Bão số 7 ít có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta

Lan Dương
10:34 - 01/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tới, bão số 7 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau suy yếu thành vùng áp thấp trên vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông, ít có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Bão số 7 ít có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta - Ảnh 1.

Bản đồ dự báo quỹ đạo của bão số 7. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh, ở đảo Bạch Long Vĩ đã có gió Đông Bắc đến Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 9; biển động. Ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có gió Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 8; biển động mạnh.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Hồi 7 giờ ngày 1/11, vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 550km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133km/giờ), giật cấp 14.

Diễn biến của bão số 7

Trung tâm này dự báo, đến 7 giờ ngày 2/11, tâm bão số 7 mạnh cấp 10, giật cấp 12 ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc - 114,6 độ Kinh Đông; cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 540km về phía Bắc Đông Bắc. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới từ 17,0-22,5 độ Vĩ Bắc; 112,5-117,5 độ Kinh Đông. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai đạt cấp 3 ở vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông.

Trong 24-48 giờ tới, bão số 7 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 7 giờ ngày 3/11, vùng tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9 ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc -112,6 độ Kinh Đông; cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 470km về phía Bắc. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24-48 giờ tới từ Phía Bắc vĩ tuyến 18,0 độ Vĩ Bắc; 111,0-117,0 độ Kinh Đông. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai đạt cấp 3 đạt vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông.

Trong 48-72 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và suy yếu dần thành vùng áp thấp.

Đến 7 giờ ngày 4/11, vùng áp thấp mạnh dưới cấp 6 ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc - 109,1 độ Kinh Đông; cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 440km về phía Bắc Tây Bắc.

Bão số 7 ít có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta - Ảnh 3.

Hình ảnh vệ tinh của bão số 7 từ Đài Khí tượng cao không.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo: Ngày và đêm 2/11, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, riêng vùng biển phía Bắc gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão số 7 mạnh cấp 9-10, giật cấp 12; biển động dữ dội, sóng biển cao từ 6-8m, vùng gần tâm bão số 7 8-10m. Từ đêm gió giảm dần.

Khu vực vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc đến Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; biển động; sóng biển cao từ 1,5-3,0m. Vùng biển từ Quảng Trị đến Ninh Thuận có gió Bắc đến Tây Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 2,0-4,0m. Từ chiều gió giảm dần.

Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn. Nguy cơ sạt lở bờ biển tại các tuyến xung yếu.

Hơn 30.000 tàu đã biết diến biến của bão số 7

Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết: Theo báo cáo nhanh số 414/BC-BTM ngày 1/11 của Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h30 ngày 1/11, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 30.464 tàu/161.564 lao động biết diễn biến của bão số 7 để di chuyển phòng tránh, trong đó có 7 tàu/48 người tỉnh Quảng Ngãi ở khu vực quần đảo Hoàng Sa (2 tàu/16 người neo tại đảo Đá Bắc và Bông Bay; 5 tàu/32 người di chuyển xuống phía Nam Hoàng Sa).

Ngày 30/10, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã có công điện số 38/CĐ-QG đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận chủ động ứng phó với bão số 7 (NALGAE).

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã có công điện số 37/CĐ-QG ngày 29/10 và văn bản số 556/VPTT ngày 28/10 đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận chủ động ứng phó với bão.

Ngày 30/10, Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Philippines và Đài Bắc đề nghị hỗ trợ tàu cá Việt Nam neo đậu, tránh trú bão; Bộ Quốc phòng đã có công điện số 44/TK ngày 29/10 chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động sẵn sàng ứng phó với diễn biến bão.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai; chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tới các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó.

14/19 tỉnh, thành phố ven biển gồm: Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa và Ninh Thuận đã ban hành công điện/văn bản chỉ đạo ứng phó với bão theo các công điện số 38/CĐ-QG ngày 30/10, số 37/CĐ-QG ngày 29/10 và công văn số 556/VPTT ngày 28/10.