Tại sao không công khai các khoản thu lên website của nhà trường tránh lạm thu?
Các trường phổ thông công lập hiện nay chỉ có 2 khoản thu bắt buộc, đó là học phí (cấp Trung học cơ sở; Trung học phổ thông) và bảo hiểm y tế. Tại sao các nhà trường không đăng tải công khai các khoản thu lên website chính thức nhằm tránh sai phạm lạm thu và giữ gìn thanh danh giáo viên?
Các trường phổ thông công lập hiện nay chỉ có 2 khoản thu bắt buộc, đó là học phí (cấp Trung học cơ sở; Trung học phổ thông) và bảo hiểm y tế. Thế nhưng, gần như không có trường học chỉ thu 2 khoản này.
Bởi lẽ, bên cạnh những khoản thu bắt buộc sẽ có những khoản thu không bắt buộc, như: là bảo hiểm thân thể; tin nhắn, điểm điện tử; nước uống; tiền vệ sinh; tiền gửi xe; học thêm tại trường; tiền quỹ hội, quỹ lớp…
Bên cạnh đó, giáo viên sẽ thông báo các hạng mục tài trợ như: khen thưởng học sinh giỏi cuối năm; ủng hộ học sinh nghèo mua bảo hiểm y tế; tiền xã hội hóa; quỹ khuyến học; các công trình xây dựng nhỏ mà nhà trường dự kiến trong năm; ti vi lớp học hư; mấy cái quạt chưa đủ mát và đang bị hư một số cái,…
Với rất nhiều khoản tiền trường như vậy khiến cho nhiều phụ huynh cứ phải miễn cưỡng đóng góp vì nhiều lẽ.
Tại sao nhà trường không công bố các khoản thu trên website?
Hiện nay, các trường phổ thông gần như trường nào ở khu vực thành thị, nông thôn cũng đều có website hoặc fanpage facebook riêng để thông báo, đăng tải những thông tin của nhà trường đến phụ huynh và mọi người đều có thể vào đọc. Thế nhưng, phần lớn các trang thông tin điện tử của nhà trường chỉ đăng tải thời khóa biểu, vài cái văn bản liên quan đến chuyên môn hoặc những văn bản quy phạm pháp luật. Hoặc một số bài viết của cựu học sinh hoài niệm hay một số tấm hình được tập thể sư phạm nhà trường chụp trong dịp lễ, tết và những hoạt động ngoại khóa của nhà trường.
Nếu như trường tận dụng tốt các trang thông tin điện tử hay trang mạng xã hội chính thức của nhà trường để thông báo các khoản thu trong năm của học sinh hoặc đăng tải các kế hoạch xã hội hóa, thư ngỏ của Ban đại diện cha mẹ học sinh có lẽ nó sẽ phát huy được nhiều tác dụng.
Thứ nhất: nếu nhà trường thông báo các khoản thu bắt buộc; không bắt buộc; các khoản xã hội hóa giáo dục thì phụ huynh sẽ biết con mình sẽ đóng bao nhiêu tiền trong năm. Phụ huynh có thể xem trước và ngày họp phụ huynh đầu năm, họ có thể cầm tiền đi đóng cho con em mình mà không cần giáo viên chủ nhiệm phải liệt kê rồi phát đến tay phụ huynh từng khoản thu.
Thứ hai: việc công khai các khoản thu sẽ giúp cho nhà trường thể hiện sự minh bạch các khoản đóng góp của học trò. Những khoản thu bắt buộc, hoặc không bắt buộc nhưng có lợi cho học trò tất nhiên phụ huynh sẽ đóng góp và chắc chắn phụ huynh không bị động khi đến họp phụ huynh mới được thông báo và họ không dám nêu ý kiến vì sợ con em mình bị liên lụy.
Thứ ba: đối với những khoản đóng góp tự nguyện, hoặc kêu gọi xã hội hóa thì việc công khai kế hoạch thu chi cụ thể sẽ giúp cho nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh chủ động hơn. Vì một khi được công khai kế hoạch với đầy đủ mục đích, dự kiến khoản thu, khoản chi trong năm sẽ giúp cho phụ huynh cân nhắc các khoản đóng góp cho con em mình một cách hợp lý.
Hơn nữa, việc kêu gọi xã hội hóa trên website không chỉ giới hạn trong phạm vi phụ huynh đang có con theo học mà có thể còn có thêm nhiều tấm lòng vàng từ các nhà tài trợ, các cựu học sinh chung tay với nhà trường.
Thứ tư: việc kêu gọi hay nhận tài trợ của các nhà trường từ các tổ chức, cá nhân một cách minh bạch sẽ không dẫn đến những thị phi từ phụ huynh vì đây là một chủ trương đúng, nhà trường được phép làm mà không cần thiết phải "mượn tay" Ban đại diện cha mẹ học sinh như một số trường đang làm.
Tại sao các trường chưa dám công khai các khoản thu lên website của nhà trường?
Trong bối cảnh hiện nay, việc kêu gọi xã hội hóa giáo dục không phải là quá khó, nếu nằm ở mức độ vừa phải, không lãng phí và khuất tất. Dù biết rằng ở thành thị hay nông thôn thì bên cạnh những phụ huynh có điều kiện vẫn có những phụ huynh gặp khó khăn nhưng thực tế số phụ huynh khó khăn ở khu vực thị thành, nông thôn không nhiều. Vì thế, nếu chủ trương, mục đích, cách thức vận động phù hợp thì phần đông phụ huynh vẫn sẵn sàng chung tay đóng góp với nhà trường để con em họ được học tập tốt hơn.
Thế nhưng, điều mà nhiều phụ huynh hiện nay chưa thực sự bằng lòng với nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh ở chỗ họ chỉ sốt sắng ở khâu vận động đầu năm học hoặc khi nào cần thiết. Sau khi vận động thì việc công khai các khoản chi thường chậm trễ hoặc không công khai. Việc chi như thế nào, chi vào mục đích gì vẫn là điều băn khoăn của nhiều phụ huynh nên chưa nhận được sự đồng thuận của tất cả phụ huynh. Những sự việc được báo chí phanh phui phần lớn là trong lớp, trong trường có những phụ huynh không đồng tình nên mới lọt, lộ ra ngoài.
Việc giao cho giáo viên chủ nhiệm công bố và thu các khoản tiền trường trong buổi họp phụ huynh trên tinh thần "tự nguyện" dù hiệu quả cho nhà trường nhưng bộc lộ nhiều hạn chế. Bởi lẽ, thu tiền cũng là một nhiệm vụ được cài cắm trong xét viên chức cuối năm, xét thi đua cuối năm học của giáo viên nên một số thầy cô chủ nhiệm sẽ "dùng chiêu" để thu, vận động được nhiều và hoàn thành sớm nên dẫn đến tình trạng khi phụ huynh này tài trợ bao nhiêu sẽ đưa lên nhóm zalo của lớp. Phụ huynh này đóng, phụ huynh khác cũng đóng theo. Cũng từ đây, những phụ huynh họ không đồng tình dễ dàng chụp màn hình những lời vận động, nhắc nhở của giáo viên chủ nhiệm cũng như các khoản tiền trường đưa lên các trang mạng xã hội.
Chính vì thế, nếu các địa phương, sở, phòng giáo dục có chủ trương yêu cầu các trường học công khai các khoản thu trong năm học lên website của nhà trường hoặc fanpage Facebook thiết nghĩ sẽ hạn chế tối đa được tình trạng lạm thu tiền trường. Và, đây cũng là cách mà các hiệu trưởng sẽ hạn chế được sai phạm vì các cơ quan, phụ huynh đều giám sát được các khoản tiền trường.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google