Tham gia Tuyển mẫu ảnh thời trang quý bà bị "dính" lừa đảo gần 500 triệu đồng

PV
08:56 - 13/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

"Quý bà" Q, trú tại Hà Nội sau khi mua sản phẩm và được hoàn lại gần 20 triệu. Bà Q tiếp tục thực hiện thêm 10 lần giao dịch với tổng số tiền gần 500 triệu đồng nhưng không được hoàn lại tiền.

Tham gia Tuyển mẫu ảnh thời trang quý bà bị "dính" lừa đảo gần 500 triệu đồng- Ảnh 1.

Cảnh giác trước chiêu trò đăng ký tuyển mẫu thời trang quý bà để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Cảnh giác trước chiêu trò đăng ký tuyển mẫu thời trang quý bà để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Thông tin từ Cổng Thông tin điện tử Công an Thành phố Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội đã mở rộng đối tượng hướng tới là các "quý bà" thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook.

Theo đó, các đối tượng lập ra fanpage trên mạng xã hội và đăng tải các thông tin tuyển mẫu ảnh thời trang quý bà như:

"Công ty cần Tuyển Mẫu ảnh Quý Bà Thanh Lịch;

- Cơ hội để bạn tỏa sáng, hiện thực hóa vẻ đẹp quý phái và sức quyến rũ của mình qua ống kính tài năng của các nhiếp ảnh gia hàng đầu.

- Hãy khám phá vẻ đẹp thanh lịch và sự duyên dáng của những bức ảnh với các quý bà hiện đại;

- Chúng tôi tìm kiếm những người phụ nữ tỏa sáng với phong cách riêng biệt, đẳng cấp và quyến rũ;

**yêu cầu:

- Độ từ 35 trở lên

- Tự tin trước ống kính

**Quyền lợi :

+ Ứng viên sẽ được nhận lại toàn bộ hình ảnh đã qua chỉnh sửa

+ Được đào tạo kỹ năng tạo dáng trước máy quay

+ Lương :400 - 500 k/buổi. Thanh toán vào tài khoản thụ hưởng cuối ngày

- Gửi ảnh về BTC để tham dự

Chi tiết liên hệ qua fanpage".

Thông qua fanpage, khi "quý bà" có nhu cầu, các đối tượng sẽ cung cấp số điện thoại, kết bạn zalo và thông tin cá nhân để đăng ký. Sau khi đăng ký thành công, các quý bà sẽ được tham gia vào các hoạt động nhóm và yêu cầu chọn các sản phẩm như: váy, túi xách, nước hoa, đồng hồ,… với số tiền khác nhau.

Dẫn chứng trường hợp "Quý bà" Q, trú tại Hà Nội sau khi mua sản phẩm và được hoàn lại gần 20 triệu. Bà Q tiếp tục thực hiện thêm 10 lần giao dịch với tổng số tiền gần 500 triệu đồng nhưng không được hoàn lại tiền mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần cẩn trọng khi tìm hiểu các thông tin về chương trình tuyển mẫu thời trang trên các trang mạng xã hội để tránh bị lừa đảo. Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin tội phạm để phòng ngừa, tuyên truyền cho người thân, đặc biệt là người trung niên; trình báo cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc nghi vấn có hành vi thủ đoạn như trên.

Trước đó, cơ quan công an thường xuyên cảnh báo thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tham gia các hoạt động hướng tới đối tượng là trẻ em như: tham gia diễn giả nhí, tham gia người mẫu nhí, tham gia trại hè... 

Như Công dân và Khuyến học đã thông tin, thủ đoạn của các đối tượng đăng quảng cáo trên các website, mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber về việc "tuyển người mẫu nhí tham gia chụp ảnh làm đại diện thương hiệu"; sau đó, tìm kết bạn với các bậc phụ huynh có con nhỏ, đang sinh sống tại các thành phố lớn như thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và mời họ cho con tham gia ứng tuyển người mẫu nhí cho hãng thời trang.

Sau khi bậc phụ huynh có con nhỏ đồng ý tham gia sẽ được đối tượng đưa vào một nhóm/group chat để mời các cha mẹ tham gia trở thành cộng tác viên online dưới hình thức mua sắm các sản phẩm của sàn thương mại điện tử để hưởng hoa hồng và tăng khả năng trúng tuyển của con mình. Nhiệm vụ của các "cộng tác viên online" là tham gia làm nhiệm vụ mua sản phẩm với số tiền tăng dần và lừa người tham gia chuyển tiền mua sản phẩm vào tài khoản của các đối tượng.

Về vấn đề này, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công An đã khuyến cáo tới người dân cần cảnh giác khi tham gia vào các nhóm tuyển cộng tác viên online về tuyển mẫu nhí. Cần kiểm chứng, xác thực thông tin chính thức từ các thương hiệu. Không cung cấp những thông tin cá nhân cho người lạ, người không quen biết trên không gian mạng; không kết bạn, không vào các nhóm Zalo, Facebook, Viber… không quen biết. Trình báo cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp sở hữu các thương hiệu khi phát hiện dấu hiệu phạm tội liên quan đến hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản nêu trên.