Vinafor cổ phần hóa được 6 năm nhưng cơ cấu lợi nhuận chưa thay đổi so với thời doanh nghiệp Nhà nước
Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam Vinafor (mã chứng khoán VIF - HNX) công bố chốt danh sách chia cổ tức bằng tiền mặt tỉ lệ 6,49%, ngày đăng ký cuối cùng là 6/7, ngày thực hiện chi trả là 29/7.
Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên, năm 2021, dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty, việc bán căn hộ tại 32 Đại Từ không thực hiện được theo kế hoạch do giãn cách xã hội và nhu cầu nhà ở sụt giảm mạnh trong quý II và quý III/2021, do đó Vinafor đã phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh 2021.
Trong năm này, khối các đơn vị lâm nghiệp của Vinafor đã tạo mới được 3.034ha rừng (trong đó đã đưa cây mắc ca vào trồng thử nghiệm được 35ha, cây dẻ được 9ha.
Vinafor cũng đã phối hợp với đối tác Maruwa để hoàn thiện đề án thành lập công ty liên doanh tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, Vinafor đã ký hết hợp đồng liên doanh 3 bên với Tập đoàn Sojitz- Nhật Bản và Công ty TNHH Hoàng Đại Vương để thành lập công ty liên doanh sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu.
Năm 2021, Vinafor đạt doanh thu hợp nhất 2.311 tỉ, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 288 tỉ, công ty mẹ đạt doanh thu 1.102 tỉ (trong đó doanh thu từ kinh doanh gỗ là 462 tỉ, doanh thu từ bán ván MDF là 256 tỉ, doanh thu từ hoạt động khai thác rừng trồng là 27,5 tỉ) và lợi nhuận sau thuế la 219 tỉ.
Năm 2022. Vinafor đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 2.360 tỉ (tăng 2%), lợi nhuận sau thuế hợp nhất 330 tỉ, tăng 15% so với năm 2021. Kế hoạch này được cho là khá khiêm tốn trong bối cảnh giá gỗ nguyên liệu tăng mạnh trên thế giới.
Các năm sau cổ phần hóa mặc dù doanh thu tương đối ổn định nhưng lợi nhuận của VIF liên tục sụt giảm. Năm 2017 lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 1.091 tỉ, năm 2018 giảm xuống còn 860 tỉ, năm 2019 là 553 tỉ, năm 2020, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 317,6 tỉ và năm 2021 chỉ còn vỏn vẹn 295,6 tỉ (chỉ bằng 27% lợi nhuận của năm 2017).
Đây là điều đáng buồn bởi vì các năm vừa qua giá gỗ nguyên liệu trên thế giới tăng khá mạnh, các loại gỗ rừng trồng ngày càng có giá. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam cũng tăng trưởng liên tục các năm gần đây, trở thành ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất lĩnh vực nông nghiệp.
Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 11 tỉ USD gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 20% so với 2018). Bất chấp COVID-19, năm 2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,6 tỉ USD, năm 2021 đạt 14,8 tỉ USD và lâm sản ngoài gỗ đạt 1,15 tỉ USD.
Năm 2021, chỉ tính riêng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã gấp rưỡi kim ngạch xuất khẩu thủy sản (8,9 tỉ USD), gấp hơn 4 lần kim ngạch xuất khẩu gạo (3,3 tỉ USD) và gần 5 lần cà phê (3 tỉ USD). Theo Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,15 tỉ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Vinafor là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực lâm nghiệp, có vốn điều lệ 3.500 tỉ, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là trồng rừng, khai thác, chế biến gỗ. Vinafor cổ phần hóa năm 2016, cổ đông chiến lược nắm 40% là Tập đoàn T&T của bầu Hiển, phần vốn nhà nước chiếm 51% đã được chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tại thời điểm cổ phần hóa vào năm 2016, Vinafor quản lý và sử dụng 923,8 triệu m2 đất trải dài trên 12 tỉnh thành phố bao gồm 92.192ha đất nông nghiệp và 1,9 triệu m2 đất phi nông nghiệp.
Vinafor đã triển khai một số dự án bất động sản, ví dụ Dự án Tòa nhà hỗn hợp đa năng và chung cư cao cấp tại số 55 đường 430 Vạn Phúc, Hà Đông, Dự án Eco Lake View tại số 32 phố Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội...
Tại thời điểm chào bán chứng khoán lần đầu tiên (IPO), Vinafor có 19 công ty con, 18 công ty liên kết và 11 công ty liên doanh. Trong đó, liên doanh sản xuất xe máy (của Vinafor với hãng Yamaha - Nhật Bản và Cty Công nghiệp Hong Leong - Malaysia) và liên doanh chế biến gỗ (với Tập đoàn Sojitz Nhật Bản và JK Paper của Ấn Độ) là các khoản đầu tư tài chính nổi tiếng mang về lợi tức khủng hàng năm cho Vinafor.
Năm 2018, Vinafor thu về 823 tỉ đồng cổ tức và lợi nhuận được chia, chiếm trên 90% trong cơ cấu lợi nhuận của công ty. Năm 2019, Vinafor thu được 616,6 tỉ cổ tức và lợi nhuận được chia, nên mặc dù hoạt động kinh doanh chính bị lỗ, nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ vẫn đạt 542 tỉ và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 553,2 tỉ.
Năm 2021, Vinafor có tiền thu lãi cho vay, cổ tức và lợi nhuận được chia là 320,4 tỉ. Dòng tiền dồi dào từ cổ tức liên doanh được Vinafor đem gửi ngân hàng giúp thu về 196,3 tỉ tiền lãi năm 2020 và 140,4 tỉ năm 2021.
Vinafor đã cổ phần hóa được 6 năm nhưng cơ cấu lợi nhuận chưa thay đổi so với thời DNNN: chủ yếu lợi nhuận của Vinafor là từ các công ty liên doanh với Nhật (Yamaha và Sojitz) đem lại, còn mảng hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Vinafor là mảng lâm nghiệp vẫn có hiệu quả chưa cao, thậm chí thua lỗ.
Tại phiên họp đại hội cổ đông đã có ý kiến cổ đông đề nghị công ty cải tiến cơ cấu lợi nhuận, nâng cao hiệu quả của mảng lâm nghiệp, khai thác và chế biến gỗ, đồng thời đề nghị công ty quan tâm hơn đến việc nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ.
Theo báo cáo thường niên 2020, công ty có 20.281ha rừng đạt chứng chỉ FSC và là một trong những đơn vị có diện tích rừng đạt chứng chỉ lớn nhất toàn quốc.
Năm 2020, VIF sản xuất được 93.880 tấn gỗ nguyên liệu. Chủ tịch Hội đồng quản trị Phí Mạnh Cường đã từng công bố ở đại hội cổ đông rằng VIF phấn đấu đến năm 2030 khoảng 90-95% diện tích rừng đạt chứng chỉ FSC.
Hiện năng suất sinh khối rừng của Vinafor vào khoảng 14 - 15 tấn/ha/năm, có đơn vị đạt 20 tấn/ha, trong khi năng suất bình quân cả nước chỉ khoảng 10 tấn/ha/năm.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google