Hiệu quả bảo vệ sau tiêm vaccine COVID-19 mũi 3, mũi 4

H.Ngọc
18:10 - 07/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Sau khi tiêm vaccine COVID-19 mũi 4 sẽ giúp tăng khả năng ngăn ngừa biến chứng nặng, nhập viện, tử vong khoảng từ 9% đến 28% so với tiêm mũi thứ 3.

Theo báo cáo công tác phòng chống dịch COVID-19 do Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày tại Phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hiện nay chưa có các kết quả nghiên cứu chính thức về miễn dịch bảo vệ sau tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam. Tuy nhiên có thể sử dụng kết quả nghiên cứu trên thế giới về hiệu quả bảo vệ sau tiêm vaccine phòng COVID-19 để tham khảo và triển khai các hoạt động phòng chống dịch đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.

Hiệu quả bảo vệ sau tiêm vaccine COVID-19 mũi 3, mũi 4 - Ảnh 1.

Tổ chức Y tế thế giới nhấn mạnh việc tiêm vaccine để giảm thiểu bệnh nặng và tử vong do COVID-19 vẫn là chiến lược quan trọng nhất trong giai đoạn bình thường mới.

Về hiệu quả của vaccine sau tiêm mũi 3 ngăn ngừa biến chứng nặng, nhập viện và tử vong đạt khoảng 86% (ở tháng thứ nhất). Hiệu quả này giảm dần sau 6 tháng và giảm mạnh từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6 (hiệu quả bảo vệ ở tháng thứ 6 còn khoảng 70%).

Sau khi tiêm mũi 4 giúp tăng khả năng ngăn ngừa biến chứng nặng, nhập viện, tử vong khoảng từ 9% đến 28% so với tiêm mũi thứ 3.

Theo Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay cơ bản đã được kiểm soát và đang trở lại trạng thái bình thường mới, số người mắc COVID-19 thời gian qua nhiều, trẻ em mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ, dẫn đến tâm lý chủ quan, lơ là tiêm chủng.

Không có vaccine thì dễ mắc COVID-19, dễ chuyển nặng và nguy cơ tử vong rất cao. Do đó vaccine vẫn là vũ khí chiến lược trong phòng, chống dịch; mọi người dân đều phải được tiêm vaccine đầy đủ, an toàn, khoa học, hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Vì vậy mặc dù công tác truyền thông về tiêm chủng vaccine COVID-19 liên tục được đẩy mạnh và duy trì nhưng vẫn còn một bộ phận lớn người dân vẫn chưa ủng hộ và đồng thuận tiêm chủng do lo ngại về tác dụng phụ, phản ứng sau tiêm, chất lượng và hiệu quả của vaccine.

Bộ Y tế thông tin, có khoảng 13 triệu người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm đối tượng cần tiêm bổ sung đã được tiêm mũi bổ sung, trong đó nhiều người không tiếp tục đi tiêm mũi nhắc lần 1 vì cho rằng chỉ cần tiêm 3 mũi là đủ.

"Tổ chức Y tế thế giới nhấn mạnh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 100% các đối tượng có nguy cơ cao (cả liều cơ bản và các liều tiêm nhắc), sau đó mở rộng tiêm cho các đối tượng ưu tiên thấp hơn để giảm thiểu bệnh nặng và tử vong do COVID-19 vẫn là chiến lược quan trọng nhất trong giai đoạn bình thường mới" - theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia do Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày.

Theo thống kê của Bộ Y tế đến ngày 6/11, cả nước đã tiêm tổng số vaccine đã tiêm ở nước ta là 262.307.909 mũi, trong đó mũi 3 tiêm cho người trên 18 tuổi đạt 79%, mũi 4 là 84,4%; tiêm mũi 3 cho người từ 12- dưới 18 tuổi là 64,1%; đối với trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, tiêm mũi 1 đạt 88,9% và mũi 2 là 62,2%.

Bộ Y tế cho biết một số tỉnh, thành phố có tỉ lệ tiêm mũi 3 vaccine chưa cao; Tiến độ tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 cho trẻ từ 12 - dưới 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tăng chậm.

Tại Phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương diễn ra ngày 6/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tiêm chủng vaccine theo các mục tiêu đã đề ra; có phương án bảo đảm, phân bổ kịp thời vaccine đáp ứng yêu cầu của các địa phương; tăng cường đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn và thúc đẩy việc tổ chức tiêm vaccine tại các địa phương theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia.
Bình luận của bạn

Bình luận