Chữ viết của người Việt thời Hùng Vương

Minh Xuân
12:10 - 03/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Những bằng chứng khảo cổ của thời trước Công nguyên cho câu trả lời chắc chắn về việc chữ viết đã được dùng phổ biến ở nước ta từ thời Hùng Vương.

Người đi học đầu tiên là "học cái chữ'. Một xã hội văn minh và học tập đầu tiên phải có chữ viết, vì đó là phương tiện căn bản đề truyền đạt tri thức và thông tin từ người này tới người khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác. Vậy người Viêt cổ liệu đã có chữ viết chưa?

Chữ viết của người Việt thời Hùng Vương - Ảnh 1.

Hoàn tiền (tiền lỗ tròn) có chữ Đông Chu và Tây Chu, tìm thấy ở vùng Bắc Ninh. Ảnh: MX

Chữ viết của người Việt thời Hùng Vương - Ảnh 2.

Chữ trên vành chiếc thạp đồng ở Bảo tàng cổ vật Hoàng Long, Thanh Hóa. Ảnh: MX

Chữ viết của người Việt thời Hùng Vương - Ảnh 3.

Đao tiền thời Chiến Quốc trong mộ thuyền Việt Khê. Ảnh: MX

Chữ viết của người Việt thời Hùng Vương - Ảnh 4.

Bình đồng Nghi Vệ trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ảnh: MX

Chữ viết của người Việt thời Hùng Vương - Ảnh 5.

Một trong hai chiếc chuông Đông Sơn có chữ của Bảo tào Lào Cai. Ảnh: MX

Ngay từ đầu thế kỷ 20 vấn đề chữ viết của người Việt cổ đã được thảo luận sôi nổi trong giới trí thức. Có thể kể tới Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Là một học giả uyên thâm của Viện Viễn Đông bác cổ, ông đã dựa trên các ghi chép về số đinh và suất thuế trong Ngọc phả Hùng Vương để đi đến nhận định rằng nước ta thời Hùng Vương đã tồn tại và sử dụng một loại chữ viết riêng.

Lưu truyền rằng chữ viết nước ta thời Hùng Vương là loại chữ khoa đẩu, hay chữ hình con nòng nọc.

Về chữ khoa đẩu ở nước ta, sách Đại Nam nhất thống chí của nhà Nguyễn chép rằng tại đền Đồng Cổ ở Thanh Hóa "có một cái trống đồng, nặng ước 100 cân, đường kính hơn một thước, năm tấc, cao hơn hai thước, trong rỗng không có đáy, bên tai hơi khuyết, trên mặt có chín vòng khuyên, lưng tắt mà rốn kín, bốn bên có giây khắc chữ Thập ngoặc, có chữ như lối chữ Khoa đẩu, nhưng lâu ngày không thấy rõ".

"Lối chữ Khoa đẩu" chỉ một dạng chữ khắc hoặc đúc trên các đồ dùng kim loại (Kim văn) của thời trước Công nguyên. Loại chữ này được nhắc tới trong bài tựa cuốn Thượng Thư (Kinh Thư) bởi Khổng An Quốc, cháu 12 đời sau của Khổng Tử: "... thời Lỗ Cung Vương, thích sửa sang cung thất, Vương cho phá nhà cũ của Khổng Tử để mở rộng thêm. Trong tường nhà tìm được Thư, phần Ngu, Hạ, Thương, Chu cùng Tả Truyện, Luận Ngữ, Hiếu Kinh, đều viết bằng chữ Khoa đẩu".

Tứ thư Ngũ kinh là những sách học khoa cử của nhiều thế hệ sĩ tử nước ta, vốn nguyên bản được ghi bằng chữ Khoa đẩu hay chữ Việt cổ của thời Hùng Vương.

Thời đại Hùng Vương được minh chứng qua khảo cổ bởi nền văn hóa đồ đồng Đông Sơn với những hiện vật điển hình đặc trưng là các loại trống đồng, thạp đồng, bình đồng, chuông voi... được tìm thấy ở nhiều nơi, mà tập trung ở vùng miền Bắc và Bắc Trung bộ. Nền văn hóa Đông Sơn được đặt tên theo nơi tìm thấy chiếc trống đồng đầu tiên ở bên bờ sông Mã của Thanh Hóa. 

Ở đây không chỉ có ghi chép về chữ viết trên trống đồng ở đền Đồng Cổ mà còn có chiếc thạp đồng có khắc chữ, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng cổ vật Hoàng Long. Dòng chữ khắc trên vành của chiếc thạp này dùng chữ dạng Đại triện (chữ viết thời Tiên Tần) và có thể đọc được là: "...nhất danh viết Điều đệ vị...", tạm dịch là "...một đồ vật tên là Điều xếp thứ..."

Một hiện vật nổi tiếng khác là chiếc trống đồng được tìm thấy trong khu vực thành Cổ Loa, được cho là gắn với vua An Dương Vương ở đây. Trên vành trong của trống Cổ Loa có dòng 12 chữ dạng Đại triện, mà có thể đọc được là "Vu tập bát cổ, trọng lưỡng cá bách bát thập nhất cân", nghĩa là: "Trống thứ 48, nặng hai trăm tám mươi mốt cân".

Những chữ viết trên các đồ vật đồng của văn hóa Đông Sơn có các nét chữ khá thẳng và gập khúc. Những chữ này được TS. Nguyễn Việt, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, gọi là loại chữ Nam Việt do tương đồng với chữ trên các đồ đồng ở vùng Quảng Tây và Quảng Đông. Nhưng thực ra đây là một dạng chữ Đại triện của thời Chiến Quốc, bởi vì trước thời nước Nam Việt nhà Triệu thì thừa tướng Lý Tư của nhà Tần đã quy chuẩn chữ viết dùng thống nhất là chữ Tiểu triện. 

Loại chữ phát hiện trên đồ đồng Đông Sơn ở Việt Nam và vùng Lưỡng Quảng nên gọi chính xác hơn là chữ Lạc Việt, vì vùng này vốn là đất Lạc dưới thời Thục An Dương Vương.

Trên các hiện vật của giai đoạn hậu kỳ văn hóa Đông Sơn cũng có chữ viết được đúc hay khắc. Ở Bảo tàng tỉnh Lào Cai hiện còn sưu tầm và lưu giữ được 2 chiếc chuông voi (loại chuông nửa bầu dục dẹt hoặc hình thang cân, có lỗ và 2 tai ở phía trên) có đúc chữ, dạng chữ Lệ. Chữ trên một trong 2 chiếc chuông đó còn có thể đọc được khá rõ là: "... cát phúc" (tốt lành). 

Dạng chữ Lệ này xuất hiện muộn hơn chữ Triện, từ xấp xỉ đầu Công nguyên. Dạng chữ Lệ tương tự cũng được thấy trên chiếc bình đồng tìm thấy trong mộ gạch xây cổ ở Nghi Vệ (Thuận Thành, Bắc Ninh) mà dòng chữ đầu đọc là "Kim lũ hồ..." (nghĩa là: Bình đồng có chạm khắc...)

Chữ viết tượng hình còn là loại chữ được đúc trên các loại tiền bằng đồng của thời Chiến Quốc, ghi lại trọng lượng hay nơi sản xuất của đồng tiền. Theo GS. Hoàng Văn Khoán hàng loạt những hiện vật như Bố tiền, Đao tiền, Hoàn tiền có chữ của thời kỳ này đã được tìm thấy ở đất Việt. 

Tiền cổ ở Việt Nam điển hình nhất là những Đao tiền cỡ lớn (dài hàng chục cm) được khai quật ở trong mộ thuyền Việt Khê (Thủy Nguyên, Hải Phòng). Mộ thuyền có với niên đại khoảng thế kỷ 3-2 trước Công nguyên và năm 2013 đã được công nhận là bảo vật quốc gia Việt Nam.

Vào thời đại Hùng Vương khoảng trước Công nguyên, ở miền Bắc Việt đã sử dụng các dạng chữ tượng hình như chữ Kim văn, chữ Đại triện, chữ Hán lệ, một cách phổ biến trong đời sống xã hội như trên tiền tệ, để ghi tên và các thông tin trên các vật dụng khác nhau. 

Với việc sử dụng chữ Nho từ rất sớm như vậy, chắc chắn người Việt đã tham gia đóng góp không nhỏ vào quá trình hình thành và phát triển loại chữ tượng hình của trời Đông. Chữ Nho đã là công cụ truyền đạt thông tin, học hành, khoa cử, làm nền tảng cho tương tác và phát triển xã hội trong suốt chiều dài mấy ngàn năm sử Việt.