Tăng cường triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ mầm non, học sinh trong các cơ sở giáo dục

N.Cường
18:00 - 21/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch phối hợp tăng cường triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ mầm non, học sinh trong các cơ sở giáo dục để tăng tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Vaccine – giải pháp quan trọng để phòng chống dịch COVID-19

Theo Bộ Y tế, vaccine phòng COVID-19 là giải pháp cần thiết và quan trọng để phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế, xã hội. Các quốc gia trên thế giới đã triển khai chương trình tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Các nghiên cứu cũng như thực tế tiêm chủng trên thế giới đã chứng minh hiệu quả của vaccine trong việc làm giảm mức độ nặng của bệnh, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong, góp phần đáng kể trong việc kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.

Việt Nam bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 từ tháng 3/2021 cho các nhóm đối tượng ưu tiên từ 18 tuổi trở lên và đã mở rộng dần nhóm đối tượng tiêm chủng, trong đó từ tháng 10/2021 bắt đầu tiêm liều cơ bản cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, từ tháng 4/2022 tiêm liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, từ tháng 6/2022 tiêm mũi 3 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự phối hợp và chỉ đạo sát sao trong công tác truyền thông và triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo đưa công tác phối hợp tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 vào nhiệm vụ năm học 2022- 2023; chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác phối hợp, tăng tốc độ tiêm chủng cho trẻ em, học sinh.

Đến hết ngày 2/11/2022, tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 mũi 1, mũi 2, mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 100%, 100% và 63,8%; tỷ lệ bao phủ mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 88,9% và 62,1%.
Bộ Y tế

Tỷ lệ tiêm chủng các mũi vaccine ở trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi của Việt Nam thuộc nhóm cao so với nhiều quốc gia trên thế giới.

Như vậy, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành việc tiêm chủng mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, mũi 1 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và cần tiếp tục nâng cao tỷ lệ tiêm chủng mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong thời gian tới.

Tăng cường triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ mầm non, học sinh trong các cơ sở giáo dục - Ảnh 2.

Xe tiêm lưu động của Bệnh viện Quận 11 tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại trường Tiểu học Trưng Trắc, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/8/2022. Ảnh: Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh

Tăng cường tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ mầm non, học sinh trong nhà trường

Mục tiêu chung của Kế hoạch phối hợp tăng cường triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em mầm non, học sinh trong các cơ sở giáo dục là tăng tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi nhằm tăng cường hiệu quả phòng bệnh. Cụ thể: Tối thiểu 80% trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi trong các cơ sở giáo dục thuộc đối tượng chỉ định được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3; Tối thiểu 80% trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong các cơ sở giáo dục thuộc đối tượng chỉ định được tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19.

Nguyên tắc là đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục trong quá trình triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em mầm non, học sinh trong các cơ sở giáo dục theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành.

Tiêm chủng đảm bảo an toàn, hiệu quả và khoa học theo các hướng dẫn đã ban hành của Bộ Y tế.

Thời gian triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ mầm non, học sinh trong các cơ sở giáo dục: Từ tháng 11-12/2022.
Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo

Đối tượng tiêm: Trẻ em, học sinh từ 5 đến dưới 18 tuổi có chỉ định tiêm vaccine phòng COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã đăng ký với Bộ Y tế.

Hình thức triển khai: Tiêm chủng chiến dịch, miễn phí; Tổ chức tiêm tại các điểm tiêm cố định hoặc lưu động tại các cơ sở giáo dục phù hợp với tình hình thực tế triển khai tại địa phương.

Việc tiếp nhận, vận chuyển và bảo quản vaccine được thực hiện theo Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế.

Tổ chức tiêm chủng theo quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ, Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 về ban hành hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và các hướng dẫn cập nhật của Bộ Y tế.

Sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh và các cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng để triển khai tiêm chủng.

Ngành Y tế chủ trì, phối hợp với Ngành Giáo dục và các đơn vị liên quan tại địa phương triển khai các hoạt động rà soát đối tượng, lập kế hoạch, huy động nguồn nhân lực và tổ chức buổi tiêm chủng.

Tăng cường triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ mầm non, học sinh trong các cơ sở giáo dục - Ảnh 4.

Vaccine ngừa COVID-19 của Hãng dược phẩm Pfizer. Ảnh: Reuters

Đảm bảo an toàn tiêm chủng

Thực hiện khám sàng lọc trước tiêm chủng theo hướng dẫn tại Quyết định số 5002/QĐ-BYT ngày 29/10/2021 về việc ban hành hướng dẫn sửa đổi, bổ sung hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đối với trẻ em và Quyết định số định 2470/QĐ-BYT ngày 14/6/2019 về việc ban hành hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em của Bộ Y tế.

Theo dõi, xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng theo hướng dẫn tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ, Thông tư 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018, Công văn số 3886/BYT-DP ngày 11/5/2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng và các hướng dẫn cập nhật của Bộ Y tế.

Để quản lý đối tượng tiêm chủng, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định tiếp tục sử dụng ứng dụng Nền tảng quản lý tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trong quá trình triển khai tiêm chủng. Đồng thời, huy động nguồn nhân lực là các cán bộ, nhân viên thuộc Ngành Giáo dục, đoàn viên thanh niên... phối hợp, hỗ trợ Ngành Y tế trong việc cập nhật đầy đủ thông tin đối tượng tiêm chủng lên Nền tảng quản lý tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ngay trong buổi tiêm chủng.

Báo cáo hoạt động tiêm chủng

Các đơn vị thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thực hiện báo cáo nhanh kết quả tiêm chủng hàng ngày về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Viện Pasteur khu vực để tổng hợp, báo cáo Bộ Y tế;

Rà soát, báo cáo kết quả tiêm chủng hàng tháng về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Viện Pasteur khu vực để theo dõi, tổng hợp, tăng cường công tác quản lý vaccine.

Báo cáo sự cố bất lợi sau tiêm chủng theo quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ, Thông tư 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế và các hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo: Thực hiện báo cáo và theo dõi kết quả tiêm chủng cho trẻ em mầm non và học sinh theo quy định của ngành.

Trong ngày 19/11, Việt Nam có 55.384 liều vaccine COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm ở Việt Nam là 263.256.497 liều, trong đó:

+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 222.428.102 liều: Mũi 1 là 71.076.365 liều; Mũi 2 là 68.676.762 liều; Mũi bổ sung là 14.499.733 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 51.429.975 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 16.745.267 liều.

+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.646.097 liều: Mũi 1 là 9.121.941 liều; Mũi 2 là 8.925.636 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.598.520 liều.

+ Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 17.182.298 liều: Mũi 1 là 9.993.486 liều; Mũi 2 là 7.188.812 liều.

(Theo Bộ Y tế)