Biến chủng COVID-19 liên tục biến đổi, cần tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine

PV
11:44 - 16/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 cho các nhóm đối tượng và tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.

Số ca COVID-19 mới và bệnh nhân nặng tăng

Bộ Y tế cho biết ngày 15/11 có 580 ca mắc mới COVID-19, tăng gấp gần 3 lần ngày 14/11 (204 ca). Tiếp tục ngày thứ 9 liên tiếp không ghi nhận bệnh nhân COVID-19 tử vong.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.509.473 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.312 ca nhiễm).

Bộ Y tế cảnh báo, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 vẫn chưa ổn định và khó dự đoán, miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Đồng thời, virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ bệnh nhân tăng nặng, tử vong trở lại.

Biến chủng COVID-19 liên tục biến đổi, tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine - Ảnh 1.

Bộ Y tế cảnh báo tình hình dịch COVID-19 vẫn chưa ổn định và khó dự đoán. Ảnh: TTXVN

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho nhóm đối tượng nguy cơ cao

Bộ Y tế đề nghị ngành y tế các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 cho các nhóm đối tượng và tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; rà soát việc tỉ lệ tiêm chủng chưa đạt như mong muốn và đề xuất nhu cầu vaccine sát thực tế…; phối hợp với các Viện khu vực, các đơn vị liên quan thuộc Bộ và Bộ Quốc phòng đảm bảo việc vận chuyển, tiếp nhận và chuẩn bị kế hoạch tiêm chủng.

Sở Y tế Hà Nội đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp với Phòng giáo dục, Trung tâm Y tế tiếp tục rà soát đối tượng trẻ em từ 5 tuổi trở lên; vận động, truyền thông cho cha mẹ, người giám hộ trẻ tiếp tục hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng; đảm bảo bao phủ đủ 2 liều cơ bản cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, tăng tỉ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 - dưới 18 tuổi.

Tăng cường công tác truyền thông trong cộng đồng; rà soát đối tượng cần tiêm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, không để bỏ sót đối tượng nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng mũi 4 cho những đối tượng nguy cơ cao.

Sử dụng hết số lượng vaccine được phân bổ theo đúng đề xuất, không thực hiện điều chuyển vaccine khi vẫn còn đối tượng tiêm chủng.

Vaccine COVID-19 ngăn ngừa sự xuất hiện biến chứng nặng cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi 

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), việc phòng bệnh COVID-19 cho trẻ em là rất cần thiết. Đặc biệt, tiêm vaccine sẽ giúp trẻ ngăn ngừa sự xuất hiện biến chứng nặng có tên "Hội chứng MIS-C" - là tình trạng viêm nhiều cơ quan khác nhau, như tim, phổi, thận, não, da, mắt, các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa ở trẻ có tiền sử mắc COVID-19 trước đó.

Trẻ mắc hội chứng MIS-C thường có các biểu hiệu: Sốt cao liên tục, mắt đỏ, môi đỏ, phát ban da, sưng đau hạch cổ và các triệu chứng tiêu hóa như nôn, đau bụng, tiêu chảy. Các biến chứng nặng của MIS-C ở trẻ em thường liên quan đến hệ tim mạch, bao gồm viêm động mạch vành và giảm chức năng co bóp của cơ tim.

Riêng biến chứng viêm mạch vành, nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại di chứng lâu dài trên hệ tim mạch, như dãn động mạch vành, thiếu máu cơ tim.

Để phòng bệnh COVID-19, các chuyên gia y tế và các tổ chức quốc tế tiếp tục nhấn mạnh biện pháp hữu hiệu nhất là tiêm vaccine phòng bệnh. 

Hiệu quả của các loại vaccine COVID-19 đối với trẻ nhỏ

HCDC cho biết, đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu đánh giá tính hiệu quả của vaccine đối với trẻ nhỏ.

Cụ thể, ở trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, 3 mũi vaccine Pfizer đạt hiệu quả 73,2% bảo vệ trẻ đối với thể nhẹ, có triệu chứng do biến thể Omicron và các chủng phụ. Đối với trẻ em từ 6 đến 23 tháng tuổi, vaccine cho hiệu quả ngăn ngừa COVID-19 là 75,8%, trung bình là 1,9 tháng sau liều thứ 3. Đối với trẻ từ 2 đến 4 tuổi, vaccine có hiệu quả phòng ngừa COVID-19 là 71,8%, trung bình là 2,4 tháng sau liều thứ 3.

Vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna và  đều đã được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt cho sử dụng ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi. Một số nước đã bắt đầu tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi, bao gồm Canada, Israel và Hoa Kỳ (tháng 6), với hơn 1 triệu trẻ em trong độ tuổi này đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine Moderna hoặc Pfizer.

Tại Australia, vaccine COVID-19 được khuyến cáo tiêm cho các trẻ đưới 5 tuổi thuộc nhóm nguy cơ. Ngoài ra, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ cũng đã tiêm chủng cho trẻ nhỏ với các loại vaccine khác nhau, như Trung Quốc (hơn 84 triệu liều vaccine Sinopharm và Sinovac cho trẻ 3 đến 11 tuổi đến tháng 11/2021), Hongkong (Trung Quốc, ngày 12/10/2022 phê duyệt vaccine Pfizer tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi), Cuba (sử dụng vaccine Abdala, Soberana tiêm cho trẻ em từ 2 tuổi). 

Tại Việt Nam, tính đến nay, tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm là 262.719.806 liều, trong đó:

- Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 222.256.111 liều;

- Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.588.672 liều;

- Số liều tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi là 16.875.023 liều.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, học sinh; tiếp tục theo dõi, cập nhật khuyến cáo của các tổ chức quốc tế về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 để mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi; tổng hợp kết quả khảo sát, thăm dò ý kiến về việc tiêm chủng cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi của Viện Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) và Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuẩn bị tổ chức họp Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine để xem xét vấn đề này.

Nguồn: Bộ Y tế, HCDC