Tăng cường các biện pháp phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em

PV
11:37 - 08/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Theo Bộ Công an, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em hiện nay tiềm ẩn nhiều yếu tố phi truyền thống như lợi dụng không gian mạng để xâm hại trẻ em, trẻ em bị tổn thương do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, cư trú ở vùng sâu, vùng xa.

Cơ quan bảo vệ pháp luật luôn phải “đi trước một bước” trong phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm xâm hại trẻ em

Tại Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Kế hoạch phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi (Kế hoạch số 506), Bộ Công an cho biết, 2 năm qua, đã phát hiện 3.748 số vụ xâm hại trẻ em (giảm 5,5% số vụ), với 4.354 đối tượng, xâm hại gần 4.000 trẻ em (số trẻ bị xâm hại giảm 5,3% so với cùng kỳ 2019 - 2020).

Toàn quốc phát hiện 8.227 vụ, với 16.649 đối tượng là người chưa thành niên vi phạm pháp luật (giảm 2,4% số vụ).

Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai mạng lưới ứng cứu khẩn cấp trẻ em trên không gian mạng, đã tiếp nhận phản ánh, thu thập, xử lý hơn 700 vụ việc sử dụng các hình ảnh trang mạng tiêu cực ảnh hưởng đến trẻ em. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phát huy hiệu quả Tổng đài quốc gia về trẻ em (Tổng đài 111), đã tiếp nhận 355.000 cuộc gọi tư vấn, trao đổi về bảo vệ quyền trẻ em như trẻ em bị bạo lực, bóc lột, nghi mua bán

Công tác xây dựng, phát triển, khai thác, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số vào công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi đã được tăng cường.

Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thành lập, đưa vào sử dụng 33 mô hình Phòng Điều tra thân thiện trong quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi; chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng mới 19 mô hình, duy trì 5 mô hình “Phòng ngừa xâm hại trẻ em, phòng ngừa người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật tại cộng đồng” tại 11 địa phương, để kèm cặp, giáo dục, chấp hành pháp luật cho gần 2.300 em.

Tăng cường các biện pháp phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng Ban Chỉ đạo Kế hoạch số 506 của Bộ Công an phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Bộ Công an

Phát biểu tại Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Kế hoạch số 506 nhấn mạnh, thời gian tới, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm liên quan đến người dưới 18 tuổi còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phi truyền thống như lợi dụng không gian mạng để xâm hại trẻ em, trẻ em bị tổn thương do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, cư trú ở vùng sâu, vùng xa… 

Thứ trưởng nhấn mạnh, các yếu tố tác động trên là thách thức với các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ trẻ em, do đó yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật luôn phải “đi trước một bước” trong phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị Ban Chỉ đạo Kế hoạch số 506 các cấp chủ động nắm, phân tích, dự báo tình hình từ sớm, từ xa, kịp thời tham mưu chủ trương, giải pháp lãnh đạo công tác đảm bảo an ninh, trật tự và phòng, chống tội phạm, không để tác động, hình thành các nguy cơ phát sinh tội phạm, đặc biệt là lợi dụng không gian mạng để xâm hại trẻ em. 

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp với Cục Trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng, sớm đưa hệ thống dữ liệu về quản lý các vụ việc liên quan đến trẻ em phục vụ công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Ban Chỉ đạo Kế hoạch số 506 các địa phương chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp gắn kết giữa Gia đình - Nhà trường - Tổ chức xã hội - Tổ chức quần chúng nhằm bảo vệ trẻ em trong thời gian tới.

Công an thành phố Hà Nội: Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng gia tăng

Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra những vụ án liên quan đến việc xâm hại trẻ em có tính chất đặc biệt nghiệm trọng, gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ em.

Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Công an thành phố Hà Nội, trong thời gian 2 năm 2021 - 2022, Công an Hà Nội đã phát hiện, điều tra, giải quyết 229 vụ, 281 đối tượng có hành vi xâm hại 240 trẻ em (giảm 11 vụ = 4,9% so với 2 năm trước đó).

Các vụ việc chủ yếu là hành vi xâm hại tình dục trẻ em: phát hiện 187 vụ, 189 đối tượng, xâm hại 194 trẻ em (chiếm 81,7% tổng số vụ; tăng 11 vụ = 5% so với cùng kỳ 2 năm 2019 - 2020).

Đối tượng phạm tội chủ yếu là nam giới (272 đối tượng, chiếm 96,7 %), đối tượng nữ giới chiếm tỉ lệ nhỏ (9 đối tượng, chiếm 3,2%). 

Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em tập trung ở nhóm tuổi trên 18 tuổi (202 đối tượng, chiếm khoảng 71,9%); nhóm từ 16 đến dưới 18 tuổi có 57 đối tượng (chiếm khoảng 20,3%) và nhóm dưới 16 tuổi (22 đối tượng, chiếm khoảng 7,8%). 

Các đối tượng phần lớn có trình độ văn hóa thấp (273 đối tượng không nghề hoặc lao động tự do, chiếm 97,2%), nhận thức pháp luật và xã hội còn hạn chế và hầu hết là phạm tội lần đầu (chiếm 95,7%).

Tăng cường các biện pháp phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em - Ảnh 2.

Đối tượng Nguyễn Trung Huyên bị tuyên án tử hình vì hành vi đóng đinh vào đầu 1 bé gái khiến cháu tử vong. Ảnh: Công an thành phố Hà Nội

Thủ đoạn chính của tội phạm xâm hại trẻ em thường là thông qua các mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò, kết bạn (như: facebook, zalo, tinder…) làm quen với trẻ em để gặp gỡ, dụ dỗ trẻ em quan hệ tình dục (257 đối tượng, chiếm 91,4%). 

Nạn nhân của các vụ xâm hại này thường là trẻ em từ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (169 trường hợp, chiếm 70,4%), độ tuổi từ 6 đến dưới 13 tuổi có 59 trường hợp (chiếm 24,6%), đội tuổi dưới 6 tuổi có 12 trường hợp (chiếm 2%). Nạn nhân chủ yếu là trẻ em gái (210 trường hợp, chiếm 87,5%), trẻ em nam có 30 trường hợp (chiếm 12,5%). 

Hậu quả của các vụ xâm hại trẻ em để lại vô cùng nặng nề, làm ảnh hưởng đến tinh thần, ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ em. Đáng chú ý có 9 trẻ em mang thai (chiếm 3,8%), 26 trẻ em bị thương tích (chiếm 10,8%), 4 trẻ em chết hoặc tự tử (chiếm 1,7%), 1 em bị rối loạn tâm thần (chiếm 0,4%).

Trước tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến xâm hại trẻ em nêu trên, Công an thành phố Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, thiết thực phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em.

Bên cạnh đó, Công an thành phố Hà Nội cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ, cần tăng cường sự quan tâm, giáo dục, quản lý, chia sẻ với các em, nhất là về vấn đề giới tính, không để các em quá tự do, tiếp xúc nhiều nguồn thông tin, dẫn tới các em thiếu hiểu biết về tâm sinh lý lứa tuổi và kiến thức pháp luật, kỹ năng về phòng, chống xâm hại, chủ động phòng tránh các hành vi xâm hại, biết tự bảo vệ mình trước mọi hành vi xâm hại.

Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi

Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định:

- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

+ Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;

+ Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

+ Có tính chất loạn luân;

+ Làm nạn nhân có thai;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;

+ Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

+ Phạm tội 2 lần trở lên;

+ Đối với 2 người trở lên;

+ Tái phạm nguy hiểm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

+ Có tổ chức;

+ Nhiều người hiếp một người;

+ Phạm tội đối với người dưới 10 tuổi;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

+ Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;

+ Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.

- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Bình luận của bạn

Bình luận