Nhiều người còn cho rằng có cung ắt có cầu nhưng thực tế có mấy phụ huynh muốn cho con mình đi học thêm? Và, tất nhiên cũng không phải học sinh đều thiết tha đi học thêm suốt từ lớp 1 cho đến lớp 12, nhất là học sinh ở các khu vực đô thị.

Chương trình 2006 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo giảm tải nhiều lần. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã không còn hướng đến việc truyền thụ kiến thức mà hướng tới việc phát triển phẩm chất, năng lực cho học trò. Thế nhưng, dạy thêm, học thêm vẫn không giảm mà ngày càng thấy phức tạp hơn.

Một bài học, một đơn vị kiến thức nhưng nhiều khi học sinh đang phải đi học lại nhiều lần: học chính khóa; học thêm ở trường; học thêm ở nhà thầy cô giáo khiến cho học sinh nhàm chán, thiếu đi động lực học tập và tính sáng tạo. Nhiều học sinh lên lớp không thiết tha với chuyện học hành vì các em đã được học ở lớp học thêm.

Rõ ràng, những năm qua, bức tranh dạy thêm của nhiều giáo viên, nhiều trường học đang làm cho niềm tin của phụ huynh, của xã hội bị mai một vì gánh nặng tiền bạc luôn đè nặng lên vai cha mẹ học trò. Một khi còn tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay thì rất khó đảm bảo được tiêu chí "dạy thật, học thật và thi thật". Mục tiêu dạy học để phát triển phẩm chất, năng lực của người học mà chương trình giáo dục phổ thông 2018 đề ra cũng khó đạt được.

Nhưng, cấm hoặc hạn chế dạy thêm, học thêm bằng cách nào vẫn là một bài toán chưa có lời giải cụ thể. Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cấm dạy thêm các môn văn hóa ở tiểu học, các cấp còn lại không cấm. Thi cử hiện nay vẫn còn nặng nề, bệnh thành tích của các nhà trường vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, nhiều trường học, giáo viên vẫn muốn tăng thêm thu nhập hàng tháng… Có thể nói, đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm tiếp diễn không thể thuyên giảm được. 

Một giải pháp căn cơ cho tình trạng dạy thêm, học thêm có lẽ đang được rất nhiều phụ huynh chờ đợi từ các cơ quan chức năng.

Bình luận của bạn

Bình luận