Tại sao động đất mạnh 5,6 độ richter ngày 21/11 ở Indonesia gây nhiều thiệt hại?
Xảy ra gần các đường đứt gãy, độ sâu của động đất và các tòa nhà không được xây dựng bằng phương pháp chống động đất là những yếu tố gây ra sự tàn phá nằng nề của động đất mạnh 5,6 độ richter chiều ngày 21/11 ở Indonesia.
Thiệt hại nghiêm trọng
Trận động đất đã khiến hơn 260 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương khi các tòa nhà đổ nát và người dân hoảng sợ bỏ chạy trên đảo chính Java – hòn đảo đông dân nhất của Indonesia.
Các thi thể tiếp tục được kéo ra khỏi đống đổ nát vào sáng 22/11 tại thị trấn bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Cianjur, nằm ở tỉnh Tây Java và cách thủ đô Jakarta khoảng 217km về phía Nam. Một số người vẫn hiện vẫn đang mất tích.
Trận động đất ngày 21/11 có "mạnh"?
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, trận động đất vào chiều ngày 21/11 có cường độ 5,6 độ richter và xảy ra ở độ sâu 10km (6,2 dặm).
Mặc dù theo thang đo động đất độ Richter, cường độ của trận động đất như vậy thường không gây thiệt hại trên diện rộng đối với cơ sở hạ tầng được xây dựng tốt. Động đất như vậy chỉ gây thiệt hại nhẹ cho các tòa nhà và các công trình khác (động đất làm nhà cửa rung chuyển, một số công trình có hiện tượng bị nứt).
Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ chỉ ra rằng: Thiệt hại do trận động đất phụ thuộc vào các yếu tố khác, như khoảng cách từ trận động đất, loại đất bạn đang ở, công trình xây dựng…
Theo các chuyên gia địa chất do gần với các đường đứt gãy, độ nông của trận động đất và cơ sở hạ tầng không đầy đủ - không thể chống chịu được động đất đã khiến cho thiệt hại của trận động đất ngày 21/11 ở Indonesia tăng cao.
Hàng chục tòa nhà bị hư hại ở Indonesia, bao gồm các trường nội trú Hồi giáo, bệnh viện và các cơ sở công cộng khác. Đường và cầu cũng bị hư hại, một số khu vực bị mất điện.
Tại sao trận động đất gây nhiều thiệt hại?
Các chuyên gia cho biết vị trí gần các đường đứt gãy, độ sâu của động đất và các tòa nhà không được xây dựng bằng phương pháp chống động đất là những yếu tố gây ra sự tàn phá nghiêm trọng bởi động đất.
Gayatri Marliyani, trợ lý giáo sư địa chất tại Đại học Gadjah Mada, ở Yogyakarta, Indonesia, cho biết: "Mặc dù trận động đất có quy mô trung bình nhưng nó gần bề mặt… và nằm trong đất liền, gần nơi mọi người sinh sống".
"Năng lượng của trận động đất vẫn đủ lớn để gây ra rung lắc đáng kể dẫn đến thiệt hại", Gayatri Marliyani nói.
Marliyani cho biết, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ trận động đất nằm gần một số đứt gãy mà các nhà địa chất đã biết trước đó.
Khi một trận động đất xảy ra trên một trong những đứt gãy đó, đá ở một bên của đường đứt gãy sẽ trượt so với bên kia.
"Khu vực này có lẽ có nhiều đứt gãy nội địa nhất so với các phần khác ở đảo Java," Marliyani nói.
Danny Hilman Natawidjaja, một chuyên gia địa chất về động đất tại Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Địa chất của Viện Khoa học Indonesia, cho biết: Nhiều tòa nhà trong khu vực cũng không được xây dựng với thiết kế chống động đất, điều này càng góp phần gây ra thiệt hại nghiêm trọng của vụ động đất.
Danny Hilman Natawidjaja nói: "Điều này làm cho một trận động đất có kích thước và độ sâu như vậy thậm chí còn có sức tàn phá lớn hơn".
Indonesia – đất nước thường xuyên phải hứng chịu động đất
Đất nước có hơn 270 triệu dân này thường xuyên phải hứng chịu động đất, núi lửa phun trào và sóng thần do nằm trên vòng cung núi lửa và đường đứt gãy ở lòng chảo Thái Bình Dương – hay còn gọi là "Vành đai lửa" Thái Bình Dương. Khu vực này trải dài khoảng 40.000km (25.000 dặm) và là nơi xảy ra phần lớn các trận động đất trên thế giới.
Nhiều trận động đất ở Indonesia là động đất nhỏ và gây ra ít hoặc không có thiệt hại. Nhưng cũng đã có những trận động đất gây chết người, thiệt hại nghiêm trọng.
Trước đó, vào tháng 2/2022, một trận động đất mạnh 6,2 độ richter đã làm 25 người thiệt mạng và hơn 460 người bị thương ở tỉnh Tây Sumatra.
Tháng 1/2021, một trận động đất mạnh 6,2 độ richter cũng đã làm 100 người thiệt mạng và làm bị thương gần 6.500 người ở tỉnh Tây Sulawesi.
Trận động đất mạnh và sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004 đã làm 230.000 người thiệt mạng ở hàng chục quốc gia, trong đó hầu hết là ở Indonesia.
Động đất là sự rung động mặt đất bởi sự giải phóng đột ngột năng lượng trong vỏ trái đất dưới dạng sóng địa chấn, có thể gây ra biên dạng trên mặt đất, phá hủy nhà cửa, công trình, của cải và sinh mạng con người.
Động đất xảy ra hằng ngày trên trái đất, nhưng hầu hết không đáng chú ý và không gây ra thiệt hại. Động đất lớn có thể gây thiệt hại trầm trọng và gây tử vong bằng nhiều cách.
Động đất có thể gây ra đất lở, đất nứt, sóng thần, nước triều giả, đê vỡ và hỏa hoạn. Tuy nhiên, trong hầu hết các trận động đất, sự chuyển động của mặt đất gây ra nhiều thiệt hại nhất. Trong rất nhiều trường hợp, có rất nhiều trận động đất nhỏ hơn xảy ra trước hay sau lần động đất chính; những trận này được gọi là dư chấn.
Năng lực của động đất được trải dài trong một diện tích lớn, và trong các trận động đất lớn có thể trải hết toàn cầu. Các nhà khoa học thường có thể định được điểm mà các sóng địa chấn được bắt đầu. Điểm này được gọi là chấn tiêu. Hình chiếu của điểm này lên mặt đất được gọi là chấn tâm.
Nhiều trận động đất, đặc biệt là những trận xảy ra dưới đáy biển, có thể gây ra sóng thần, hoặc có thể vì đáy biển bị biến dạng hay vì đất lở dưới đáy biển.
(Tổng cục Phòng, chống thiên tai)
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google