98 người Philippines thiệt mạng vì bão NALGAE
Số nạn nhân thiệt mạng do bão nhiệt đới Nalgae ở Philippines đã tăng lên 98 người, trong khi 69 người bị thương và 63 người vẫn mất tích.
Hơn 200 người chết, bị thương và mất tích do bão NALGAE
Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai quốc gia Philippines, số nạn nhân thiệt mạng do bão nhiệt đới NALGAE ở nước này đã tăng lên 98 người, trong khi 69 người bị thương và 63 người vẫn mất tích.
Phần lớn nạn nhân là những cư dân sống tại Vùng tự trị Bangsamoro ở miền Nam Philippines.
Cơ quan trên cho biết bão NALGAE đã gây lũ lụt và lở đất tại nhiều khu vực của Philippines, ảnh hưởng đến hơn 1,2 triệu người.
Khoảng 150 con đường và 60 cây cầu đã bị cô lập do nước lũ trong ngày 30/10, hầu hết ở khu vực thung lũng Cagayan ở miền Bắc Philippines.
Do ảnh hưởng của cơn bão, trong 2 ngày cuối tuần qua, hơn 150 thành phố và địa phương của Philippines đã bị cắt điện sinh hoạt, trong khi 7 khu vực mất nước sinh hoạt.
Bão cũng gây mưa to và gió lớn ở thủ đô Manila và các khu vực lân cận trong cả ngày 29/10, khiến chính quyền phải đóng cửa các trường học và ngừng tổ chức các sự kiện thể thao.
Các hãng hàng không cũng đã hủy 116 chuyến bay nội địa và quốc tế do bão mạnh.
Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã yêu cầu phân phát hàng cứu trợ khẩn cấp tới những khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất. Ông cũng dự kiến sẽ có chuyến thị sát tới những khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt thiên tai này.
Thiệt hại do cơn bão NALGAE gây ra đối với cơ sở hạ tầng của Philippines ước tính hiện khoảng 384 triệu peso (khoảng 6,62 triệu USD).
Bão số 7 NALGAE giật cấp 13 hiện cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 580km
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ ngày 31/10, vị trí tâm bão số 7 NALGAE ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 116,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 580km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (89-117km/giờ), giật cấp 13.
Dự báo trong 24 tới, bão số 7 di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km.
Đến 10 giờ ngày 1/11, tâm bão số 7 NALGAE mạnh cấp 11, giật cấp 13 ở vào khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc -116,2 độ Kinh Đông; cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 550km về phía Đông Đông Bắc. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới từ 14,5-21,0 độ Vĩ Bắc; 114,0-118,5 độ Kinh Đông. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3 tại vùng biển phía Đông khu vực Bắc và Giữa Biển Đông.
Trong 24 đến 48 giờ tới, bão số 7 di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km.
Đến 10 giờ ngày 2/11, tâm bão số 7 mạnh cấp 10-11, giật cấp 13 ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc -115,3 độ Kinh Đông; cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 570km về phía Đông Bắc. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 -48 giờ tới từ Phía Bắc vĩ tuyến 16 độ Vĩ Bắc; 113,0-118,5 độ Kinh Đông. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3 tại Bắc Biển Đông.
Dự báo từ 48 đến 120 giờ tới, cường độ bão số 7 có xu hướng suy yếu dần.
Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão số 7 có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, cường độ mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.
Từ 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão số 7 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, cường độ mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Từ 96 đến 120 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo: Ngày và đêm 1/11, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 7-8, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 13; biển động dữ dội, sóng biển cao từ 6-8m, vùng gần tâm bão 9-11m. Vùng biển phía Bắc của khu vực Giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 6-8m.
Khu vực vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc đến Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 2-4m. Vùng biển từ Quảng Trị đến Ninh Thuận có gió Tây Bắc đến Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 3-5m.
Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn. Nguy cơ sạt lở bờ biển tại các tuyến sung yếu.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google