Cẩn trọng với những “chuyên gia tư vấn tâm lý online”
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Lệ Thu, ngày nay, nhiều người trên mạng xã hội tự nhận mình là chuyên gia tư vấn tâm lý, chuyên gia giáo dục nhưng thực tế không được đào tạo bài bản.
Tại hội thảo "School of wellbeing: Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe tinh thần trong nhà trường", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Lệ Thu, giảng viên Tâm lý – Giáo dục, Tâm lý học đường thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đã chỉ ra những khoảng trống trong chăm sóc sức khỏe tâm thần tại các trường học ở Việt Nam. Trong đó, có vấn đề chất lượng, kiểm duyệt nguồn chuyên gia tham vấn và tư vấn tâm lý.
Hội thảo do hệ thống giáo dục Alpha phối hợp với hệ thống liên cấp chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm; Trường phổ thông liên cấp H.A.S; Trường Trung học phổ thông Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) và Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ tổ chức.
Cần có bộ quy tắc nghề nghiệp dành cho người làm công tác tâm lý học đường
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Lệ Thu cho rằng, tại Việt Nam hiện còn nhiều khoảng trống trong mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường ở các nhà trường.
Theo đó, hệ thống văn bản, chính sách, hướng dẫn của Nhà nước về công việc tham vấn, tư vấn tâm lý và người làm về hỗ trợ tâm lý học đường tại Việt Nam còn thiếu.
"Đây là khoảng trống cần phải khắc phục sớm nhất. Chẳng hạn, chúng ta cần có bộ đạo đức nghề nghiệp và các quy định trong đào tạo các nhà tâm lý học đường, quy định trong việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tâm lý học đường cho học sinh, trong giám sát tâm lý học đường…
Bộ quy định đó phải được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học của tâm lý, giáo dục, tâm lý học đường, của nhu cầu thực tiễn, Luật trẻ em Việt Nam, Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em,...
Các tiêu chí đào tạo, chuẩn đầu ra, các trường đại học đã tự làm và rất tường minh. Nhưng vẫn cần các quy chuẩn đào tạo ở mức độ quốc gia", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Lệ Thu diễn giải.
Thứ hai, là khoảng trống về đạo đức của người làm tham vấn, tư vấn tâm lý học đường. Yếu tố này liên quan đến khoảng trống thứ nhất, cần có các văn bản hệ thống những điều, những quy tắc, hướng dẫn người làm nghề, phù hợp với tình hình, đặc trưng tâm lý lứa tuổi, đặc trưng tâm lý cá nhân; đảm bảo về mặt pháp luật và rõ ràng về trách nhiệm giải trình, năng lực chuyên môn…
Qua đó, đặt ra yêu cầu với những người làm phòng ngừa, tham vấn, hỗ trợ tư vấn tâm lý học đường dựa trên bằng chứng khoa học chứ không phải bằng kinh nghiệm cá nhân.
Chất lượng và quy trình kiểm duyệt nguồn chuyên gia tư vấn tâm lý còn yếu
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Lệ Thu, hiện nay, một số người yêu tâm lý học và giáo dục ứng dụng. Họ cũng đã tự học đúng và giúp đỡ được một số phụ huynh, học sinh giải quyết vấn đề.
Nhưng khi đi vào sâu chuyên môn như tư vấn, tập huấn cho cha mẹ, vì thiếu nền tảng được đào tạo bài bản, dẫn tới việc họ du nhập những phương pháp tư vấn, hỗ trợ của nước ngoài, dù nghe tên rất lạ, song, không có bằng chứng khoa học.
Nhiều người không hiểu lại chạy theo các phương pháp đó, có thể vừa gây tốn tiền, tốn công sức, lại gây ra rủi ro về sức khỏe.
"Để được gọi là chuyên gia, cá nhân phải nghiên cứu và thực hành rất sâu trong một lĩnh vực. Người ấy phải được đào tạo một cách khoa học, bài bản, chuyên sâu, có công trình nghiên cứu/bài báo/sách khoa học đã được công bố, có năng lực tập huấn đào tạo và thực hành cho mình và người khác.
Các phụ huynh, nhà trường muốn tìm được chuyên gia chất lượng, trước hết, phải xem kỹ lý lịch của chuyên gia đó; phải hỏi những người chuyên môn để xem họ có biết người này không và nhờ xác định tính chính xác của lý lịch.
Ngày nay, nhiều người trên mạng xã hội tự nhận mình là chuyên gia tư vấn tâm lý. Các phụ huynh phải tìm hiểu kỹ để tránh tiền mất, tật mang", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Lệ Thu nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Lệ Thu cũng đã chỉ ra hàng loạt khoảng trống khác trong chăm sóc sức khỏe tâm thần tại các nhà trường ở Việt Nam, như mức độ nhận thức của ban lãnh đạo trường học, học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên và cộng đồng về vai trò của sức khỏe tâm thần còn hạn chế; tiêu chuẩn đào tạo/chuẩn đầu ra, chất lượng đào tạo người làm về tâm lý học đường; quy trình hỗ trợ, báo cáo tài chính và giải trình; giám sát chuyên môn và hệ thống công nhận; hệ thống ứng phó khẩn cấp; duy trì sự bền vững, nguồn kinh phí cho hoạt động chăm sóc tâm lý học đường; truyền thông, báo chí,…
Hội thảo "School of wellbeing: Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe tâm thần trong nhà trường" là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm tổ chức chương trình hỗ trợ tâm lý học đường nói riêng và chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần nói chung trong trường học. Từ đó, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh trong các trường tham gia.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google