Cảnh báo thủ đoạn "lừa tuyển người mẫu nhí" để chiếm đoạt tài sản

N.Cường
16:32 - 05/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Các đối tượng tội phạm sử dụng mạng xã hội đăng thông tin trên nền tảng mạng xã hội Facebook với tiêu đề "Mẫu ảnh thời trang bé yêu", "Tuyển trẻ em làm người mẫu cho hãng thời trang"... để lừa đảo những người nhẹ dạ, cả tin.

Lừa tuyển người mẫu nhí để chiếm đoạt tài sản

Theo VGP, ngày 5/12, Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02), Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đơn vị tiếp nhận nhiều vụ việc về nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn "lừa tuyển người mẫu nhí".

Cảnh báo thủ đoạn "lừa tuyển người mẫu nhí" để chiếm đoạt tài sản - Ảnh 1.

Các đối tượng phạm tội đăng thông tin trên facebook nhằm lừa đảo. Ảnh: VGP

Theo đó, các đối tượng tội phạm sử dụng mạng xã hội đăng thông tin trên nền tảng mạng xã hội Facebook với tiêu đề "Mẫu ảnh thời trang bé yêu", "Tuyển trẻ em làm người mẫu cho hãng thời trang"... để lừa đảo những người nhẹ dạ, cả tin.

Sau khi đọc được thông tin tuyển "mẫu nhí", nhiều phụ huynh muốn con được nhận làm người mẫu nên đã liên hệ với các trang này.

Bằng nhiều lời hứa mật ngọt, nhóm lừa đảo tội phạm công nghệ cao yêu cầu các bậc cha mẹ tải ứng dụng Telegram và đưa vào nhóm bí mật.

Trong các nhóm này, các đối tượng sẽ phân vai: Trợ lý, chuyên viên, tổng giám đốc, cộng tác viên... và đề nghị nạn nhân làm nhiệm vụ "cộng tác viên" trên mạng, nội dung là chuyển tiền online vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định.

Nếu hoàn thành "nhiệm vụ" được giao, "cộng tác viên" sẽ được nhận tiền gốc và lãi theo cấp độ tăng dần. Với "cộng tác viên" chuyển tiền làm "nhiệm vụ" lần đầu, nhóm lừa đảo sẽ trả lại tiền gốc và tiền lãi 10% tạo niềm tin để họ tiếp tục chuyển tiền.

Khi số tiền ngày càng tăng, nạn nhân không còn tài chính để nộp tiền thì ngay lập tức các đối tượng sẽ khóa nhóm, cắt liên lạc và chiếm đoạt tiền.

Bên cạnh đó, một số người còn nhận được đường link bình bầu giọng hát và cuộc thi người mẫu nhí. Khi nhấp vào các đường link này, người tham gia được yêu cầu nhập mật khẩu facebook, zalo. Ngay lập tức đối tượng sẽ chiếm đoạt facebook và các tài khoản mạng xã hội để đi vay tiền nhằm lừa đảo.

Sàng lọc, nhận diện tin giả, sai sự thật

Trước "chiêu thức" lừa đảo mới này, Công an Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân cẩn thận với những chiêu trò đánh vào lòng tham, việc nhẹ thu nhập cao. Người dân không tham gia, không gửi hình ảnh của con em mình nhằm phòng ngừa đối tượng lợi dụng với mục đích xấu. Không chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng nói trên để tránh bị lừa đảo.

Đồng thời, trước tình trạng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp, Bộ Công an khuyến cáo khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng, người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo sàng lọc thông tin, tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội và nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo, cụ thể:

Kiểm chứng cơ sở nguồn tin, xem thông tin đó đến từ nguồn nào, nếu đến từ một người lạ, thông tin không rõ ràng cần cảnh giác, có thể xem mục giới thiệu để kiểm tra.

Kiểm tra tên miền của trang mạng đăng tải thông tin, thường nguồn phát của thông tin xuyên tạc, giả mạo thường là những trang mạng có tên miền nước ngoài (.com, .org), không có đuôi tên miền Việt Nam ".vn". Các trang mạng chính thống của cơ quan tổ chức Nhà nước có tên miền quốc gia ".vn" và có địa chỉ, thông tin đăng ký cụ thể rõ ràng trên trang. Đối với các trang mạng xã hội của các cơ quan, tổ chức chính thống, thường đã được đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ và được cung cấp dấu bản quyền (dấu tích xanh). Người dân nên quan sát và phân biệt rõ các trang mạng xã hội chính thống và các trang giả mạo.

Kiểm tra tác giả, đọc kỹ nội dung để suy ngẫm xác định thông tin thật hay giả; tin tức giả hay bị lỗi chính tả hoặc có bố cục lộn xộn, các hình ảnh, video trong tin giả thường bị chỉnh sửa, cắt ghép, thay đổi nội dung, ngày tháng của sự kiện thường bị thay đổi. Tìm các tin, bài viết trên các trang chính thống, uy tín có nội dung tương tự để đối chiếu hoặc xin sự tham vấn của các chuyên gia trên từng lĩnh vực.

Lựa chọn thông tin đăng tải, chia sẻ từ những trang mạng xã hội nên tiếp cận các luồng thông tin chính thống; không tham gia đăng tải, chia sẻ, bình luận thông tin sai sự thật, hình ảnh phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục và văn hóa của dân tộc hoặc bôi nhọ, xúc phạm danh dự của tổ chức và cá nhân; thông tin trái với quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hoạt động vi phạm pháp luật hoặc thông tin mà chưa rõ nguồn gốc, chưa xác định được tính chính xác của thông tin. Trường hợp phát hiện các hoạt động nghi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Đẩy mạnh thông tin tích cực, có ý nghĩa trong cuộc sống, đấu tranh, phê phán lên án hành vi sai trái vi phạm trên mạng xã hội.

Bộ Công an đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/2020/CT-TTg ngày 25/5/2020 về "Tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Đồng thời, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương tập trung lực lượng, huy động các phương tiện và triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là các vụ lừa đảo, giả danh các cơ quan chức năng trên các trang mạng xã hội, dịch vụ viễn thông.

Điển hình: Cục Cảnh sát hình sự phá chuyên án, bắt 5 đối tượng thực hiện trên 415 hồ sơ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua ứng dụng cho vay của các ngân hàng với số tiền hơn 11 tỷ đồng; Công an tỉnh Quảng Nam phá chuyên án, bắt giữ 10 đối tượng (4 đối tượng quốc tịch Malaysia, Campuchia) sử dụng mạng viễn thông, internet giả danh cơ quan Công an lừa đảo chiếm đoạt hơn 500 tỷ đồng, phong tỏa 55 tài khoản ngân hàng với tổng số tiền 3,7 tỷ đồng; Công an tỉnh Hà Tĩnh phá 2 chuyên án, bắt 24 đối tượng lừa đảo qua mạng internet hơn 31 tỷ đồng của 140 bị hại ở nhiều địa phương; Công an tỉnh Thanh Hóa phá chuyên án, bắt 10 đối tượng lừa đảo qua mạng internet khoảng 18,6 tỷ đồng của 200 bị hại ở nhiều địa phương; Công an tỉnh Bắc Giang bắt 10 đối tượng người Trung Quốc lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet; Công an tỉnh Quảng Ninh bắt 5 đối tượng (3 đối tượng người Trung Quốc) làm giả thẻ ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

(Theo Cổng TTĐT Bộ Công an)