Tháng 11, Biển Đông có thể xuất hiện 1 - 2 cơn bão ảnh hưởng đến nước ta
Trong tháng 10 đã xuất hiện 3 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông. Dự báo trong tháng 11, Biển Đông có thể xuất hiện 1 - 2 cơn bão ảnh hưởng đến nước ta.
Theo bản tin dự báo xu thế khí hậu tháng 11/2022 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong tháng 11 có khả năng xuất hiện khoảng 1 hoặc 2 xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Ngoài ra, có khả năng tháng 1/2023 vẫn xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Nam Biển Đông.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết thêm: Không khí lạnh được dự báo sẽ gia tăng tần suất và cường độ, tập trung trong nửa cuối tháng 11/2022.
Từ đêm 3/11, các tỉnh miền Bắc chịu tác động của một đợt không khí lạnh yếu tăng cường xuống nước ta. Do tác động của đợt không khí lạnh này nên từ đêm 3/11, khu vực Đông Bắc Bộ có mưa nhỏ vài nơi. Từ ngày 4/11, khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ có mưa nhỏ rải rác, nền nhiệt giảm.
Trước đó, vào tháng 10 đã xảy ra 1 đợt gió mùa Đông Bắc ngày 10/10 và 1 đợt không khí lạnh tăng cường, kéo dài từ ngày 16-20/10.
Nhiệt độ trung bình tháng 11 tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến cao hơn 0,5 độ C, các khu vực khác phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Tổng lượng mưa khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trong tháng 11 thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20-30%, khu vực vùng núi phía Bắc Bắc Bộ thấp hơn 30-50%; khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cao hơn 5-10% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; khu vực Nam Bộ phổ biến cao hơn 10-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Thiệt hại do thiên tai tháng 10 hơn 2.200 tỷ đồng
Trong tháng 10/2022, đã xuất hiện 3 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông, bao gồm: Cơn bão số 5-SONCA từ ngày 13-15/10, cơn bão số 6-NESAT từ ngày 16-20/10, áp thấp nhiệt đới tháng 10 từ ngày 22-23/10 và cơn bão số 7-NALGAE đi vào biển Đông từ sáng sớm ngày 30/10. Sáng 3/11, sau khi đi vào khu vực đất liền tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ cơn bão số 7) đã suy yếu thành một vùng áp thấp. Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và tan dần.
Tháng 10, cả nước đã xảy ra 5 đợt mưa diện rộng tập trung chủ yếu tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ vào các ngày: Từ ngày 27/9-3/10, 7-10/10, 11-16/10 và từ 19-22/10 và từ ngày 25-27/10. Trong đó, đáng lưu ý là đợt mưa từ ngày 11-16/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh, sau đó có kết hợp với hoàn lưu của cơn bão số 5 (từ ngày 14/10), khu vực Trung và Nam Trung Bộ có mưa lớn diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến từ 250-400mm, riêng khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Đà Nẵng từ 700-850mm. Ngoài ra, đợt mưa từ ngày 25-27/10, do ảnh hưởng của nhiễu động gió Đông, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ có mưa diện rộng, riêng khu vực từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi cao hơn như tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 276mm, Đồng Hới (Quảng Bình) 299mm, Trà My (Quảng Ngãi) 251mm…
Thiên tai trong tháng 10/2022 đã làm 14 người chết, mất tích; 9 người bị thương; 6 nhà bị sập, 66 nhà hư hỏng, tốc mái, hơn 100.000 nhà ngập nước; 946 ha lúa, 1.828ha hoa màu, 883ha cây trồng khác và 93.370 chậu hoa, cây cảnh ngập úng, thiệt hại; 746 con gia súc, 62.882 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 204ha nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại.
Thiên tai tháng 10 đã làm 77,25km đê, kè, kênh mương bị hư hỏng, sạt lở; 24,7km bờ sông, bờ biển bị sạt lở; 14,95km đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng; 165.679m3 đất, đá, bê tông sạt lở; 16 cầu bị hư hỏng. Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 2.235 tỷ đồng.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google