Hải Phát Invest: Vung tiền thâu tóm dự án khủng, nhưng vay ngân hàng để trả lương

Vân Anh
14:05 - 23/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Thời gian qua, Hải Phát Invest gây ấn tượng khi “vung” tiền thâu tóm loạt dự án khủng ở nhiều tỉnh thành. Thế nhưng, công ty lại phải đi vay lãi để trả lương cho nhân viên.

Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest) thành lập năm 2003 với tiền thân là Công ty cổ phần Xây dựng - Du lịch Hải Phát. Người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty là ông Đỗ Hải An.

Vài năm trước, Hải Phát Invest mới được coi là “tay chơi mới” trên thị trường bất động sản Hà Nội. 

Năm 2021, Hải Phát Invest đã thực hiện rất nhiều thương vụ thâu tóm dự án khủng đồng thời huy động trái phiếu. Thế nhưng, công ty này lại gây bất ngờ khi phải vay tiền ngân hàng để trả lương thưởng cho người lao động.

Hải Phát Invest: Vung tiền thâu tóm dự án khủng, vay ngân hàng trả lương - Ảnh 1.

Hải Phát Invest gây ấn tượng khi “vung” tiền thâu tóm loạt dự án khủng ở nhiều tỉnh thành. Ảnh: Minh Minh/Báo Đấu thầu

Phát hành trái phiếu, vung tiền thâu tóm loạt dự án khủng

Từ ngày 5/5/2021 - 10/2/2022, Hải Phát Invest đã phát hành tổng cộng 13 đợt trái phiếu, huy động thành công 3.450 tỉ đồng. 

Cộng với các khoản vay, tại ngày 31/3/2021, tổng nợ vay tại Hải Phát Invest đạt 5.509 tỉ đồng, chiếm 81,7% tổng nợ phải trả của công ty và chiếm 53,5% tổng nguồn vốn.

Có dòng vốn lớn trong tay, Hải Phát Invest tập trung thâu tóm dự án khủng ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Tại ngày 31/12/2021, ở khoản mục phải thu ngắn hạn, giá trị tiền đặt cọc theo hợp đồng nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty là gần 431 tỉ đồng; Đặt cọc theo hợp đồng nhận chuyển nhượng dự án là 408 tỉ đồng. Tuy nhiên, Hải Phát Invest không tiết lộ các đối tác và dự án nhận chuyển nhượng của mình. 

Xét về dài hạn, chỉ tiêu phải thu theo các hợp đồng hợp tác đầu tư là 547 tỉ đồng. Trong đó, bao gồm: 

Khoản đặt cọc 197 tỉ đồng cho một bên liên quan cho mục đích đầu tư, góp vốn đầu tư, xây dựng, triển khai và thực hiện dự án Khu đô thị Mỹ Hưng – Cienco 5 xã Mỹ Hưng, Tam Hưng, Cự Khê và Bình Minh, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội và khoản góp vốn 350 tỉ đồng theo hợp đồng hợp tác giữa nhóm công ty và một công ty liên kết cho mục đích góp vốn, tham gia đầu tư xây dựng, triển khai, khai thác kinh doanh và vận hành Dự án Khu nhà ở tại lô đất ký hiệu 3, phía đông đường Hùng Vương, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Ngoài ra, Hải Phát Invest còn đầu tư vào Trung tâm Dịch vụ Du lịch Hàm Tiến – Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận,...

Trong năm 2021, Hải Phát Invest đã liên tục đề xuất đầu tư thêm nhiều dự án “khủng” tại các tỉnh như 4 dự án khu đô thị hơn 90ha ở thành phố Điện Biên, gồm: Khu đô thị sân bay Mường Thanh (thuộc phường Thanh Bình và phường Thanh Trường, quy mô khoảng 23,41ha); khu nhà ở trung tâm hành chính mới (thuộc phường Noong Bua, quy mô khoảng 6,79ha); khu đô thị phía Tây Bắc thành phố (phường Thanh Trường, quy mô khoảng 48,25ha); khu đô thị mới Him Lam (phường Him Lam, quy mô khoảng 12ha)…

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 được tổ chức trong ngày 9/4, Hải Phát Invest cho biết M&A vẫn nằm trong chiến lược phát triển của đơn vị này. 

Với các dự án để đủ điều kiện triển khai thi công năm 2022, Hải Phát sẽ tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án như dự án đấu giá đất tại Lào Cai, Mai Pha… đồng thời đẩy nhanh hoàn thiện pháp lý cho các dự án Đồng Quang, dự án Tây Nam An Khánh, dự án TM1 Nha Trang,...

Vay ngân hàng trả lương

2021 là năm nợ vay tại Hải Phát Invest tăng tốc. Tại thời điểm cuối năm 2021, nợ phải trả tại Hải Phát Invest lên đến 6.052 tỉ đồng, tăng 2.294 tỉ đồng, tương đương 61% so với hồi cuối năm 2020. Một phần không nhỏ trong số này là trái phiếu.

Bước sang năm 2022, nợ vay tại Hải Phát Invest không những không chững lại mà còn đi lên. Tại ngày 31/12/2022, nợ phải trả công ty này tăng 691 tỉ đồng, tương đương 11,4% so với hồi cuối năm 2021 lên 6.743 tỉ đồng. 

Trong nợ phải trả, nợ vay đạt tới 5.509 tỉ đồng, chiếm 81,7% nợ phải trả. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng từ 2.345 tỉ đồng lên 2.766 tỉ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng từ 2.347 tỉ đồng lên 2.743 tỉ đồng. 

Khác với trước đây, nợ vay không chỉ để dành cho mua dự án, tạo vốn lưu động cho công ty mà lần này, một mục đích mới xuất hiện. Đó là vay để chi trả cho.... tiền lương.

Cụ thể, tại ngày 31/3/2022, Hải Phát Invest có khoản vay trị giá hơn 8 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Sở Giao dịch 3. Đây là khoản vay ngắn hạn, lãi suất tại thời điểm giải ngân là 7,15%/năm. Mục đích là thanh toán lương.

Đồng thời, Hải Phát Invest cũng ký hợp đồng tín dụng Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam – Chi nhánh Đô Thành trong ngày 8/3/2022. Hạn mức cấp tín dụng 20 tỉ đồng. Thời hạn vay không quá 6 tháng, lãi suất 6,5%. Mục đích vay là thanh toán lương thưởng.